Kể từ khi chế độ phong kiến được bảo hộ bằng các đạo luật hà khắc thời trung cổ từ thế kỷ XV dần bước vào thời kỳ tan rã, đồng thời cũng là khi nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc khép kín ngày càng phải nhường chỗ cho một nền sản xuất hàng hóa phát triển hơn với mức độ trao đổi hàng hóa rộng rãi hơn và ở trình độ cao hơn.
Tiếp đến, nền sản xuất TBCN từng
bước khẳng định được địa vị thống trị của mình trong nền sản xuất xã hội thì những
quan điểm về sự phân phối và trao đổi dựa trên nguyên tắc trao đổi ngang giá của
nền sản xuất hàng hóa đã được coi là một thước đo thật sự của công bằng xã hội,
là một thứ vũ khí của giai cấp tư sản để bảo vệ cho lợi ích riêng của giai cấp
mình, đồng thời chính là ngọn cờ để giai cấp tư sản hiệu triệu lực lượng đông đảo
người lao động chống lại sự bất công và bất bình đẳng của trật tự xã hội phong
kiến, được xây dựng trên cơ sở thống trị của nền sản xuất mang tính lệ thuộc và
cống nạp.
Khi quan hệ trao đổi ngang giá
trong nền sản xuất hàng hóa tư bản đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự
phát triển lực lượng sản xuất và trở thành thống trị, thì đồng thời giai cấp tư
sản đã coi nguyên tắc trao đổi ngang giá chính là thước đo của công bằng xã hội.
Tuy nhiên, cũng chính trong giai
đoạn phát triển của CNTB, những người chủ sở hữu trên những mảnh đất nhỏ bé của
mình, những người mà trước đó họ được giai cấp tư sản giải phóng khỏi kiếp nông
nô thời phong kiến, thì giờ đây chính CNTB lại cuốn hút họ vào cơn lốc cạnh
tranh và đẩy hàng loạt trong số họ vào tình trạng phá sản. Vì thế, để sống được
buộc họ phải đổ xô về các thành thị để kiếm công ăn, việc làm như những người
vô sản.
Các nhà kinh điển mácxít chỉ rõ,
có tình hình này là do: “Cái “tự do sở hữu” được thoát khỏi xiềng xích phong kiến,
ngày nay đã được thực hiện trong thực tế, thì đối với người tiểu tư sản và tiểu
nông, chẳng qua chỉ là tự do bán cái sở hữu nhỏ của họ - cái sở hữu bị đè bẹp bởi
sự cạnh tranh mãnh liệt của đại tư bản và đại chiếm hữu ruộng đất lớn - cho
chính những bọn chủ đầu sỏ ấy; do đó, đối với người tiểu tư sản và tiểu nông,
“tự do sở hữu” đã biến thành tự do mất sở hữu. Sự phát triển nhanh chóng của
công nghiệp trên cơ sở tư bản chủ nghĩa đã làm cho sự nghèo khổ và khốn cùng của
quần chúng lao động trở thành điều kiện sống còn của xã hội”.
Như vậy, trong nền sản xuất đại
công nghiệp, nguyên tắc trao đổi tự do và phân phối đúng với giá trị của sức
lao động sản xuất ra hàng hóa đã không còn mang ý nghĩa là vũ khí đấu tranh chống
lại trật tự phong kiến trước đây. Đây không còn là nguyên tắc để thực hiện sự
công bằng trước hết đối những người sản xuất nhỏ, thậm chí nguyên tắc trao đổi
tự do giữa những người sản xuất nhỏ mà nguyên tắc này đã bị đè bẹp bởi sự cạnh
tranh mãnh liệt của đại tư bản và đại sở hữu ruộng đất. Bởi vậy, “Số phận của
chế độ xã hội lý tính cũng không đẹp đẽ gì hơn. Sự đối lập giữa những người
giàu và những người nghèo đáng lẽ được giải quyết trong đời sống hạnh phúc phổ
biến thì lại trở thành sâu sắc hơn”.
Trong điều kiện của nền sản xuất
TBCN, giai cấp tư sản đã tỏ rõ sự hoàn toàn bất lực trước vấn đề xã hội quan trọng
là xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng thật sự giữa người với người.
Trong chế độ xã hội đó, về mặt kinh tế, mọi quan hệ được coi là công bằng khi
chúng được thực hiện dựa trên nguyên tắc trao đổi ngang giá, trong lĩnh vực
chính trị và các quan hệ xã hội khác thì mọi người được tuyên bố là bình đẳng
trước pháp luật, nhưng thật ra đó chỉ là một hệ thống pháp luật bảo vệ cho lợi
ích của giai cấp thống trị đương thời mà thôi.
Theo các nhà kinh điển của chủ
nghĩa Mác: “Sự quy định giá trị hàng hóa bằng lao động và sự trao đổi tự do sản
phẩm lao động giữa những người sở hữu hàng hóa bình quyền được thực hiện trên
cơ sở sự đo lường giá trị theo cách như vậy là những nền tảng thực tế, như Mác
đã chứng minh, trên đó xây dựng toàn bộ hệ tư tưởng về chính trị, luật pháp và
triết học của giai cấp tư sản hiện đại”.
Các nhà kinh điển mácxít đã chỉ rõ
bản chất của chế độ phân phối được cho là công bằng theo nguyên tắc trao đổi
ngang giá, chỉ là vị thế có lợi đối với riêng giai cấp tư sản và là vị thế bất
lợi với giai cấp công nhân trong cuộc trao đổi “ngang giá” giữa sức lao động mà
người công nhân bỏ ra và tiền công mà nhà tư bản trả cho họ. Sự bất công là ở
chỗ “Công nhân bỏ ra nhiều, nhà tư bản chi ra ít”. Về điều này, Ph.Ăngghen đã
viết một cách châm biếm: “Đó là một loại công bằng hết sức đặc biệt”.
Các nhà kinh điển mácxít khẳng định,
trong nền sản xuất hàng hóa TBCN, nguyên tắc trao đổi ngang giá được thực hiện
đối với mọi hàng hóa nói chung, trong đó có cả hàng hóa sức lao động. Hàng hóa
sức lao động ấy trong CNTB đã thuộc sở hữu của chính người lao động, cho nên
người lao động đã được tự do định đoạt đối với lao động của chính mình, nghĩa
là người lao động ở đây đã thật sự được giải phóng khỏi sự lệ thuộc vào ruộng đất
của chủ đất, không phải lao động cống nạp như thời kỳ phong kiến. Nhờ đó, người
công nhân trong CNTB được tham gia một cách tự do, bình đẳng vào quan hệ mua
bán sức lao động với nhà tư bản, được toàn quyền quyết định bán hay không bán sức
lao động của mình cho nhà tư bản trên cơ sở “thuận mua vừa bán” theo đúng quy
luật của thị trường.
Từ góc độ này mà xét thì quan hệ
phân phối sản phẩm giữa nhà tư bản và người công nhân dựa trên sự đóng góp công
sức của cả nhà tư bản và người công nhân vào việc làm ra sản phẩm là hoàn toàn
công bằng: người công nhân đã được nhận hoàn toàn đầy đủ tiền công của mình
theo đúng giá cả đã được thoả thuận giữa anh ta với nhà tư bản, còn nhà tư bản
đương nhiên được nhận toàn bộ phần còn lại của sản phẩm do đóng góp của anh ta
về vốn (dưới dạng tư liệu sản xuất và tiền công trả cho công nhân) vào việc tạo
ra sản phẩm.
Do đó, nhìn bề ngoài thì quan hệ
phân phối, hơn nữa, đây lại là quan hệ phân phối thống trị trong CNTB, là hoàn
toàn công bằng và việc giai cấp tư sản coi nguyên tắc trao đổi ngang giá chính
là thước đo của công bằng xã hội không phải là không có lý. Tuy nhiên, nếu xem
xét kỹ thì sự thật lại không phải hoàn toàn như thế.
Trước hết, cần nhận xét rằng trong
nền sản xuất hàng hóa, bản thân nguyên tắc trao đổi ngang giá mang tính công bằng
và về phương diện này nó là động lực của sự phát triển kinh tế. Nhưng trên thực
tế, trong nền kinh tế thị trường TBCN, nguyên tắc trao đổi ngang giá này đã
không được thực hiện đúng như lý thuyết. Thực vậy, trong nền kinh tế thị trường
đó, giá cả trên thị trường không phải khi nào cũng phù hợp với giá trị vì nó được
hình thành dưới tác động của nhiều yếu tố. C.Mác nhận xét: “Giá trị hàng hóa được
quy định bởi lao động cần thiết để sản xuất ra hàng hóa đó. Nhưng tuy vậy, người
ta thấy rằng trong thế giới tội lỗi của chúng ta hàng hóa được bán ra lúc cao,
lúc thấp hơn giá trị của nó, vả lại không chỉ do những dao động bắt nguồn từ cạnh
tranh”.
Hậu quả của phương thức phân phối
tư bản chủ nghĩa như vậy, như điều mà C.Mác cũng đã chỉ ra, “Lao động càng phát
triển lên thành lao động xã hội và do đó trở thành nguồn của của cải và của văn
hóa thì sự nghèo khổ và cảnh sống vất vưởng lại càng phát triển ở phía người
lao động, còn của cải và văn hóa lại ngày càng phát triển ở phía kẻ không lao động”.
Điều đó hiển nhiên cho thấy,
nguyên tắc phân phối chủ đạo của CNTB về thực chất không có gì khác, vẫn là một
nguyên tắc phân phối hoàn toàn bất công, chỉ có điều sự bất công đó được che giấu
một cách rất tinh vi bởi một vẻ ngoài được cho là rất công bằng qua nguyên tắc
trao đổi ngang giá.
Song dù sao, so với quan hệ phân
phối mang tính cống nạp và lệ thuộc của người lao động đối với lãnh chúa trong
phương thức sản xuất phong kiến, thì nguyên tắc phân phối chủ đạo trong phương
thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn là một nguyên tắc phân phối công bằng hơn, bởi
vì dù sao, nó đã giải phóng người lao động khỏi sự trói buộc vào ruộng đất, làm
cho người lao động không còn phải lao động cống nạp cho địa chủ qua các loại địa
tô và đặc biệt là người lao động được hoàn toàn tự do trong quan hệ mua - bán sức
lao động như bất cứ một hàng hóa nào khác theo nguyên tắc ngang giá trên thị
trường.
Thêm nữa, trong nguyên tắc phân phối ấy, việc phân phối theo tỷ trọng lao động đã được thực hiện ở mức độ nhất định theo chế độ tiền công theo giá cả của thị trường sức lao động. Những điều ấy chứng tỏ nguyên tắc phân phối chủ đạo của CNTB vẫn là nguyên tắc phân phối bất công và nó chỉ có thể được khắc phục ở một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn - hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
NCB H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét