Pages - Menu

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG – NHẬN DIỆN BẠN, THÙ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY

 

Hiện nay, việc nhận diện rõ đối tượng cần đấu tranh, phân biệt rõ đâu là bạn - đâu là thù, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn, nội dung, hình thức chống phá từ đó đưa ra các biện pháp đấu tranh phù hợp là một vấn đề hết sức quan trọng trong hoạt động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng ở nước ta.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cộng nghệ thông tin truyền thông, Internet và mạng xã hội đang ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu của xã hội. Ở Việt Nam, một số mạng xã hội như facebook, youtube, instagram, website, blog, zalo,… đang ngày càng phổ biến. Nó không chỉ là phương tiện giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành môi trường, công cụ để làm việc, học tập, tạo nguồn thu nhập cho người dùng. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng đang trở thành một công cụ của các thế lực thù địch sử dụng để tuyên truyền, chống phá các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, phá hoại các nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, làm thế nào để phân biệt rõ đâu là ý kiến quần chúng nhân dân, tình cảm yêu nước chân chính, có tính xây dựng, đâu là âm mưu, thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch, từ đó tìm ra những cách thức, biện pháp đấu tranh phù hợp và hiệu quả trong “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” là vấn đề hết sức quan trọng.

Việc nhận thức đúng và hiểu rõ về đặc điểm, bản chất, nhu cầu, nguyện vọng, tư tưởng, hành động, mục tiêu, phương thức hoạt động trên mạng xã hội là nhằm nhận diện “bạn”-“thù”, nắm rõ sự đan xen, thống nhất và chuyển hoá trong mối quan hệ giữa “bạn”-“thù” từ đó có các phương thức phù hợp nhằm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội một cách hiệu quả, từ đó góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuỳ nhiên, để phân biệt rõ “bạn”-“thù” trong “thế giới ảo” như hiện nay là một vấn đề không hề đơn giản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ về “bạn” và “thù”. “Bạn” được hiểu là: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn”, và “Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn”. “Thù” được hiểu là: đối với người, thì “bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”, và đối với mình, thì “những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù”. Điều đó có nghĩa là trong cuộc đấu tranh này, có những người chắc chắn là “bạn”, có những người cũng chắc chắn là “thù”, nhưng cũng có những người không phải là “bạn”, cũng không phải là “thù”. Ngay trong chính bản thân mỗi người cũng có những lúc hoang mang, dao động, nhận thức chưa đúng đắn, tức là tư tưởng trong bản thân lúc đó chính là “thù”, “thù” trong nhận thức và hành động. Vì vậy, cần thiết phải nhận diện, phân định rõ “bạn” - “thù”, đồng thời, “phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta”(Hồ Chí Minh) là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng hiện nay, nhận diện “bạn” - “thù” cần tập trung ở một số nội dung cơ bản sau:

Một là, đối với những kẻ được coi là “thù” - còn gọi là các thế lực thù địch, phản động.

Các thế lực thù địch, phản động là những đối tượng có sự đối lập về hệ tư tưởng và thù địch về chính trị, có tư tưởng thù hận, cái nhìn cực đoan, phiến diện về đất nước và chế độ chính trị của chúng ta. Các thế lực thù địch bao gồm cả những người có ý thức hệ đối lập với chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở các nước tư bản. Đặc biệt, phần đa trong lực lượng thù địch, phản động hiện nay là những người gốc Việt sống lưu vong ở nước ngoài; và một bộ phận sinh sống trong nước thì cũng ẩn náu và hoạt động một cách “bí mật”, núp bóng dưới danh nghĩa trí thức (luật sư, bác sĩ, nghệ sĩ…) hay doanh nhân. Một số khác là những người từng là cán bộ, trí thức có trình độ, có chức vụ trong bộ máy Đảng, Nhà nước nhưng do nhận thức sai lệch, trở nên “bất mãn chế độ”, hoặc bị mua chuộc, lôi kéo, bị xuống cấp về đạo đức, thoái hóa, biến chất dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bị “tha hóa” về ý thức chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và trở thành những kẻ “phản bội” lại Đảng, đất nước và nhân dân... Với nhóm đối tượng này, việc nhận diện chúng trên mạng xã hội không khó, nhưng để đấu tranh, xử lý thì không dễ và khó triệt để.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, của truyền thông và mạng xã hội, các thủ đoạn của thế lực thù địch cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt và khó nhận dạng. Chúng lợi dụng ưu thế của truyền thông và mạng xã hội để thành lập những nhóm, hội phản động công khai để đăng bài, đưa tin sai sự thật, kích động, chia rẽ; lập những trang website, fanpage, blogmạo danh các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người nổi tiếng,… để đăng tin sai sự thật, xấu - độc, hoặc lồng ghép những tin sai sự thật vào những thông tin chính thức để đánh lừa dư luận; đồng thời, chúng cũng lập nhiều trang cá nhân chỉ sử dụng để bình luận, chia sẻ những thông tin xấu - độc, kích động chia rẽ, bôi nhọ, xuyên tạc…để chống phá Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, hướng tới mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, làm phương hại đến lợi ích của dân tộc và nhân dân ta.

Hai là, đối với “bạn” - những người tích cực đấu tranh vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Có thể nói, từ sau khi Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được ban hành, công tác “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên mạng xã hội đã được triển khai sâu rộng với những cách thức, bước đi cụ thể và rõ nét hơn. Lực lượng này không chỉ là những người thuộc lực lượng vũ trang, lực lượng an ninh mạng, những người có chức trách mà chính là toàn thể người dân Việt Nam yêu nước... Để đấu tranh với những thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội, rất nhiều nhóm, hội, tài khoản, trang mạng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ được lập ra để đưa những thông tin chính thức, được kiểm chứng, đáng tin cậy; nhiều nhóm, hội, fanpage yêu nước, chống phản động cũng ra đời; hàng triệu các tài khoản cá nhân đã tham gia bình luận, chia sẻ để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch, bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…

Đặc biệt, với quan điểm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới trên mạng xã hội hiện nay kết hợp giữa xây và chống, không phải chỉ đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, thù địch, mà tăng cường tuyên truyền, quảng bá đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, những thành tựu đã đạt được, mà lực lượng “bạn” này đã góp phần làm cho mọi người dân Việt Nam cũng như thế giới thấy được những thành quả đạt được của đất nước trong công cuộc đổi mới, thấy được vị thế của Việt Nam hôm nay so với thế giới; thấy được tính nhân văn, ưu việt của chế độ; góp phần lan tỏa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…

    Ba là, đối với những người không phải “thù” nhưng cũng không hẳn là “bạn”

Nhóm này chiếm tỉ lệ không ít trên không gian mạng. Những người này thường có lập trường không rõ ràng, chưa có nhận thức đúng đắn và niềm tin vào Đảng, vào chế độ XHCN, dễ hoang mang, giao động. Đối tượng này rất dễ bị kẻ địch lợi dụng, lôi kéo trở thành lực lượng tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động.

Một bộ phận khác, là những người ít quan tâm đến thời cuộc, có thái độ thờ ơ với tình hình chính trị, kinh tế và các sự kiện của đất nước, chỉ quan tâm lợi ích của bản thân. Khi bắt gặp những thông tin có tính “giật gân”, “hot” chưa được kiểm chứng những người này chia sẻ, bình luận để “câu like”, “tăng view”, tăng tương tác trên các trang, nhóm của mình vì mục đích bán hàng online hoặc quảng cáo sản phẩm…

Một số người vốn là công dân tốt, thậm chí giữ chức vụ trong cơ quan Đảng, Nhà nước nhưng gặp phải những sự cố hay bất bình trước một sự việc nào đó trở nên bất mãn, tiêu cực. Những người này đăng tải những bài viết, những bình luận phiến diện để đả kích, bày tỏ thái độ phản đối trước các vấn đề xã hội bức xúc qua con mắt cực đoan, phiến diện và quan điểm cá nhân. Các ý kiến của nhóm này chưa phản ánh đúng đăn, khách quan bản chất của vấn đề, trở thành cái cớ để các thế lực phản động lợi dụng, lan truyền để chống phá. Bởi vậy, với nhóm đối tượng này, phải linh hoạt, mềm dẻo, để đánh giá, xử lý các sai phạm của họ. Phải giúp cho họ hiểu, nhận thức đúng đắn vấn đề, định hướng cho họ con đường đúng đắn. Tránh việc “quy chụp”, mặc định coi những người phê phán tiêu cực của xã hội là những người “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hay “phản động”. Điều này rất quan trọng, bởi phải luôn thực hiện phương châm “thêm bạn, bớt thù”, “phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài”(8) - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Có thể thấy, trong một thế giới ảo mà thật giả lẫn lộn, đôi khi rất khó để phân định rạch ròi “bạn” và “thù”. Do đó, mỗi người, mỗi tổ chức trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng đều cần phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, đề cao tinh thần cảnh giác trước mọi luận điệu và mọi hình thức xuyên tạc, chống phá khó lường của các thế lực thù địch; luôn đề cao lợi ích của nhân dân, của Đảng và Tổ quốc lên trên hết; thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ công nghệ thông tin, am hiểu luật pháp, nhất là Luật An ninh mạng… nhằm đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu, âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch trên mạng xã hội. Đặc biệt, cần tránh việc đưa quan điểm và cảm xúc cá nhân vào xử lý, giải quyết những công việc chung; tránh sự “tùy tiện”, “quy chụp”, “gặp đâu nói đó”… Có như vậy, mới có thể nhận diện rõ “bạn” - “thù” và cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng mới đạt kết quả.

Nguyễn Hữu Định - NNTV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét