Pages - Menu

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

VĂN HÓA VIỆT NAM - GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN

 

Trên trang mạng xã hội “Quyenduocbiet”, Trần Công Luân có bài viết “Văn hóa Việt Nam đi về đâu?”. Dưới góc nhìn “phiến diện, một chiều”, Trần Công Luân cho rằng “văn hóa giáo dục của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ là nhồi sọ tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa cộng sản rỗng tuếch với loại ngôn ngữ ngu xuẩn do tầng lớp lãnh đạo độc tài nhưng lại khiếp sợ thuần phục Trung Cộng thì văn hóa Việt sẽ không thể ngóc đầu nổi”. Đây là quan điểm hoàn toàn sai trái, phi thực tế ở Việt Nam, nhằm mưu đồ chính trị thấp hèn là phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hòng thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam với hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đã hình thành lên nhiều giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam rất riêng biệt, làm lên “hồn cốt” của dân tộc. Nền văn hóa ấy là kết quả của cả một quá trình, là tinh hoa của lịch sử và thời đại, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã -– Tổ quốc, lòng khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những giá trị văn hóa tốt đẹp đó đã được nâng lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là một thực tế được cộng đồng quốc tế thừa nhận và ghi nhận.

Thực tế cho thấy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt coi trọng lĩnh vực văn hóa và phát triển văn hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tập hợp những trí thức, văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân phát huy truyền thống yêu nước – sức mạnh vô địch trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, “phá tan xiềng gông”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa người dân lao động từ địa vị nô lệ trở thành người làm chủ đất nước.

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta, dưới dự lãnh đạo của Đảng, văn hóa cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự đã tạo thành những mặt trận có sức mạnh to lớn, đánh đổ đế quốc thực dân phong kiến, “nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, với tinh thần “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta khẳng định: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; khẳng định vai trò to lớn của văn hóa: là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế – xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh, xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Nhờ vậy, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giá trị văn hóa, con người Việt Nam đã trở thành nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Như vậy, dù trên bình diện lý luận hay thực tế đều cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam được phát huy cao độ, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là minh chứng khẳng định quan điểm của Trần Công Luân là xuyên tạc, phủ nhận giá trị văn hóa, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hòng thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, mọi người cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, đấu tranh phản bác mọi quan điểm sai trái, thù địch, phản động bằng chính sức mạnh của con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét