Theo thượng
tướng Nguyễn Tân Cương, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
và công nhân viên quốc phòng khó đảm bảo sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ đặc
thù.
Tại phiên thảo
luận tổ ở Quốc hội chiều 27/5, thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng,
Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết những ngày qua nhiều đại biểu hỏi ông về việc sửa
luật để tăng tuổi nghỉ hưu của quân nhân, giống như ngành công an đang đề xuất
khi sửa Luật Công an nhân dân. Tuy nhiên, “hai ngành có đặc thù khác nhau nên
không thể so sánh”.
Theo tướng
Cương, quân đội đang thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về tổ chức quân đội
giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Còn ngành công an đã ổn định tổ chức
biên chế nên việc sửa Luật Công an nhân dân thời điểm này là phù hợp. Đề xuất
tăng tuổi phục vụ với công an cũng phù hợp với Bộ luật Lao động.
“Quân đội hiện
có 11 chức danh cơ bản theo hình chóp, nếu tăng tuổi hưu, ở trên tăng thì dưới
cũng phải tăng hết, như vậy sĩ quan không đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ”, Tổng
tham mưu trưởng nói.
Ông lấy ví dụ,
cán bộ trung đội trưởng, trung đội, đại đội hay tiểu đoàn có nhiệm vụ trực tiếp
quản lý bộ đội. Bộ đội làm gì thì cán bộ phải thực hiện việc đó, từ khi báo thức
đến tối đi ngủ. Khi bộ đội đi ngủ thì cán bộ vẫn phải thức để viết báo cáo,
giáo viên thì viết giáo án để phục vụ huấn luyện vào hôm sau. Khi diễn tập, bộ
đội cũng phải hành quân đi bộ.
Vì vậy, “quân
đội sẽ nghiên cứu từng bước để sửa luật phù hợp với đặc thù quân đội”.
Tướng Nguyễn
Tân Cương cho biết hiện quân đội chịu sự điều chỉnh của ba luật gồm Luật Sĩ
quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên
quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự. Bộ Quốc phòng đang tổng hợp ý kiến cử tri để
trước mắt sửa Luật Nghĩa vụ quân sự, khắc phục bất cập trong việc gọi thanh
niên nhập ngũ.
Ông nói mỗi
năm cả quân đội và công an chỉ lấy 3,4% số thanh niên trong độ tuổi thực hiện
nghĩa vụ quân sự. Do đó, việc sửa luật là cần thiết nhằm thu gọn diện tạm miễn,
tạm hoãn nghĩa vụ, đảm bảo công bằng xã hội; đồng thời thu hút thanh niên có trình
độ để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.
Tuổi phục vụ
tại ngũ là hạn tuổi phục vụ cao nhất theo cấp bậc quân hàm của sĩ quan, quân
nhân chuyên nghiệp được quy định tại Luật Sĩ quan và Luật Quân nhân chuyên nghiệp,
công nhân và viên chức quốc phòng.
Đối với sĩ
quan, tuổi phục vụ tại ngũ thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Luật Sĩ
quan, cấp úy là 46; thiếu tá là 48; trung tá là 51; thượng tá là 54; đại tá là
57 đối với nam và 55 đối với nữ; cấp tướng nam 60, nữ 55 tuổi. Khi quân đội có
nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn,
nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại
ngũ so với hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm trên đây không quá 5 năm;
trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.
Quân nhân
chuyên nghiệp có tuổi phục vụ tại ngũ là 52 đối với cấp úy, 54 đối với thiếu tá
và trung tá; thượng tá là 56 đối với nam và 55 đối với nữ. Quân nhân chuyên
nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị,
đạo đức, sức khỏe và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo
dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm so với hạn tuổi cao nhất theo cấp bạc
quân hàm.
Công nhân và
viên chức quốc phòng được nghỉ hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi đủ điều kiện
theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ luật
Lao động, tuổi nghỉ hưu điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với
nam (vào năm 2028) và đủ 60 tuổi đối với nữ (vào năm 2035). Kể từ năm 2021, tuổi
nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng
đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với
nữ. Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở
tuổi thấp hơn. Lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn
hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định./.
LNH - H3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét