Pages - Menu

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

KHẮC PHỤC TÂM LÝ SỢ SAI, SỢ TRÁCH NHIỆM

 

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đã thu được kết quả tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực được xử lý nghiêm. Những vụ án ấy đã ít nhiều tác động đến tâm lý cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thiếu bản lĩnh sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm gì. Có cán bộ thốt lên rằng “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, vì thế mà không muốn làm gì. Thực tế này rất đáng báo động.  Đây là câu chuyện không mới, cán bộ biết sợ sai là tốt, như vậy sẽ tránh được cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố; nhưng sợ đến mức không dám làm, không dám hành động gì vì sợ sai, sợ trách nhiệm và không biết làm như thế đúng hay sai là không thể chấp nhận được và cần phải xem lại trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên đó. Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để đánh giá lại cán bộ của mình xem còn đủ năng lực và trình độ hay không để xử lý trách nhiệm, thậm chí là đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước.

Một trong những đột phá quan trọng mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Cần phải hiểu rằng “dám làm” không có nghĩa là làm ẩu, làm liều, càng không phải là vi phạm pháp luật. Cán bộ, đảng viên phải là con người của hành động, “chân đi, miệng nói, tay làm”, vì cái chung.

Dám nói chính là tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái xấu, suy thoái về chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Dám chịu trách nhiệm chính là thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của người đứng đầu, “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to, gió cả”, không lùi bước trước khó khăn và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn. Dám chịu trách nhiệm bao gồm hai yếu tố: Một là, nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, đùn đẩy. Hai là, dám chịu trách nhiệm, dũng cảm nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Dù đường lối của Đảng đã khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám”, nhưng trên thực tế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức nhất là người đứng đầu. Để khắc phục tình trạng này, rất cần một hành lang pháp lý đầy đủ khuyến khích và bảo vệ phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên. Vấn đề cấp thiết hiện nay là có quy định cụ thể để giải tỏa, khắc phục cho được tâm lý sợ làm sai, sợ bị xử lý trách nhiệm, mặc dù rất cố gắng giải quyết khó khăn, thách thức với một động cơ trong sáng - vì lợi ích của dân, của đất nước, không vì danh, lợi cá nhân.

Để khắc phục tâm lý trên, vừa qua Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”. Theo đó, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn khi giải quyết công việc. Kết luận nêu rõ: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét