Khái niệm “xã hội dân sự” (civil society) được hiểu là
không gian xã hội công cộng nằm ngoài khu vực nhà nước, thị trường và
lĩnh vực riêng tư của cá nhân, bao gồm tổng thể các thiết chế và thể chế xã hội
độc lập tương đối với nhà nước và hoạt động tự nguyện trên các lĩnh vực văn
hóa, giáo dục, truyền thông đại chúng, tôn giáo, xã hội...
Tuy nhiên, bản thân “xã hội
dân sự” cũng tiềm ẩn những rủi ro, nếu không nhận diện đúng, không quản lý đầy
đủ sẽ dễ bị lợi dụng, trở thành công cụ chính trị để cho những phần tử cơ hội,
phản động gây ra những bất ổn chính trị. Những kẻ cố tình cổ xúy “xã hội dân sự”
thực chất là lợi dụng các hội, nhóm, diễn đàn... để phát triển “xã hội dân sự”
theo tiêu chí phương Tây áp dụng vào Việt Nam, từng bước chuẩn bị lực lượng để
tiến hành các cuộc “cách mạng màu”, chính trị hóa các tổ chức này trở thành lực
lượng đối lập, cạnh tranh trực tiếp với vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt
Nam, qua đó thực hiện mục tiêu lật đổ chế độ XHCN bằng biện pháp “bất bạo động”,
“phi vũ trang”.
Để đạt được mục tiêu này, các thế lực thù địch, cơ hội
chính trị ra sức tuyên truyền những luận điệu sai trái, thù địch nhằm phủ định
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ định chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt phủ định đường lối đổi mới toàn diện
đất nước, con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam; đòi đa
nguyên, đa đảng; đòi tư nhân hóa hoạt động báo chí, xuất bản... Bên cạnh đó,
chúng tích cực tuyên truyền, cường điệu hóa vai trò của các tổ chức “xã hội dân
sự” là hiện thân của tự do, dân chủ; xuất bản, lưu hành bất hợp pháp các bài viết,
tài liệu công khai cổ vũ, đề cao mô hình “xã hội dân sự” kiểu phương Tây; hô
hào và tìm cách tác động áp dụng mô hình này vào xã hội Việt Nam để mở rộng diễn
đàn dân chủ, phát huy đa nguyên... từng bước hình thành các “phong trào”, “mặt
trận” dân chủ, trở thành lực lượng đối trọng, đối lập với Đảng và Nhà nước ta
trong tương lai.
Các thế lực thù địch bên ngoài gia tăng các hoạt động móc nối,
liên kết, hậu thuẫn cho những người bất đồng chính kiến trong nước, những người
bất mãn trong một bộ phận văn nghệ sĩ, trí thức, luật sư... hoạt động theo
khuynh hướng độc lập, hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” đối lập theo mô
hình của phương Tây. Thời gian qua, các tổ chức phản động lưu vong như: “Chính
phủ Việt Nam tự do”; “Việt Nam canh tân cách mạng Đảng”; “Đảng nhân dân hành động;
“Hội đồng dân quân cứu quốc”... liên tục chỉ đạo, tài trợ, cung cấp phương tiện
cho một số đối tượng chống đối trong nước tiến hành hoạt động chống phá.
Bên cạnh đó, chúng lợi dụng triệt để internet và mạng xã hội
để tuyên truyền, liên tục tổ chức các cuộc “phỏng vấn”, “hội thảo”, “hội luận”
nhằm vào các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, các phần tử cực đoan, quá
khích trong tôn giáo bàn về chủ đề “tổng nổi dậy”, “biểu tình” và “quyền thành
lập tổ chức chính trị đối lập”; tập trung tuyên truyền đòi đa nguyên, đa đảng,
xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, “phi chính hóa” lực lượng vũ trang; kích động gây chia
rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo tâm lý hoài nghi trong quần chúng nhân dân về
con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Thực tiễn tại Liên Xô từ những năm 80 của thế kỷ 20 đã hình
thành các công đoàn, tổ chức hội có xu hướng tách khỏi quản lý của nhà nước, đối
lập với chính quyền, hoạt động với danh nghĩa là “tổ chức xã hội dân sự” nhân
danh bảo vệ công nhân, bảo vệ các quyền dân sự. Đến cuối thập niên 1980, nhiều
tổ chức “xã hội dân sự” nhận tài trợ nước ngoài, vận động ngầm hoặc công khai
truyền bá tư tưởng phủ nhận Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô; nhiều cơ quan xuất
bản, phát thanh, truyền hình được phương Tây tài trợ đã quay sang chỉ trích lịch
sử cách mạng, khiến tư tưởng chính trị của đảng viên và nhân dân Liên Xô trở
nên dao động dữ dội, lòng tin vào sự nghiệp cách mạng sụt giảm nghiêm trọng. Đó
là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của Liên Xô.
Ở Việt Nam, các thế lực phản động, cơ hội chính trị đã tiếp
tay, nuôi dưỡng các tổ chức phi chính phủ bằng những khoản viện trợ, tài trợ để
giương cao khẩu hiệu “dân chủ, tự do, nhân quyền”, lợi dụng mâu thuẫn xã hội,
kích động, xúi giục, lừa dối và lôi kéo đông đảo người dân tham gia các hoạt động
biểu tình, khiếu kiện đông người, tạo ra những điểm nóng chính trị-xã hội. Thực
tế thời gian qua, chúng đã thành lập các tổ chức “xã hội dân sự” với tên gọi,
khẩu hiệu dễ gây ấn tượng với thị hiếu của từng nhóm xã hội nhất định, như: “Diễn
đàn xã hội dân sự”; “hội tù nhân lương tâm”; “hội phụ nữ nhân quyền”; “hội bầu
bí tương thân”; “hội nhà báo độc lập”; “hội anh em dân chủ”...
Trước hành động cổ xúy “xã hội dân sự” hiện nay của một số
thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, chúng ta cần chủ động nhận diện,
đấu tranh, phản bác và làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của chúng.
Trước hết, các cấp ủy đảng và chính quyền, đội
ngũ cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ về “xã hội dân sự” và có cách ứng xử
phù hợp với các thế lực có yêu sách đòi hình thành và phát triển “xã hội dân sự”
theo kiểu xã hội phương Tây; thẳng thắn bác bỏ và phê phán, đấu tranh kiên quyết
với những quan điểm khuyến khích, cổ vũ “xã hội dân sự” một cách mù quáng, bất
chấp những hệ lụy, với ý đồ thúc đẩy hình thành các tổ chức chính trị-xã hội đối
lập ở nước ta.
Các cơ quan chức năng, các cơ quan nghiên cứu kịp thời tham
mưu cho Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp hạn chế đến
mức thấp nhất những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực của “xã hội dân sự” mà các thế lực
thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam. Đảng, Nhà nước
tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm phát huy đầy
đủ vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội;
thúc đẩy phát triển các tổ chức này phù hợp với luật pháp, điều kiện thực tế của
đất nước, phù hợp với cơ chế vận hành của thể chế chính trị, giữ vững bản chất
chế độ XHCN.
Cùng với đó, các cơ quan, mặt trận, đoàn thể, các ngành,
các cấp tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân
luôn cảnh giác, ngăn chặn kịp thời không để du nhập, áp đặt hình thành mô hình
“xã hội dân sự” theo kiểu xã hội phương Tây không phù hợp với điều kiện đất nước.
Bảo đảm sự hình thành, hoạt động của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề
nghiệp, các hiệp hội thực sự xuất phát từ nhu cầu thiết thực, hợp pháp của nhân
dân và được định hướng, tổ chức, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Hiện nay “Xã hội dân sự”
là vấn đề chính trị-xã hội phức tạp, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta phải nhận thức đúng đắn, hành động cẩn trọng, bảo đảm cơ sở chính trị,
pháp lý rõ ràng, không để các tổ chức “xã hội dân sự” phát triển một cách tự
phát; nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa, làm thất bại mọi âm mưu của thế
lực thù địch cổ xúy “xã hội dân sự” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để bảo
đảm sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét