“Nước
lấy dân làm gốc” trong xây dựng và bảo vệ đất nước là truyền thống quý báu của
dân tộc Việt Nam. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”
ngày càng được củng cố và chứng minh được giá trị to lớn trong công cuộc gìn giữ
núi sông bờ cõi và phát triển đất nước.
Tư
tưởng “nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trên hai phương
diện cơ bản: Một là, Người chỉ rõ, mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước phải
xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; phải tôn trọng và bảo
vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Bởi lẽ, nhân dân là
người chủ thực sự của đất nước, là lực lượng lao động cơ bản của xã hội, chủ thể
sáng tạo lịch sử; là lực lượng quyết định sự thành bại của cách mạng; nếu không
có quần chúng nhân dân thì không có lịch sử nào cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ
rõ: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá
nhân anh hùng nào”. Hai là, phát huy trách nhiệm của nhân dân trong sự
nghiệp cách mạng, Người yêu cầu mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên phải
gần dân, lắng nghe dân, thấu hiểu dân để đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn,
hợp lòng dân và tổ chức, lãnh đạo, động viên nhân dân thực hiện. Khi trở thành
đảng cầm quyền, tất cả đường lối, chủ trương của Đảng đều phải nhằm nâng cao đời
sống của nhân dân, trước hết là làm cho nhân dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, được
học hành. Cán bộ, đảng viên phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và bảo
vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân
thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước; phải lấy việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là mục đích, lẽ sống,
niềm vui, hạnh phúc của mình, “tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra
lệnh ra oai”. Có như vậy, “gốc” mới vững, mới bảo đảm cách mạng đi đến thắng lợi.
Trong
lĩnh vực quân sự, với tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ
rõ, lực lượng tham gia hoạt động quân sự là toàn dân; bởi vì, sức mạnh của nhân
dân là vô cùng to lớn, có vai trò quyết định đến thắng lợi. Theo Người, mọi người
dân đều có thể tham gia hoạt động trên lĩnh vực quân sự, không phân biệt giới
tính, độ tuổi; tất cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội đều tham gia đánh giặc
bằng mọi vũ khí, từ thô sơ đến hiện đại, bằng mọi cách đánh trên các địa bàn
chiến lược. Chúng ta tiến hành đánh địch bằng mọi lực lượng, như bộ đội chủ lực,
bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến
tranh chính quy, kết hợp giữa đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ,... Người nói: “Bất
kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng
phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu
Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc,
thuổng, gậy gộc”. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ
Chí Minh kêu gọi: “31 triệu đồng bào ta ở cả hai miền, bất kỳ già trẻ, gái
trai, phải là 31 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ, cứu nước, quyết giành thắng lợi
cuối cùng”.
Tư
tưởng “nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị to lớn cả về
lý luận và thực tiễn, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác
- Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Đồng thời, tư tưởng
đó của Người còn là cơ sở quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối cách mạng đúng
đắn, lấy quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của Tổ quốc làm
mục tiêu phấn đấu; tổ chức, giáo dục, rèn luyện Đảng trong sạch, vững mạnh, thực
sự là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc.
Nhờ đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận được sự tin tưởng, đồng tình,
ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được những thắng lợi vẻ vang
trong lịch sử, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
NTK H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét