Xã hội dân sự
đúng nghĩa là một bước tiến quan trọng của xã hội loài người trong tiến trình
hướng tới một xã hội phi nhà nước. Tuy nhiên, một số tổ chức đã mượn danh “xã hội
dân sự” nhằm làm phức tạp tình hình chính trị - xã hội, hướng đến mục tiêu thay
đổi thể chế chính trị ở Việt Nam như đã từng xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội
chủ nghĩa Đông Âu trước đây. Vì vậy, cần đề cao cảnh giác, nhận diện đúng và vạch
trần thủ đoạn chống phá nguy hiểm này.
Thực tế cho thấy,
ngay từ ý tưởng cho đến quá trình thành lập và hoạt động, do tính chất nhạy cảm
về chính trị - xã hội, nhiều tổ chức đã trượt khỏi bản chất, hình ảnh tích cực
của xã hội dân sự đích thực, trở thành công cụ để các thế lực thù địch lợi dụng
chống phá chế độ. Các tổ chức núp bóng “xã hội dân sự” này thường trá hình dưới
danh nghĩa bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền”, nhằm hướng lái vào phê phán vai trò
lãnh đạo của Đảng, họ cho rằng: chế độ độc đảng là “độc tài toàn trị”, là
nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, sai lầm, v.v. Các thế lực thù địch còn tìm cách
thao túng, lôi kéo, chi phối tổ chức “xã hội dân sự” cho mục tiêu của mình.
Nhìn chung, các hoạt động chống phá dựa trên công cụ là tổ chức “xã hội dân sự”
trá hình mà họ thường sử dụng, tập trung vào các thủ đoạn chủ yếu sau: Một
là, đề cao vai trò “phản biện xã hội” của các tổ chức giả danh “xã hội dân
sự”, hướng lái hoạt động của các tổ chức này dần đối lập về tư tưởng chính trị
với Nhà nước ta. Hai là, thúc đẩy xu hướng thoát ly sự lãnh đạo của Đảng,
quản lý của Nhà nước, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. Một số tổ
chức “xã hội dân sự” không đứng trên lập trường của giai cấp công nhân và nhân
dân lao động; hướng lái mục tiêu hoạt động nhằm phục vụ lợi ích của một số nhóm
người, đối lập với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Ba là, lợi dụng
chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để hướng lái các tổ chức “xã hội dân sự” vào
các hoạt động trái với tôn chỉ, mục đích, vi phạm pháp luật. Bốn là, gia
tăng các hoạt động móc nối, liên kết, hậu thuẫn cho những người “bất đồng chính
kiến” trong nước hoạt động theo khuynh hướng “độc lập”, hình thành “xã hội dân
sự” trái pháp luật, chống Nhà nước, tạo tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức
chính trị đối lập, thiết lập chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhằm
tiến tới mục tiêu thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cùng với đó, họ
mượn cớ “phản biện xã hội”, “kiểm soát quyền lực”, nhân danh “dân chủ”, “nhân
quyền” để mị dân bằng các hoạt động xây dựng quan hệ thương mại và phát triển,...
gây phương hại đến an ninh quốc gia.
Với “yêu sách”,
đòi mở rộng quyền tự do, dân chủ vô chính phủ ở các nước xã hội chủ nghĩa, chống
lại nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện chế độ đa đảng và các tổ chức
chính trị đối lập, các thế lực thù địch đã, đang thực hiện mưu đồ thủ tiêu vai
trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Gần
đây, họ tập trung tuyên truyền luận điệu: độc quyền, thủ tiêu dân chủ là nguyên
nhân của những sai lầm và yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội và
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Họ tăng cường tập hợp lực lượng,
thành lập các tổ chức, “đảng phái chính trị” đối lập với Đảng Cộng sản Việt
Nam, như: “Đảng Dân chủ của thế kỷ XXI”, “Thanh niên dân chủ Sơn Hà”, “Liên đảng
Lạc Hồng”, “Đảng Thăng tiến Việt Nam”,... với mưu đồ tác động, thiết lập chế độ
đa nguyên, đa đảng, chuẩn bị điều kiện và tiền đề cho sự thay đổi thể chế chính
trị ở Việt Nam.
Thời gian tới,
các thế lực thù địch tiếp tục núp bóng tổ chức “xã hội dân sự” trá hình làm
công cụ quan trọng để chống phá Đảng, Nhà nước ta, với các hướng: Một là, gia
tăng hoạt động truyền bá “xã hội dân sự” nhằm gây áp lực xã hội đối với đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tiền đề cho sự ra
đời, phát triển của các tổ chức “xã hội dân sự” trá hình ở Việt Nam. Hai
là, tiếp tục tác động, can thiệp vào vấn đề “dân chủ“ “nhân quyền”, coi đó
như động lực để thúc đẩy sự phát triển của “xã hội dân sự” trá hình. Ba
là, tập trung tuyên truyền, tác động để phá hoại nội bộ, thúc đẩy quá
trình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhằm
gây dựng, phát triển lực lượng cho các tổ chức “xã hội dân sự” chính trị đối lập. Bốn
là, gia tăng tác động nhằm chuyển hóa các tổ chức xã hội dân sự đích thực ở
Việt Nam, nhất là các hội, các tổ chức phi chính phủ trở thành các tổ chức “xã
hội dân sự” theo hướng đối lập với Nhà nước ta. Từ đó, trực tiếp chi phối,
khích lệ các hoạt động chống phá chế độ, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập. Năm là, sử dụng các tổ chức “xã hội dân sự” trá hình
làm công cụ tuyên truyền, tác động tư tưởng, kích động, lôi kéo, tập hợp một bộ
phận quần chúng nhân dân, kết hợp với các hoạt động gây mất ổn định chính trị -
xã hội nhằm chuẩn bị điều kiện để phát động các hoạt động gây rối, như: “cách mạng
đường phố”, “cách mạng màu”,... để thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.
Đấu tranh ngăn
chặn, vô hiệu hóa âm mưu trên, triệt tiêu mầm mống của các hoạt động gây rối, bạo
loạn lật đổ là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Do đó, hệ thống chính trị và
toàn xã hội cần thống nhất và nâng cao nhận thức, nhận diện đúng về “xã hội dân
sự”; phân biệt và đánh giá đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng của các tổ chức
xã hội dân sự đích thực; không nhầm lẫn, đánh đồng với các tổ chức “xã hội dân
sự” trá hình. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh
giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế
lực thù địch trong việc cổ súy, lợi dụng, núp bóng tổ chức “xã hội dân sự” vào
mục đích thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Xây dựng và phát huy mạnh mẽ
“thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây
dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân
dân; kiên quyết đấu tranh chống âm mưu chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn
lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, phản
động, chống đối, cơ hội chính trị.
Cùng với đó,
các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy,
chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, định hướng các tổ chức xã hội dân sự
đích thực tuân thủ và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước.
Các tổ chức xã
hội dân sự phát huy tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tích cực
tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính
trị - xã hội; thường xuyên đề cao cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chống phá của
các thế lực thù địch, không để bị tác động, lôi kéo, kiên quyết bảo vệ Đảng,
không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đóng góp tích cực vào những
thành tựu chung của đất nước trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.
NCB H4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét