Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người con ưu tú của dân tộc, được
nhân dân kính trọng gọi là “Bác Tôn”. Ông sinh ngày 20-8-1888 trong một gia
đình có truyền thống yêu nước ở Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành,
tỉnh Long Xuyên (nay thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) - miền quê giàu
truyền thống cách mạng. Bác Tôn là một trong những người chiến sĩ cách mạng xuất
sắc thuộc lớp đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc
ở nước ta và là người bạn chiến đấu thân thiết, lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí
Minh vĩ đại.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ đâu, cương
vị nào, Đồng chí cũng luôn khiêm tốn, giản dị, gần gũi, đoàn kết với mọi tầng lớp
nhân dân, nhưng vẫn toát lên tinh thần bất khuất, kiên cường của người chiến sĩ
cộng sản, một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời.
Vốn là người có tư chất thông minh, thành thạo tiếng Pháp,
giỏi về kỹ thuật cơ khí, lại có tính tự lập cao nên Chủ tịch Tôn Đức Thắng bắt
đầu cuộc sống làm thợ, hòa mình vào phong trào công nhân từ năm 1907; trở thành
hạt nhân lãnh đạo các cuộc đấu tranh bãi khóa của học sinh trường Bá Nghệ và là
người tổ chức các cuộc bãi công, đòi quyền sống của công nhân Ba Son năm 1912.
Sau đó, để tránh sự lùng bắt của thực dân Pháp, Đồng chí đã cải trang và trở
thành lính thợ làm việc trên chiến hạm France của Pháp. Tuy nhiên, do các hoạt
động ủng hộ nước Nga Xô-viết, nhất là tham gia sự kiện kéo cờ đỏ phản chiến của
Hải quân Pháp ở Biển Đen nên Đồng chí bị chính quyền Pháp trục xuất.
Trở lại Sài Gòn, Đồng chí tích cực tham gia hoạt động trong
các phong trào cách mạng, liên tục là Ủy viên Thành bộ Sài Gòn và Ủy viên Kỳ bộ
Nam Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được phân công phụ trách phong trào
công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn từ năm 1927 đến 1929. Trung tuần tháng 7-1929, Bác
Tôn bị địch bắt và kết án 20 năm tù khổ sai, tháng 6-1930 đày ra Côn Đảo với số
tù 5289-TF. Trong lao tù, mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng Ông vẫn tìm mọi cách
để truyền hơi ấm của tình đồng chí, đồng đội, truyền ngọn lửa cách mạng của người
cộng sản kiên trung, bất khuất tới những người cùng cảnh ngộ. Tại đây, Bác Tôn
đã hết lòng dạy anh em lao tù học văn hóa, học tiếng Pháp, cùng nhau hát lên những
khúc ca hùng tráng của bài quốc tế ca. Trải qua 15 năm bị tù đày tại nhà tù Côn
Đảo, Đồng chí đã biến ngục tù thành nơi tôi luyện ý chí đấu tranh, trường học cộng
sản cho các đồng chí cùng chí hướng; luôn nêu cao tấm gương sáng về lòng trung
thành, sự tận tụy, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và trở
thành tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Đồng chí thoát khỏi nhà tù,
gông xiềng đế quốc. Vừa đặt chân đến đất liền, chưa kịp về thăm gia đình thì cuộc
kháng chiến bùng nổ, Đồng chí lại lao ngay vào cuộc kháng chiến trường kỳ của
dân tộc. Năm 1954 (sau chín năm kháng chiến thắng lợi), tại Hà Nội, gia đình
Bác Tôn mới được hội ngộ. Đây là một hình ảnh tiêu biểu cho tấm gương hết lòng
vì sự nghiệp cách mạng, “vì nước quên nhà” của Bác Tôn. Trong vòng 35 năm (1945
- 1980), đồng chí Tôn Đức Thắng đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy
lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, như: Tổng
Thanh tra Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua ái quốc
Trung ương, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Hội trưởng Hội Hữu nghị
Việt Nam - Liên Xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, Chủ tịch nước, v.v. Dù ở cương vị trọng trách nào, Đồng chí cũng luôn
tuân thủ quyết định của tổ chức, của tập thể, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các
nhiệm vụ, góp phần cùng với Bác Hồ, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Chính phủ,
Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành cách mạng giải
phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
ĐVT - BC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét