Pages - Menu

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII TRONG PHÁT HUY NHÂN TỐ CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 

Phát huy nhân tố con người thực chất là chăm lo tạo ra những điều kiện cần thiết để mỗi người, mỗi cộng đồng người thể hiện tối đa năng lực của mình trong lao động, trong hoạt động sáng tạo nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội vì hạnh phúc của mỗi con người. Để quán triệt quan điểm Đại hội Đảng lần thứ XIII trong phát huy nhân tố con người ở Việt Nam hiện nay, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã có sự kế thừa, tiếp thu một cách chọn lọc những giá trị chung của nhân loại, trong đó có vấn đề xây dựng kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường không đối lập với chủ nghĩa xã hội mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, nó tồn tại khách quan trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, kinh tế thị trường phải có sự quản lý của Nhà nước. Kế thừa Đại hội XII, Văn kiện Đại hội XIII nêu: Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tiễn đã chứng minh, những chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước ta trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã tạo nên động lực kinh tế giải phóng sức sản xuất, trực tiếp thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng con người Việt Nam mới. Vì thế để thực hiện tốt việc phát huy nhân tố con người theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Hai là, phát triển mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự phát triển nguồn lực con người và giáo dục được coi là yếu tố quan trọng to lớn đối với tiến bộ kinh tế và tiến bộ xã hội. Đầu tư vào con người là cơ sở chắc chắn nhất cho sự phát triển. Vì thế, đầu tư cho giáo dục được coi là đầu tư cơ bản, đầu tư cho tái sản xuất sức lao động, đầu tư cho tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, giáo dục được đặt ở nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Vì thế, ngày nay phải chú ý đổi mới công tác giáo dục, với phương châm: "Giáo dục cái mà đất nước cần, chứ không phải giáo dục cái mà ta có". Hiện nay, trí tuệ trở thành một trong những chỉ số quan trọng nhất của nhân tố con người, đặc biệt là trong thời đại cách mạng khoa học và công nghệ, trong nền kinh tế trí thức hiện nay. Mặt khác, giáo dục toàn diện: giáo dục chính trị, giáo dục lao động nghề nghiệp, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho con người mà trước hết là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Bên cạnh đó, phải sử dụng nhiều hình thức giáo dục đào tạo đa dạng phong phú, tạo điều kiện cho con người tự giác, tự giáo dục, chủ động sáng tạo.

Ba là, ổn định chính trị, mở rộng và phát huy dân chủ. Ở Việt Nam, khi bước vào công cuộc đổi mới, vấn đề quan trọng được đặt ra giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là phải có sự kết hợp ngay từ đầu, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, và từng bước đổi mới chính trị, nhằm làm cho hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là quá trình củng cố và phát triển hệ thống chính trị từ nền tảng kinh tế của nó. Mục tiêu đổi mới hệ thống chính trị hướng tới nhiệm vụ thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, từ đó phát huy tối đa nhân tố con người ở Việt Nam hiện nay.

Bốn là, đẩy mạnh việc phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước.

Bài học của những cuộc khủng hoảng xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu, Liên Xô vừa qua cho thấy, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã lợi dụng sự tha hoá của cán bộ đảng viên, sự quan liêu của bộ máy nhà nước để tách rời dân với Đảng, làm mất đi niềm tin của quần chúng với Đảng. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp dẫn đến đổ vỡ chủ nghĩa xã hội. Vì thế việc xây dựng bộ máy chính trị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước đang là yêu cầu cấp bách nhằm phát huy tối đa nhân tố con người.

Năm là, mở rộng giao lưu, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Để tạo điều kiện cho con người Việt Nam sáng tạo, đưa đất nước theo kịp bước tiến hoá của nhân loại, đòi hỏi phải kết hợp việc tổng kết kinh nghiệm trong nước và kinh nghiệm của thế giới. Tiếp thu có phê phán, chọn lọc những giá trị phong phú của loài người sẽ tạo thành một động lực mạnh mẽ để hình thành từng bước một chủ thể mới của lịch sử - con người Việt Nam mới, vừa mang bản chất giai cấp công nhân, vừa đại biểu cho sự phát triển của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét