Độc lập, tự chủ trong chính sách đối ngoại là khả năng tự quyết trong các vấn đề liên quan tới hoạch định và triển khai chính sách, chiến lược, hành động của mình, mà không chịu bất kỳ sức ép hay tác động, áp đặt từ các yếu tố bên ngoài, nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Độc lập, tự chủ còn là khả năng đứng vững, chống chịu trước mọi biến động của thời cuộc, thể hiện rõ tinh thần độc lập, tự cường, dựa vào chính mình để bảo vệ lợi ích của đất nước, dân tộc. Độc lập, tự chủ không đồng nghĩa với biệt lập. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, độc lập, tự chủ chính là sự chủ động tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, xử lý đúng đắn, hài hòa, cân bằng các mối quan hệ lợi ích dân tộc và giai cấp, quốc gia và thời đại. Và trong quá trình mở rộng hợp tác với thế giới, độc lập, tự chủ chính là “mỏ neo” quy định quá trình hội nhập quốc tế. Nói cách khác, độc lập, tự chủ của một quốc gia sẽ quyết định mức độ, phạm vi, chiều hướng hội nhập quốc tế của quốc gia đó.
Hiện
nay, thế giới đang trong ngã rẽ của những biến chuyển liên quan đến cạnh tranh
nước lớn cũng như những điều chỉnh chính sách của họ. Mọi động thái của các cường
quốc đều ảnh hưởng, chi phối đến sự vận động, phát triển của thế giới. Trong
môi trường quốc tế bất định, bất an đó, các nước, nhất là các nước nhỏ, đều chuẩn
bị cho mình một tâm thế tự chủ, khả năng độc lập trước mọi biến động của tình
hình, không ngả nghiêng, dao động, không chịu bất kỳ sức ép bên ngoài nào. Giữa
muôn vàn quan hệ lợi ích đa chiều, chồng chéo, đan xen và sự cạnh tranh đối đầu
quyết liệt giữa các nước lớn, sức ép của các nước lớn với các nước vừa và nhỏ
cũng theo chiều hướng gia tăng, đòi hỏi phải có đối sách thận trọng, mềm dẻo và
khôn khéo để duy trì quan hệ cân bằng, tạo thế đan xen lợi ích, giữ được thế
trung lập và chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, tránh rơi vào tình trạng đối
đầu hay lệ thuộc, vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền, vừa bảo vệ hòa bình.
Độc
lập, tự chủ là mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam, là căn cứ quan trọng
nhất để hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của nước ta. Thực tiễn
cách mạng Việt Nam trong quá trình đấu tranh, bảo vệ, giữ vững nền độc lập Tổ
quốc, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã cho thấy điều đó.
Sau
hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch
sử, hội đủ tiền đề nội lực để có thể phát huy thế mạnh, bảo đảm sự tự chủ trong
các quyết sách liên quan đến vận mệnh phát triển và an ninh của đất nước. Điều
này thể hiện rõ trong sự đi lên của đất nước, với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy
tín quốc tế ngày càng nâng cao. Việt Nam đã tích cực tham gia vào đời sống quốc
tế, góp phần tạo dựng, duy trì, củng cố và gìn giữ môi trường hòa bình, an
ninh, ổn định, phát triển. Đảm đương xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2020 - 2021, liên tục được
bầu chọn vào các vị trí quan trọng trong các tổ chức khu vực, quốc tế là những
minh chứng cho một Việt Nam ngày càng tự chủ, tự tin, độc lập. Trước những diễn
biến mới, phức tạp của một số quốc gia, khu vực trên thế giới, Việt Nam vẫn
luôn kiên trì, kiên định giữ vững lập trường đối ngoại, tạo dựng được lợi thế
quốc gia và vị thế quốc tế. Do đó, việc cho rằng Việt Nam cần đi theo và
dựa vào một bên để làm điểm tựa chống lại bên khác như một số “luận điệu rao giảng”,
sẽ chỉ là ảo tưởng, phi thực tế và vô căn cứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét