Trong giờ
phút thiêng liêng được kết nạp vào Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều thề trước cờ
Đảng và hình ảnh lãnh tụ, suốt đời đấu tranh phấn đấu theo lý tưởng cộng sản chủ
nghĩa, tuyệt đối trung thành và nghiêm chỉnh thực hiện Cương lĩnh, đường lối của
Đảng, giữ gìn kỷ luật Đảng và phẩm chất, đạo đức của người cách mạng. Đó là lời
thề danh dự định hướng rèn luyện, hành động của mỗi đảng viên, cán bộ.
Suốt các thời
kỳ đấu tranh cách mạng, tuyệt đại đa số đảng viên, cán bộ đã thực hiện trọn vẹn
lời thề đó, điều này có ý nghĩa quyết định sức chiến đấu, danh dự và uy tín của
Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Sự phấn đấu,
hy sinh của các đồng chí lãnh đạo Đảng, của hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, đảng
viên đã cổ vũ, đoàn kết toàn dân tộc: giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng
Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của
lịch sử dân tộc; đi tới toàn thắng trong các cuộc kháng chiến oanh liệt chống
thực dân, đế quốc vì hòa bình, độc lập hoàn toàn và thống nhất Tổ quốc; thực hiện
thành công sự nghiệp đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa với những thành tựu
to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII khẳng định: "Đất nước ta chưa bao
giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
"Đó là kết
quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó
có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử
vẻ vang của Đảng ta - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc
Việt Nam anh hùng".
Công tác xây
dựng, chỉnh đốn Đảng có những thành công căn bản và quan trọng, bảo đảm không
ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Song công tác xây dựng Đảng
còn không ít hạn chế, khuyết điểm cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức
và cán bộ, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống.
"Trong
khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự
diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất
ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực
xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc".
Đảng đã thẳng
thắn chỉ rõ 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" tại Nghị quyết Trung ương 4
khóa XII (10/2016). Biểu hiện hàng đầu của sự suy thoái đó là: "Phai nhạt
lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh".
Không chỉ
phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút niềm tin, mà một bộ phận cán bộ, đảng
viên còn có biểu hiện "Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan
điểm sai trái" và những biểu hiện sai trái khác. Đại hội XIII của Đảng nêu
rõ: "Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại
khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn
biến", "tự chuyển hóa".
Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư
tưởng chính trị là căn bản và có ý nghĩa quyết định bảo đảm bản chất cách mạng,
sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Suy thoái về tư tưởng
chính trị, phai nhạt lý tưởng, xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng là điều nguy
hiểm nhất với sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Vì vậy, phải
đấu tranh chống các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
bảo vệ mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh
đó càng đòi hỏi sự trong sạch trong nội bộ Đảng, phải ngăn chặn, đẩy lùi sự suy
thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng,
xa rời con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.
Cách mạng và
dân tộc Việt Nam từ năm 1930 đến nay do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã và
đang phát triển trên con đường đúng đắn với những thắng lợi và thành tựu to lớn.
Vì sao với hiện thực rõ ràng như vậy vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên phai
nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào lý tưởng, mục tiêu độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội? Cần thiết phải làm rõ nguyên nhân.
Có những người
bị chi phối bởi quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho rằng sự lựa chọn
con đường xã hội chủ nghĩa là sai lầm dẫn tới sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở
Liên Xô và các nước Đông Âu. Sự thật là, đó là sự tan vỡ của một mô hình với những
hạn chế và khuyết điểm hoàn toàn có thể điều chỉnh, sửa chữa được.
Chính sự phản
bội và nhân danh tư duy chính trị mới đã phủ nhận thành quả vĩ đại của chủ
nghĩa xã hội, đưa các nước đó rời bỏ con đường xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã sửa
chữa những khuyết điểm của mô hình cũ bằng đường lối đổi mới. Kiên định mục
tiêu chủ nghĩa xã hội và đổi mới thành công đã làm cho nhận thức về chủ nghĩa
xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn.
Các Đại hội đại
biểu toàn quốc của Đảng đã tổng kết điều đó. Đặc biệt, tác phẩm của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam công bố năm 2021 là sự phát triển quan
trọng nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Cần
phải quán triệt và nhận thức sâu sắc những tổng kết có giá trị khoa học và hiện
thực của Đảng trong từng tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ
lãnh đạo, quản lý. Đó là điều có vai trò quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi suy
thoái về tư tưởng chính trị và phai nhạt lý tưởng cách mạng.
Nền tảng tư
tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lý luận, tư tưởng
đó quyết định bản chất cách mạng, khoa học, bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu của
Đảng và cũng quyết định ý chí, lý tưởng cách mạng và phẩm chất chính trị của mỗi
cán bộ, đảng viên. Đảng nhiều lần nhấn mạnh, học tập, nghiên cứu nền tảng tư tưởng
của Đảng không phải là thuộc lòng câu chữ mà phải nắm vững giá trị mang tính
quy luật, phương pháp luận khoa học để vận dụng sáng tạo và không ngừng phát
triển.
Bộ Chính trị
khóa XII chủ trương tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán, bác
bỏ những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Qua cuộc đấu
tranh đó để toàn Đảng và nhân dân cảnh giác và góp phần nâng cao nhận thức về
tư tưởng, lý luận, tăng sức đề kháng trong Đảng và toàn xã hội. Những người
phai nhạt lý tưởng, dao động, giảm sút niềm tin, hoặc bị ảnh hưởng từ những luận
điệu sai trái, thù địch, cố tình phụ họa, tiếp tay cho kẻ địch, hoặc do trình độ
nhận thức hạn chế, bản lĩnh chính trị không vững vàng, ít chịu học tập, rèn luyện,
tu dưỡng và cả sự chủ quan, kiêu ngạo, cố tình quay lưng lại với sự thật.
Vì vậy phải
chú trọng công tác giáo dục, học tập, nghiên cứu lý luận chính trị một cách căn
bản, sâu sắc, có hệ thống. Giáo dục sâu sắc, thiết thực lý luận chính trị có ý
nghĩa rất quan trọng củng cố sức mạnh của Đảng về tư tưởng, chính trị, ngăn chặn,
đẩy lùi sự phai nhạt lý tưởng cách mạng.
Phòng ngừa sự
phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút niềm tin đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên
dù ở cương vị nào cũng cần phải tu dưỡng, rèn luyện tính tiên phong, đức hy
sinh và phẩm chất đạo đức cách mạng. Hiểu biết sâu sắc đất nước, dân tộc mình,
tự hào, tự tôn dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng và dân tộc và
không ngừng học tập. Học tập để nâng cao trình độ trí tuệ, hiểu biết lý luận,
nhận thức đúng đắn quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để hành động tự
giác, có hiệu quả.
Lý tưởng, mục
tiêu của Đảng rất rõ ràng là độc lập dân tộc và xây dựng Việt Nam trở thành nước
xã hội chủ nghĩa hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. Là cán bộ, đảng viên của Đảng
phải tuyệt đối trung thành và phấn đấu vì lý tưởng cao cả đó. Làm sao để trong
Đảng không có những đảng viên phai nhạt lý tưởng, càng không thể có đảng viên
xa rời tôn chỉ mục đích của Đảng. Hãy luôn luôn ghi nhớ lời thề khi gia nhập Đảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét