Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định sớm hay muộn nhân loại sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Đây là tất yếu khách quan của lịch sử nhân loại. Nguyên nhân của điều đó là do lực lượng sản xuất phát triển đến mức quan hệ sản xuất không còn phù hợp; thậm chí, còn kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Do vậy, sớm hay muộn, quan hệ sản xuất đó sẽ bị thay thế bởi một quan hệ sản xuất mới tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Theo lôgíc ấy, chủ nghĩa xã hội - một xã hội tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn chủ nghĩa tư bản về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội hình thành và phát triển là hợp với quy luật tất nhiên của lịch sử.
Tuy nhiên, Việt Nam tiến
lên chủ nghĩa xã hội từ một nước thuộc địa nửa phong kiến - hoàn cảnh có tính đặc
thù này ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng Hồ Chí Minh về đặc trưng chủ nghĩa xã hội.
Đây là sự khác biệt trong tính thống nhất về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Theo đó, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là những gì bình dị nhất trong đời sống của
dân tộc Việt Nam.
Chủ nghĩa xã hội là độc lập
cho dân tộc, tự do cho đồng bào. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh hình thành từ những
năm 1920 của thế kỷ XX. Người đã bộc bạch, “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho
Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu”.
Mục tiêu đó của dân tộc luôn thường trực, cháy bỏng trong khát vọng; trong tư
tưởng, tình cảm và trong mỗi hành động cách mạng của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên,
Người cho rằng, nước được độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập
ấy cũng chẳng để làm gì. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội còn là một chế độ xã hội “làm
cho dân khỏi đói, khỏi rét, làm cho dân được học hành”. Đây cũng có thể coi là
đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam thời kỳ quá độ. Sự sáng tạo
này của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là điểm mới so với lý luận Mác-Lê nin về
chủ nghĩa xã hội. Điều này cho thấy Người nhận thức sâu sắc mục tiêu, con đường
phát triển của dân tộc Việt Nam sau khi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải
phóng giai cấp hoàn thành.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về
chủ nghĩa xã hội là sự thống nhất biện chứng giữa các nhân tố kinh tế, chính trị,
xã hội với các nhân tố nhân văn, đạo đức, văn hóa. Người không tuyệt đối hóa một
yếu tố nào mà đánh giá đúng vị trí, vai trò của từng yếu tố. Hồ Chí Minh đã làm
phong phú thêm về các cách tiếp cận chủ nghĩa xã hội và đặc biệt là sự vận dụng
chủ nghĩa xã hội vào tình hình thực tế ở Việt Nam. Xây dựng đất nước theo con
đường XHCN là một sự nghiệp khó khăn, phức tạp và lâu dài, nhưng đó là con đường
hợp quy luật. Sự nghiệp đó đòi hỏi Đảng và nhân dân ta phải vừa kiên trì công
cuộc đổi mới, kiên định mục tiêu XHCN, vừa có quyết tâm cao và phải đấu tranh
kiên quyết với các thế lực thù địch, phản động. Điều đó càng đòi hỏi bảo đảm
vai trò lãnh đạo duy nhất của Ðảng, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên chính
trị, đa đảng đối lập. Phải giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của Ðảng,
tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của Ðảng; xây dựng Ðảng
thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững
vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh
đạo khoa học, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét