Norng Chan Phal là 1 trong 4 đứa trẻ được quân tình nguyện
Việt Nam cứu khỏi nhà tù diệt chủng khi cùng binh lính Campuchia vào giải phóng
thủ đô Phnom Penh. Gặp Norng Chan Phal vào tháng 9 năm 2019 tại Bảo tàng Tội ác
diệt chủng Toul Sleng – trước đây là trại giam khét tiếng S-21, nơi đã diễn ra
những cuộc tra tấn và hành quyết cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 người dân
vô tội Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ.
Norng Chan Phal hồi tưởng lại ký ức kinh hoàng về những ngày
bị giam cầm tại địa ngục trần gian cách đây 40 năm. Tai họa ập đến với gia đình
Norng Chan Phal khi cha anh đột nhiên bị lính Pol Pot bắt vào giữa năm 1978, ít
tháng sau đó chúng quay lại đưa cả gia đình Norng Chan Phal đi và cho biết sẽ
được gặp cha ở nơi có cuộc sống tốt hơn. Khi chiếc xe tải chở kín người vừa đỗ
trước cổng một trường học mà Khmer Đỏ biến thành nhà tù S-21, chúng xua người
dân đa số là phụ nữ, trẻ em xuống xe thật nhanh, ai chậm trễ bị chúng đạp ngã lộn
xuống đất.
Những tên lính hung tợn tay lăm lăm cầm gậy gỗ vung lên vụt
vào đầu, vào mặt bất kỳ người nào không vì lý do gì. Máu me vương vãi khắp nơi,
những tiếng kêu khóc bật lên rồi im bặt nhường chỗ cho tiếng quát tháo và tiếng
gậy, tiếng roi vut vút. Norng Chan Phal và em trai bị mẹ dùng 2 tay bịt chặt miệng
không cho kêu khóc vì lo sợ làm lính Pol Pot tức giận đem đi giết. Trong trại
giam, do sợ hãi trước sự tàn ác của Khmer Đỏ nên ai nấy đều phải làm theo bất kỳ
yêu cầu nào của chúng. Hàng ngày, chúng vào phòng giam gọi từng tốp người đi
tra tấn, hành quyết.
Norng Chan Phal nhớ lại: “Bên trong căn phòng bị nhồi chặt
người ở nhà tù, tôi không chứng kiến được cảnh bọn chúng giết người, nhưng tôi
thấy bọn chúng bắt người đưa ra ngoài và sau đó nghe thấy những tiếng gào thét,
tiếng rú của các nạn nhân vang lên rồi lịm tắt”.
Đối với Norng Chan Phal, đỉnh điểm nỗi sợ hãi là khi anh và
người em trai bị lũ Pol Pot giằng ra khỏi tay mẹ để đưa sang phòng giam khác.
Đó cũng là lần cuối cùng hai anh em Norng Chan Phal được nhìn thấy mẹ, họ không
thể biết điều gì đã xảy đến với bà sau đó, ánh mắt của người mẹ trong giờ khắc ấy
trở thành nỗi ám ảnh với họ suốt cả cuộc đời. Người em trai của Norng Chan Phal
sau này không bao giờ dám quay trở lại nhà tù khi nó đã trở thành Bảo tàng Tội
ác diệt chủng do bị ám ảnh bởi những ký ức hãi hùng.
May mắn đến với Norng Chan Phal khi giai đoạn đen tối trong
nhà tù S-21 mới trải qua ít ngày thì bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng
cách mạng Campuchia giải phóng Phnom Penh, lật đổ chế độ Khmer Đỏ vào ngày
7/1/1979.
Khi bộ đội Việt Nam tiến vào nhà tù, xung quanh là cảnh tượng
chết chóc, u ám và tĩnh lặng như tờ, anh em Norng Chan Phal nép sát vào đống quần
áo được gom lại ở một góc phòng không dám nhúc nhích, họ nhìn thấy những người
lính tay cầm súng nên rất hoảng sợ.
Norng Chan Phal hồi tưởng lại: “Những người lính Việt Nam
đưa chúng tôi ra khỏi đống quần áo tù nhân. Họ thấy người chúng tôi đầy vết muỗi
cắn, côn trùng đốt, không được ăn mấy ngày nay rồi, thì họ đã lấy hơn một nửa
túi gạo đem bên mình, nấu cơm cho chúng tôi. Đợi chúng tôi ăn xong, thì họ mới
đi”.
Chỉ vào bức ảnh 4 đứa trẻ trần truồng được những người lính
Việt Nam bế ra khỏi nhà tù S-21, Norng Chan Phal cho biết khi đó lũ trẻ ở trong
tù không có quần áo để mặc, người dính đầy bẩn thỉu, máu me, bộ đội Việt Nam đã
nhanh chóng nhấc họ lên, ôm vào lòng rồi đi qua những dãy xác người bốc mùi dọc
nhà tù để thoát ra ngoài.
Nói đến đó, bất chợt ánh mắt Norng Chan Phal sáng lên, nhìn
thẳng vào chúng tôi, anh quả quyết: "Người sinh ra tôi lần thứ hai là bộ đội
Việt Nam. Nếu bộ đội Việt Nam tới chậm ít ngày nữa, chắc chắn 4 đứa trẻ chúng
tôi không thoát khỏi số phận như hàng nghìn trẻ em xấu số khác trong nhà tù
này".
Hình ảnh về người lính tình nguyện Việt Nam luôn là những kỷ
niệm đẹp đối với Norng Chan Phal trong suốt quãng đời sau này. Sự ân cần, yêu
thương, chăm sóc của các anh bộ đội Cụ Hồ đã giúp xoa dịu phần nào nỗi đau tột
cùng mà Norng Chan Phal phải trải qua.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, Norng Chan Phal nói: “Khi ở trại
trẻ mồ côi, chúng tôi được bộ đội Việt Nam yêu thương chăm sóc, nuôi dưỡng như
con vậy. Họ dạy tôi ăn nói lễ phép với người lớn, khi có thời gian rảnh là lại
đến thăm tôi, đưa tôi đi chơi hoặc gửi cho tôi trái dừa... Đến những năm 80 thì
quân đội Việt Nam bắt đầu rút về nước, và từ đó đến nay tôi hoàn toàn không biết
tin gì về họ. Tôi hy vọng một ngày nào đó tôi được gặp lại họ”.
Nói đến đây, Norng Chan Phal đưa mắt nhìn về xa xăm. Anh cho
biết ít ngày tới sẽ đưa con gái lớn của anh về Việt Nam, tham dự một sự kiện kỷ
niệm ngày Campuchia được giải phóng tại TP.HCM.
Anh mong muốn sẽ được gặp lại những người lính tình nguyện
Việt Nam năm nào, để được ôm thật chặt lấy họ nói lời cảm ơn. Anh cũng mong các
con của mình sẽ ghi nhớ mãi mãi công ơn của bộ đội Việt Nam, những người đã đem
lại hòa bình, ấm no cho đất nước Campuchia ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét