Thời gian qua, khá nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật và pháp luật, phải xử lý nghiêm khắc. Điều rất đáng báo động là, đa số những người này có vi phạm kéo dài, thậm chí suốt vài năm và với nhiều hành vi, thế nhưng cấp ủy, chi bộ, đồng nghiệp cùng công tác lại “không biết”, hoặc biết rõ nhưng…“mũ ni che tai”!
1. “Ông ấy
bây giờ mới bị xử lý là quá muộn”; “Vi phạm lâu rồi, bây giờ cấp trên mới biết
thôi”; Nhiều người trong cơ quan biết sếp vi phạm nhưng sợ “đấu tranh, tránh
đâu”…
Ví dụ thì rất
nhiều và có lẽ cũng chẳng cần nêu ra. Chỉ riêng những kết luận của Ủy ban Kiểm
tra Trung ương từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã cho thấy, nhiều
cán bộ, đảng viên vi phạm nghiêm trọng từ lâu, chủ yếu là: Thiếu trách nhiệm,
buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát dẫn đến gây thất thoát lớn tài
sản của Nhà nước; suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; mất đoàn
kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; vi phạm các
quy định trong công tác cán bộ, quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng đất đai, tài
chính, tài sản; tham nhũng… Những vi phạm này, không thể nói là các đồng chí
trong cấp ủy, ban lãnh đạo và chi bộ, đồng nghiệp cùng công tác với cán bộ, đảng
viên đó đều… không biết!
Chính vì
không được thẳng thắn góp ý, phê phán nên những cán bộ, đảng viên đó càng “tự
tung tự tác”, “cái sảy nảy cái ung”, vi phạm tăng thêm dẫn đến hậu quả nghiêm
trọng.
Ngoài những
nguyên nhân dẫn đến tình trạng không phê bình, ngại góp ý với đồng chí, đồng đội,
đồng nghiệp, nhất là với cấp trên, như: Sợ mất lòng, sợ bị trù dập, quy chụp là
gây mất đoàn kết; vì cùng có chung lợi ích; hoặc đơn giản là tâm lý “an phận thủ
thường”, sợ bị hiểu sai… thì lâu nay, không ít cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức có quan điểm “việc ai nấy làm”, không tham gia vào công việc và cuộc
sống của người khác. Sự thờ ơ, vô cảm trước những việc sai trái, biết rõ những
sai phạm, khuyết điểm của đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội mà không thẳng thắn
góp ý, phê bình đã dẫn đến nhiều hệ lụy: Cán bộ, đảng viên tiếp tục vi phạm,
làm suy yếu tổ chức, ảnh hưởng sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng.
2. “Trong phê
bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai
không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau…” và “đoàn kết
xuôi chiều” là một trong những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ.
Hội nghị
Trung ương 4 (khóa XIII) của Đảng thẳng thắn đánh giá: Năng lực lãnh đạo, sức
chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát
của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thẳng thắn
đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm
chí còn cục bộ, lợi ích nhóm…
Sinh thời, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng với rất nhiều giải
pháp, nhưng quan trọng nhất, theo Người, trước hết là phải “Nâng cao đạo đức
cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (bài báo Người viết nhân dịp kỷ niệm 39
năm Ngày thành lập Đảng). Muốn thực hiện được điều này, Người chỉ rõ: “Phải thực
hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Ðảng. Phải hoan nghênh và khuyến
khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của
chi bộ phải nghiêm túc”…
“Phê bình cho
đúng để trị bệnh cứu người” là tư tưởng có tính nhân văn rất sâu sắc của Chủ tịch
Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình giống như
uống thuốc. Nếu sợ phê bình thì cũng khác nào có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống
thuốc. Như vậy thì bệnh tình lại càng nặng thêm. Do vậy, đối với đảng viên, cán
bộ mà nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng
việc thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ… Biết người ta sai
mà không nói cho người ta sửa tức là hại người. Tự phê bình và phê bình phải xuất
phát từ tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau. Càng yêu thương thì càng phải thẳng
thắn phê bình, có như vậy mới thực sự giúp nhau tiến bộ.
Thế nhưng,
tình trạng ngại phê bình, “ngại nói thật” trong sinh hoạt chi bộ và cả sinh hoạt
cấp ủy, đảng bộ vẫn khá phổ biến. Đây là nguyên nhân cơ bản làm mất tính chiến
đấu trong sinh hoạt đảng, dẫn đến không kịp thời ngăn ngừa những vi phạm của
cán bộ, đảng viên, để xảy ra sai phạm kéo dài và nghiêm trọng. Thậm chí, không
ít cán bộ, đảng viên có sai phạm mà vẫn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ
và đề nghị khen thưởng, bổ nhiệm.
Thật đáng buồn
khi hầu hết các vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống, kỷ luật,
pháp luật, nhất là tham nhũng… đều do quần chúng nhân dân, báo chí hoặc cơ quan
chức năng cấp trên phát hiện. Trong khi đó, chi bộ, cấp ủy là nơi trực tiếp quản
lý, giáo dục, rèn luyện và tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, đảng
viên; người cùng chi bộ, cùng cơ quan thường xuyên gần gũi, công tác, hiểu hết
tính cách cũng như những việc làm của nhau-như “cùng nằm trong chăn mà lại…
không biết chăn có rận”!?
Có thể khẳng
định, việc chân thành, thẳng thắn phê bình, góp ý không chỉ là yêu cầu có tính
nguyên tắc trong sinh hoạt đảng và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị mà còn
thể hiện tình người sâu sắc, nhân văn. Việc biết đồng chí, đồng đội đang mắc
khuyết điểm, lầm đường lạc lối mà vẫn “mũ ni che tai” chính là làm hại tổ chức
và đồng chí, đồng đội. “Tội” này cần phải kiên quyết đấu tranh, phê phán, cả
trong công tác và trong cuộc sống đời thường.
BVM - H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét