Quân đội nhân
dân Việt Nam - lực lượng nòng cốt trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa; lực lượng chính trị quan trọng trong xây dựng “Thế trận lòng dân”. Hiện
nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, đã tạo ra một
“không gian mạng” vô cùng rộng lớn, trở thành mảnh đất màu mỡ để các thế lực
thù địch lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam, tấn công trực tiếp vào “Thế trận
lòng dân”. Đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng, củng cố vững chắc “Thế trận
lòng dân” trên không gian mạng; trong đó có trách nhiệm chính trị của Quân đội
nhân dân.
Không gian mạng
và “Thế trận lòng dân” của Đảng trên không gian mạng
Trong xu thế
toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế gắn với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trên lĩnh vực công nghệ thông tin, đã tạo
ra một không gian xã hội mới - “Không gian mạng”. Là mạng lưới kết nối của cơ sở
hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy
tính, hệ thống sử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người
thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Việt Nam là
nước tham gia hòa mạng internet muộn hơn so với các quốc gia trong khu vực và
trên thế giới, nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc, là 1 trong những nước có tỉ
lệ sử dụng internet nhiều nhất thế giới với hơn 70 triệu người dùng (chiếm hơn 70%
dân số) và có hơn 90% người dùng Việt Nam sử dụng internet với thời gian trung
bình hơn 6 giờ mỗi ngày.
Sự phát triển
nhanh chóng, mạnh mẽ của Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Tiktok, Instagram,
Linkedin, Zingme, Google, …đã tạo ra nền tảng cho việc kết nối cộng đồng, xóa
nhòa ranh giới giữa không gian thực và ảo. Với sự ưu việt về tính đa dạng trong
nội dung truyền tải, hình thức phong phú, tự do biểu đạt, tiếp cận thông tin
nhanh chóng và nhạy bén trong tương tác cộng đồng…; không gian mạng đã làm
phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, tạo ra cơ hội lớn để phát triển kinh
tế tri thức của người dân và xã hội, lan tỏa sâu rộng vào trong đời sống xã hội,
trở thành một nhu cầu tất yếu.
Tuy nhiên,
bên cạnh những giá trị to lớn mà không gian mạng đã mang lại thì nó cũng đã và
đang trở thành phương tiện để kẻ thù triệt để lợi dụng tung tin, lan truyền các
quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ
nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Lợi dụng sự thay đổi nhanh chóng và những phát
triển mới của công nghệ thông tin; các đối tượng thù địch đã lập, sử dụng hàng
nghìn Website, blog, tài khoản mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến, kêu gọi tập hợp
lực lượng để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trá hình trên không gian
mạng, sử dụng những tên miền mạo danh các chính khách Việt Nam để tạo sự tin cậy
và bằng nhiều cách khác nhau, các đối tượng tập trung vào xuyên tạc, bôi nhọ, đả
kích, bóp méo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước…, nhất là nền tảng
tư tưởng của Đảng, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết, phá hoại mối quan hệ giữa Đảng,
Nhà nước và Nhân dân, mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân, gây
hoang mang dư luận, kích thích sự hoài nghi trong Nhân dân, tạo ra tâm lý thờ
ơ, vô cảm, bất mãn chính trị, quay lưng lại với các giá trị tốt đẹp của chế độ
ta, làm suy giảm, dẫn đến mất lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
Lợi dung tâm lý tò mò của một bộ phận lớn cư
dân mạng, nhất là giới trẻ hiện nay; các đối tượng thù địch thường xuyên thay đổi
tên các trang thông tin điện tử, blog, tên tiêu đề bài viết, video…với những
ngôn từ đầy màu sắc, giật gân, kích thích người đọc, người xem theo dõi; sử dụng
công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để cắt ghép, tạo giả những đoạn video, qua đó lan
truyền thông tin, bài nói, bình luận sai sự thật và gợi ý, dẫn dắt người đọc,
người xem tập trung vào các bài viết có nội dung phản động, thù địch, phản khoa
học, dẫn dắt con người đi ngược lại các giá trị tiến bộ của nhân loại, nhồi
nhét vào đầu họ những thông tin sai trái, những sản phẩm phi văn hóa, phi xã hội
chủ nghĩa, tiến tới thay đổi hệ tư tưởng của Đảng trong xã hội.
Có thể thấy,
không gian mạng đã và đang khẳng định những giá trị to lớn; đem lại cho mỗi người
dân những cơ hội lớn để hòa nhập vào xu thế toàn cầu và tham gia vào nền kinh tế
tri thức; tạo ra bước đột phá lớn trong nâng cao chất lượng đời sống vật chất
và tinh thần; lĩnh vực thông tin và truyền thông phát triển như vũ bão, các luồng
thông tin vô cùng đa dạng được truyền đến với người dân một cách nhanh chóng
chưa từng có từ trước đến nay. Bên cạnh việc mang đến những cơ hội khổng lồ để
phát triển tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì không gian mạng cũng đang
tạo ra những góc khuất, những điểm tối, những “bãi rác xã hội”, trở thành “ổ chứa”,
nơi trú ngụ lý tưởng của “các loại vi rút, các loài sâu mọt chính trị độc hại” ẩn
nấp, sinh sôi nảy nở và hàng ngày, hàng giờ gặm nhấm, đục khoét, chống phá Đảng,
Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân và toàn thể dân tộc ta đang ra
sức kiến tạo, xây dựng.
Trong các văn
kiện Đại hội, Đảng ta luôn xác định vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng là khâu
then chốt và đấu tranh bảo vệ nền tảng tưởng của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm. Ngày
22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về "Tăng
cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch trong tình hình mới" (Nghị quyết 35). Nghị quyết 35 nhấn
mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu
quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn
của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn
Đảng, toàn quân, toàn dân…
Đại hội XIII
của Đảng xác định: Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng
có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng thiết
thực, tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước
và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn
dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo
đó, Nhân dân giữ vai trò chủ thể trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
“Thế trận lòng dân” và xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo
vệ nền tảng tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch là một
đòi hỏi cấp thiết hiện nay.
“Thế trận
lòng dân” trên không gian mạng là sự tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của
Đảng; quản lý, điều hành của Nhà nước về phát triển, vận hành trong sạch, lành
mạnh không gian mạng và việc vận hành các phương thức, động lực phát triển kinh
tế, văn hóa - xã hội trên không gian mạng mà không phương hại đến quyền, lợi
ích chính đáng của người dân khi tham gia mạng xã hội. Từ đó, tiếp tục củng cố
niềm tin, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của cộng đồng cư dân mạng, tạo
thành sức mạnh tổng hợp, khu vực phòng thủ kiên cố chống lại mọi sự xâm nhập của
các thế lực thù địch dưới mọi hình thức, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của
Đảng trên không gian mạng.
Xây dựng “thế
trận lòng dân” trên không gian mạng là tổng thể các hoạt động của các chủ
thể và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, để khơi dậy, quy tụ, phát huy lòng
yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, niềm tin, quyết tâm của toàn dân tộc, tạo
thành nền tảng chính trị - tinh thần vững chắc, cho phép huy động sức mạnh tổng
hợp của cả dân tộc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và thực hiện thành công
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Quân đội nhân dân
Việt Nam - lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
ngoài nhiệm vụ chính trị là đội quân chiến đấu thì việc thực hiện chức năng đội
quân công tác cũng là một nhiệm vụ được Quân đội ta tổ chức thực hiện có hiệu
quả từ khi thành lập đến nay. Do đó, Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia xây dựng
“thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tưởng của Đảng là rất
cần thiết.
NHB - H3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét