Pages - Menu

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

TÌNH "ĐỒNG CHÍ" - HAI TIẾNG THẬT THIÊNG LIÊNG


Tình "đồng chí" là tình cảm đặc biệt, gắn bó những người tuy có hoàn cảnh khác nhau, nhưng có cùng lý tưởng, mục tiêu, giai cấp, đến bên nhau bằng tình yêu thương, sự sẻ chia, để phấn đấu, hi sinh, chiến đấu vì lý tưởng chung, sức mạnh của tập thể sẽ tăng gấp bội nếu tình "đồng chí" được thắt chặt, nghĩa tựa keo sơn.

Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, ai trong mỗi chúng ta đều được học tập, thấu hiểu về tình đồng chí, đồng đội qua bài thơ “Đồng chí” của Nhà thơ Chính Hữu. Bài thơ là sự đúc kết từ thực tế sinh động của tình "đồng chí" nói chung, tình "đồng chí" trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Trong thực tiễn sinh động ấy, những người có chung chí hướng, mục đích, lý tưởng cùng kề vai sát cánh; tuy không cùng quê quán, khác xa nhau về tập quán, vùng, miền, nhưng coi nhau như ruột thịt, sẵn sàng chia sẻ buồn vui, gian khổ, thậm chí hi sinh cả mạng sống để bảo vệ nhau:

"Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ".

Chính điều đó đã góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước; để người người một lòng sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì sự phát triển phồn vinh của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta.

Tình "đồng chí" còn được thể hiện trong 10 lời thề danh dự của quân nhân: “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt, trên tình thương yêu giai cấp, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng như lúc ra trận...”.

Tình “Đồng chí” hai tiếng vang lên thiêng liêng, thật thiết tha và cảm động. Đồng chí là cùng chung ý chí, lí tưởng, nói lên được bản chất cách mạng của tình đồng đội, đồng thời cũng nói lên ý nghĩa sâu sắc của tình đồng đội. Đồng chí không chỉ có sự gắn bó thân tình mà còn là cùng chung chí hướng cao cả.

Những người "đồng chí"- chiến sĩ hoà mình trong mối giao cảm lớn lao của cả dân tộc. Gọi nhau là "đồng chí". Họ là những con người cụ thể, là những cá thể, họ còn có tư cách quân nhân, tư cách của "một cây" trong sự giao kết của "rừng cây”, nghĩa là từng người không chỉ là riêng mình. Hai tiếng "đồng chí" vừa giản dị, thân mật lại vừa cao quý, lớn lao là vậy.

Tình "đồng chí" không tự nhiên sinh ra, chẳng tự nhiên mất đi; vậy nên, để xây dựng mối tình cảm thiêng liêng ngày càng keo sơn, gắn bó, mỗi cá nhân cần xác định rõ, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình để ứng xử, giải quyết các mối quan hệ cho thấu đáo, có lý, hợp tình, góp phần tạo thành lũy tư tưởng, mối đoàn kết thống nhất vững chắc; cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ, thách thức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét