Bác Hồ đã dạy, việc tự gột rửa, tự sửa chữa của mỗi cán bộ, đảng viên phải là việc làm thường xuyên, liên tục, như rửa mặt hàng ngày. Phải chú ý khắc phục từ khuyết điểm nhỏ, không để nó lớn thành lỗi, thành sai phạm. Có như vậy mới tránh được những sai lầm nghiêm trọng!
Để lãnh đạo
thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu công cuộc đổi mới, Đảng phải trong sạch,
vững mạnh toàn diện, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Tư tưởng Hồ Chí
Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là “kim chỉ nam” cho Đảng ta trong việc
tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện giai đoạn
hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặt ra ngày càng
lớn hơn, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nhận thức phải
chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, góp phần
làm chuyển biến tình hình thực sự, có kết quả rõ ràng, cụ thể”, coi đây là
nhiệm vụ trọng tâm, then chốt; tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn,
thách thức, gương mẫu, đi đầu. Chủ động, trách nhiệm cao trong tham mưu với Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp về xây dựng, chỉnh
đốn Đảng. Chú trọng tham mưu, đề xuất cụ thể hóa các mục tiêu, triển khai
hiệu quả các chủ trương, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Kết luận số
21-KL/TW, gắn với hoàn thiện, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các quan điểm,
quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, kiểm soát quyền lực trong công tác
cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng...
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, làm cho
Đảng ta luôn phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng, lịch sử vẻ vang,
ngày càng thật sự vững vàng về chính trị tư tưởng, thống nhất cao về ý chí,
hành động, trong sạch về đạo đức, lối sống, chặt chẽ về tổ chức, gắn bó mật thiết
với nhân dân, đủ sức lãnh đạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường
tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế, uy tín và đưa đất nước phát triển
nhanh, bền vững. Theo đó, việc “tự soi, tự sửa” thực tế không hề dễ dàng. Có một
số người không cho rằng mình có sai lầm, khuyết điểm nên không tự soi và vì thế
không tự giác sửa chữa, nếu có sửa chữa theo yêu cầu của tổ chức, của cấp trên
mà không chủ động thì kết quả của việc sửa chữa đó có thể không căn cơ và vì thế
khuyết điểm, sai lầm vẫn còn đó hoặc chỉ thay đổi hình thức biểu hiện. Trong
khi đó, lãnh tụ Lenin cho rằng, chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm,
sai lầm, đó là đứa bé còn ở trong bụng mẹ, và người chết đã bỏ vào quan tài.
Người nói rõ, có hoạt động thì khó tránh khỏi có khuyết điểm, sai lầm. Do đó, sự
tự biện minh rằng mình không bao giờ có khuyết điểm rõ ràng không phải là thái độ
cầu thị, mà không cầu thị thì không thể tiến bộ.
Bên cạnh đó,
một số người không thật sự trung thực khi nói về các hạn chế, khuyết điểm của
mình, hay quanh co khẳng định các sai sót là do “yếu tố khách quan”, do “điều
kiện để lại”… chứ ít thừa nhận mình đã sai trái. Thay vì mạnh dạn thừa nhận
khuyết điểm để khắc phục, để rút kinh nghiệm, thậm chí đó là cách để được giảm
nhẹ hình thức kỷ luật, chế tài thì có không ít cán bộ, đảng viên đổ lỗi cho cấp
dưới, viện dẫn quy định của cấp trên, quy hết cho trách nhiệm tập thể, chỉ chịu
thừa nhận là “quá tin tưởng”, “thuận theo đa số”… hoặc cùng lắm là do “năng lực
có hạn”. Sự không thẳng thắn đó có thể làm cho người mắc khuyết điểm tránh hoặc
hạn chế được hình thức kỷ luật nhưng khó làm cho họ thực sự tiến bộ.
Trên Báo Nhân
dân ngày 20/5/1951 trong bài Tự phê bình, Bác đã viết: “Tự mình không đánh thắng
được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được
mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy, người cách mạng nhất định
phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm”. Người cũng nhắc
nhở: “Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ cho nên phải thật thà, phải triệt
để mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức thì vô ích”. Do
vậy, không trung thực trong nhận khuyết điểm thì không thể sửa chữa khuyết điểm.
Sự “tự soi, tự
sửa” cần có sự giúp đỡ của tập thể, của đồng chí, đồng nghiệp, trên tinh thần
“thương yêu lẫn nhau” như Bác Hồ đã dạy. Nếu nơi nào có hiện tượng phê bình là
“đập cho chết” thì rõ ràng không thể khuyến khích người mắc lỗi trung thực thừa
nhận (tức không dám “tự soi”) và mạnh dạn sửa chữa. Do đó, việc đánh giá khuyết
điểm và các cách khắc phục phải được nhìn nhận có lý có tình, có xét đến cả mặt
khách quan lẫn chủ quan, phải quan tâm đúng mức yếu tố lịch sử cụ thể. Việc tập
thể truy tìm khuyết điểm của một cá nhân phải được xem xét ở khía cạnh là không
chỉ vì cá nhân đó mà còn vì cảnh báo, nhắc nhở, thậm chí thuyết phục những cá
nhân khác. Còn cứ chăm chăm truy tìm để “tận diệt” thì khuyết điểm sẽ không những
không hết khuyết điểm mà sẽ còn được che giấu tinh vi hơn.
Dĩ nhiên, sự
nhìn nhận và khắc phục khuyết điểm còn phụ thuộc vào các quy định của tổ chức
cũng như vai trò của người đứng đầu. Tổ chức nào (chi bộ, đơn vị, cơ quan…) có
biện pháp quản lý cán bộ, đảng viên tốt, có sự kiểm tra, giám sát hữu hiệu thì
dẫu có người muốn tránh né khuyết điểm cũng không thể, do đó họ sẽ tự giác thừa
nhận. Chính điều này làm khuyết điểm không kéo dài và tránh được những hậu quả
nghiêm trọng, tránh lây lan, tránh thiệt hại nặng cho bản thân người vi phạm và
cho tổ chức. Bản thân người đứng đầu phải có quan điểm tích cực và đúng đắn
trong vấn đề tự phê bình và phê bình để một mặt tìm ra được khuyết điểm của đồng
chí, đồng nghiệp một cách “tâm phục khẩu phục”, mặt khác giúp họ tiến bộ hơn,
giúp người khác tránh mắc sai lầm tương tự. Người đứng đầu phải luôn làm gương
trong việc tự rèn luyện, tu dưỡng, thực sự “tự soi, tự sửa” và luôn biết tạo điều
kiện để tập thể do mình quản lý, lãnh đạo luôn tự rèn luyện, tu dưỡng. Tức là,
người đứng đầu không tự giác “tự soi” và “tự sửa” thì không thể yêu cầu người
khác “tự soi”, “tự sửa”!
Cuối cùng, việc
“tự soi, tự sửa” phải gắn với kỷ cương, kỷ luật. Mỗi cá nhân phải thực hiện đầy
đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành đầy đủ các quy tắc, điều lệ, các quy
định của pháp luật… Việc thực hiện nghiêm kỷ luật sẽ tự bộc lộ ai có khuyết điểm,
ai cần phải sửa; còn nếu xuê xoa, thỏa hiệp nhau, kiểu “nhẹ người nhẹ ta” thì sẽ
không ai thấy có lỗi để mà sửa chữa. Đồng thời, các hình thức xử lý tổ chức, cá
nhân vi phạm phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, nghiêm minh,
tránh “giơ cao đánh khẽ”, “nhẹ trên nặng dưới” hoặc để vụ việc dai dẳng, kéo
dài khiến tính giáo dục, thuyết phục, răn đe bị hạn chế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét