Các phần tử phản động, chống đối trong và ngoài nước luôn tìm cơ hội để phụ họa bình phẩm, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Mới đây trên trang Rfavietnam.com đã đăng tải bài viết “Tự do báo chí: Việt Nam “cá biệt trong nhóm cá biệt”. Liệu những nhận xét, đánh giá trong bài viết của chúng có phản ánh thực chất, khách quan vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam? Thực chất đây chỉ là chiêu trò cố tình xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Bởi, khi quy chiếu thực tiễn đời sống báo chí ở Việt Nam với quan điểm của cộng đồng quốc tế, chúng ta thấy rằng:
Không có tự do báo chí tuyệt đối, không điều kiện
Lợi dụng bảng xếp hạng về chỉ số Tự do báo chí do RFS đưa ra,
chúng đã cáo buộc rằng: “ở Việt nam người dân chưa bao giờ được hưởng quyền tự
do báo chí” và “tự do báo chí ở Việt Nam vẫn ở vị trí cá biệt trong nhóm
cá biệt”. Rõ ràng đây chỉ là chiêu trò xuyên tạc, bóp méo tình hình tự do
báo chí ở Việt Nam. Mục đích của việc này không nằm ngoài sự phủ nhận những nỗ
lực của nước ta trong xây dựng một môi trường báo chí lành mạnh. Chúng ta thấy
rằng, trong tiến trình phát triển của nhân loại, chưa bao giờ có “tự do báo chí
tuyệt đối” hay “tự do báo chí không giới hạn”. Nếu ai đó tin rằng có tự do báo
chí tuyệt đối, tự do báo chí cho mọi người thì hoặc là họ ngây thơ về chính trị,
hoặc cố tình phủ nhận sự thật. Trên thực tế, không riêng ở Việt Nam, mà hầu hết
các quốc gia tuy có cách tiếp cận không giống nhau về quyền tự do báo chí,
nhưng đều có một nguyên tắc cơ bản là việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân
trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không được phép lợi dụng quyền cơ bản
này để xâm hại lợi ích quốc gia-dân tộc, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người
khác và ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, trật tự xã hội.
Như vậy, những luận điệu mà chúng đưa ra chỉ là sự quy chụp,
xuyên tạc để “bẻ cong” tình hình tự do báo chí Việt Nam mưu đồ hòng phủ nhận sự
lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền báo chí cách mạng
tại Việt Nam mà thôi.
Thành tựu về tự do báo chí ở Việt Nam là không thể phủ nhận
Là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt
Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của
con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ngày càng được hiện diện trong
thực tiễn cuộc sống, năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Tiếp cận
thông tin và Luật Báo chí. Trong đó, Điều 13 luật này nêu rõ: “Nhà nước tạo điều
kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận
trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt
động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng
quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của
Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”. Như vậy, về mặt
pháp lý, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân ở Việt Nam đã được
quy định toàn diện, đầy đủ, với những nội dung cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ
thực hiện trong cuộc sống. Thành tựu của tự do ngôn luận, tự do báo chí, ở Việt
Nam đã được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú
về nội dung của hệ thống báo chí, truyền thông. Theo Bộ Thông tin và Truyền
thông, hiện nay có 851 cơ quan báo chí, 20.000 phóng viên, 50.000 người làm việc
ở các cơ quan báo chí với hàng nghìn ấn phẩm các loại, lượng phát hành hơn 600
triệu bản/năm.
Những năm qua, báo chí ở Việt Nam tiếp tục giữ vai trò là tiếng
nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của Nhân dân; chủ động, kịp thời, thông
tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện
rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Báo chí đã
có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ
Tổ quốc; luôn tích cực đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tiêu cực trong xã
hội, góp tiếng nói quan trọng vào việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, củng cố, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời là cầu
nối quan trọng với bạn bè quốc tế. Điểm qua vài nét như vậy đã đủ thấy bức
tranh sinh động về tự do báo chí ở Việt Nam.
Báo chí Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc
Việt Nam, cùng nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quyền tự do báo chí của người dân Việt
Nam, của các nhà báo Việt Nam được pháp luật và Nhà nước bảo hộ. Đó là thực tế
hiển nhiên không thể xuyên tạc và phủ nhận./.
ĐĐX-KBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét