Việc Việt Nam nhận được tín nhiệm
cao và trúng cử trở thành một trong 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp
quốc nhiệm kỳ 2023-2025 không chỉ khẳng định niềm tin của các quốc gia trong
khu vực cũng như trên thế giới, mà còn cho thấy sự coi trọng của bạn bè quốc tế
đối với vị thế của Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy, bảo đảm quyền con người
trên phạm vi toàn cầu.
Với vị trí là cơ quan trực thuộc
Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền là cơ chế quan trọng nhất của
Liên hợp quốc về quyền con người, có nhiệm vụ thảo luận tình hình về quyền con
người trên phạm vi toàn cầu và đưa ra các khuyến nghị đến các quốc gia cũng như
Báo cáo trình Đại hội đồng Liên hợp quốc vấn đề vi phạm quyền con người… Trở
thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền là cơ hội quan trọng để tăng cường
thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở cả cấp độ quốc tế và quốc gia.
Việt Nam được các nước thành
viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ủng hộ trở thành ứng cử viên duy
nhất trong khu vực để tranh cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp
quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam đạt được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế
khi bỏ phiếu trúng cử, cùng với Bangladesh, Maldives, Kyrgyzstan trở thành đại
diện của khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong Hội đồng Nhân quyền.
Đây là lần thứ hai Việt Nam
trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trước đó trong nhiệm kỳ
2014-2016, Việt Nam cũng đã nhận được sự ủng hộ rất cao của bạn bè quốc tế. Việc
tái cử vào Hội đồng Nhân quyền thể hiện sự tín nhiệm của các quốc gia đối với
Việt Nam về những nỗ lực bảo vệ quyền con người ở cấp độ khu vực cũng như toàn
cầu.
Tuy nhiên, lợi dụng cơ chế Kháng
thư Liên hợp quốc, số đối tượng chống đối, phản động lưu vong không chỉ gửi
Kháng thư để kêu gọi đại diện các quốc gia như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu tại
Liên hợp quốc không bỏ phiếu cho Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân
quyền, mà còn gửi Kháng thư yêu cầu thả các đối tượng vi phạm pháp luật Việt
Nam mà chúng cho rằng đó là “người bất đồng chính kiến” hay “người bảo vệ nhân
quyền”.
Trong giai đoạn 2015-2020, Việt
Nam tiếp nhận và gửi thông tin trả lời 50 Kháng thư Liên hợp quốc. Việt Nam đã
tiếp xúc với Nhóm làm việc về giam giữ độc đoán của Liên hợp quốc để làm rõ các
thông tin sai lệch trong Kháng thư liên quan đến quá trình bắt giữ, điều tra,
truy tố, xét xử và thi hành án đối với các đối tượng được đề cập. Sau đó các tổ
chức của Liên hợp quốc không gửi thêm Kháng thư về các đối tượng này.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định
cơ chế đối thoại về nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền là cơ hội để Việt Nam
đưa ra những bằng chứng về thành tựu nhân quyền ở Việt Nam, đấu tranh với những
luận điệu vu cáo, bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, chính sách về quyền con người
của Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực
đăng cai tổ chức một số hội thảo, hội nghị quốc tế, chủ động mời các báo cáo
viên đặc biệt Liên hợp quốc vào thăm Việt Nam, đón các đoàn khách quốc tế vào
làm việc, qua đó thể hiện thiện chí hợp tác của Việt Nam với các cơ chế nhân
quyền Liên hợp quốc. Trong bài viết “Nhân phẩm, tự do và công lý cho tất cả”
công bố vào ngày 10/12/2022 bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên
hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các cam kết và
nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về quyền con người”.
Vai trò của Việt Nam trong những
nỗ lực chung để bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu thể
hiện qua những đóng góp tích cực của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp
quốc. Tháng 7/2022, Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bangladesh và Philippines soạn
thảo, đề xuất lên Hội đồng Nhân quyền thông qua Nghị quyết về bảo đảm quyền của
các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Nghị quyết được thông qua phản ánh
nỗ lực của Việt Nam thực hiện có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng
quốc tế, cũng như kêu gọi các nước cần có hành động tích cực để bảo đảm sự tham
gia của đại diện các nhóm dễ bị tổn thương trong việc xây dựng các biện pháp,
chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam chủ động đề xuất lên Hội đồng
Nhân quyền ban hành Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền của từng nhóm yếu
thế như quyền trẻ em, quyền của phụ nữ hay quyền cho các nhóm yếu thế về sức khỏe,
quyền có lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, vấn đề bảo vệ môi trường
sống cho con người và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề đang được Việt Nam
thực hiện bằng nhiều biện pháp, từ đưa ra các cam kết quốc tế về mục tiêu giảm
phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050 (Quyết định số 896/QĐ-TTg
ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi
khí hậu giai đoạn đến năm 2050), hay đưa vào trong quy định của Luật Bảo vệ môi
trường.
Những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ
của Việt Nam trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người được cộng đồng quốc tế
đánh giá cao, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc Việt Nam tiếp tục cử lực lượng
tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng
hòa Trung Phi, khu vực Abyei. Từ tháng 10/2018 đến nay, Việt Nam triển khai 4 bệnh
viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan để chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp
quốc, cũng như các hoạt động hỗ trợ bệnh viện địa phương trong việc chăm sóc sức
khỏe của người dân.
Một điểm sáng về sự tiên phong của
Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế, nhằm khẳng định vai trò của phụ
nữ và hòa bình và an ninh theo tinh thần Nghị quyết 1325 (2000) của Hội đồng Bảo
an Liên hợp quốc về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh đó là cử 74 nữ
quân nhân, 01 nữ sĩ quan công an tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp
quốc.
Việt Nam cũng là thành viên có
trách nhiệm, luôn ủng hộ các chương trình phát triển của Liên hợp quốc, tạo điều
kiện cho các tổ chức phi chính phủ thực hiện các dự án tại
Việt Nam, nhất là các dự án nhằm
tăng cường vai trò cũng như bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế trong xã hội. Sự
chủ động, tích cực của Việt Nam trong các cam kết nhằm thực hiện các mục tiêu
phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã giúp chỉ số phát triển con người (HDI)
ở Việt Nam tăng 45,8% vào năm 2020, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có
tốc độ tăng trường HDI cao nhất thế giới.
Nhờ đó Việt Nam đã tăng hai bậc
trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117 trên 189 quốc gia vào năm 2019 lên 115 trên
191 quốc gia vào năm 2021. Bên cạnh đó, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World
Happiness Report - WHR) năm 2022 cho biết, Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm
2021, xếp thứ 77 trên hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều
chỉ còn 4,4% vào năm 2021.
Tại khu vực Đông Nam Á, năm
2020, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ
ASEAN về quyền con người (AICHR), Việt Nam đề xuất sáng kiến để cùng các quốc
gia AICHR ra Thông cáo báo chí chung về đại dịch Covid-19, từ đó Nhóm công tác
liên ngành Hội đồng điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp
được thành lập, huy động thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với dịch bệnh Covid-19,
qua đó thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất và hợp tác trong ASEAN để bảo vệ quyền
con người trong đại dịch.
Những nỗ lực và thành quả nêu
trên có được là do những ưu tiên, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ghi
nhận, bảo đảm quyền con người và thúc đẩy bình đẳng xã hội, nhất là trong lĩnh
vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, bảo đảm tự do tín ngưỡng, chăm lo
chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu vùng xa...
Nhưng các đối tượng chống phá và phản động lưu vong ở nước ngoài luôn tìm cách
chống phá, xuyên tạc, phủ nhận thành tựu nhân quyền của Việt Nam.
Lợi dụng việc Nhà nước xử lý một
số vụ việc nóng, phức tạp về an ninh trật tự theo quy định của pháp luật, chúng
luôn tìm cách khơi lại, thổi phồng, bóp méo bản chất sự việc nhằm xuyên tạc, vu
cáo đó là biểu hiện của “vi phạm nhân quyền”, “đàn áp tôn giáo”, “đàn áp người
dân tộc thiểu số” kích động bất bình trong dư luận hoặc lấy cớ gặp gỡ các tổ chức
nhân quyền quốc tế hay những nhân vật có định kiến với Việt Nam.
Qua đó nhằm tìm kiếm sự ủng hộ,
hỗ trợ về tài chính để tiến hành các hoạt động chống đối; kêu gọi các nước
phương Tây, các tổ chức NGO can thiệp, đưa ra các đạo luật, nghị quyết chống Việt
Nam; mưu đồ tham gia các hội nghị quốc tế về nhân quyền, lợi dụng diễn đàn quốc
tế để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, yêu cầu đòi
tự trị, ly khai; tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán, lãnh sự quán của Việt Nam
tại nước ngoài để ủng hộ cái gọi là “phong trào đấu tranh đòi tự do”, “lên án,
phản đối” nhà cầm quyền Việt Nam, đòi thả “tù nhân lương tâm”.
Thể hiện sự minh bạch về thông
tin, trong các cuộc đối thoại nhân quyền thường niên với Liên minh châu Âu, Hoa
Kỳ hay Australia, Việt Nam luôn chủ động cung cấp thông tin, vừa vận động vừa đấu
tranh để giải đáp các thắc mắc, thu hẹp khác biệt với các nước về vấn đề nhân
quyền cũng như vạch mặt những đối tượng vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ,
nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước. Qua đó giúp các bên hiểu rõ hơn về tình
hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, bác bỏ thông tin sai lệch, thiếu khách
quan.
Trong thời gian tới, dự báo các
thế lực thù địch vẫn sẽ tiếp tục lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để
xuyên tạc, vu cáo Việt Nam, tạo cớ can thiệp, thực hiện âm mưu diễn biến hòa
bình, hạ thấp uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, các hoạt động
ngoại giao, thông tin đối ngoại và đối thoại về vấn đề dân chủ, nhân quyền tại
Việt Nam càng cần được chú trọng.
Cụ thể cần tiếp tục đẩy mạnh
công tác đấu tranh ngoại giao và chủ động cung cấp thông tin, đối thoại về nhân
quyền với các nước, tổ chức quốc tế theo hướng giữ vững nguyên tắc độc lập chủ
quyền và an ninh quốc gia, tôn trọng lập trường, quan điểm của nhau. Kiên quyết
đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch về dân chủ,
nhân quyền. Mở rộng quan hệ với các chính giới, doanh nghiệp, học giả phương
Tây để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn chính sách của Việt Nam, tạo sự đồng tình,
ủng hộ./.
THH – H2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét