Ngày
9-5-2023 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 54-KL/TW 'Về tiếp tục
thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3-10-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát
huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, 'tự
diễn biến', 'tự chuyển hoá' trong nội bộ'. Kết luận số 54 khẳng định kết quả
tích cực trong việc phát huy quyền làm chủ và vai trò của nhân dân trong đấu
tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái được nâng lên; nhân dân tin tưởng, chủ động
và tích cực hơn tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hoá', góp phần quan trọng
trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kết luận chỉ rõ một số hạn chế, yếu
kém: "Việc cụ thể hoá, tổ chức thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW của một số
cấp uỷ, tổ chức đảng chưa kịp thời, đầy đủ, sát thực tiễn, còn hình thức. Vẫn
còn tình trạng e ngại hoặc lợi dụng dân chủ trong phản ánh, góp ý trực tiếp với
cấp uỷ, tổ chức đảng về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người
đứng đầu; một số phản ánh, kiến nghị của nhân dân chưa được xem xét kịp thời,
thấu đáo. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính
trị - xã hội đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng
viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng.
Kết
luận số 54 của Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực
hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản, mấu chốt nổi lên hiện nay. Việc thực hiện tốt
Quyết định số 99-QĐ/TW, Kết luận số 54 gắn với Quy định số 124-QĐ/TW ngày
2-2-2018 của Ban Bí thư về giám sát của mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống
của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, các quy định có liên
quan của Đảng, nhất là Quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo sự chuyển biến tích cực về
nhận thức và trách nhiệm trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo điều kiện
thuận lợi cho nhân dân góp ý, phản ánh, giám sát biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hoá' trong cán bộ, đảng
viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Trong các nhiệm vụ, giải
pháp mà Ban Bí thư đề ra, việc thể chế hoá, cụ thể hoá, tổ chức thực hiện cho tốt
là nhân tố có tính quyết định đến thành công của nhiều nghị quyết, quy định của
Đảng ta về công tác cán bộ. Nên chăng cần thể chế hoá, cụ thể hoá, có quy định
về vấn đề gần dân của cán bộ, nhất là của người đứng đầu như thế nào trong tình
hình hiện nay.
Cán
bộ, đảng viên với tư cách vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung
thành của Nhân dân thì cán bộ, đảng viên cần phải chủ động đến với dân. Hiện
nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nhận thức về trách nhiệm, đa phần cán bộ,
đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu viện cớ bận 'trăm
công nghìn việc' không có điều kiện, thời gian để đến với dân, gần dân. Người
dân, chỉ khi có việc cần, họ mới đến các cơ quan công quyền để giải quyết các
thủ tục hành chính hay 'xin' những việc gì đó trong cái "quyền" của
mình! Người dân chỉ chủ động gặp cán bộ, đảng viên khi quyền, lợi ích chính
đáng của mình bị xâm phạm. Họ có những khúc mắc, bức xúc, oan sai cần giải quyết
và họ cũng có những tố cáo, khiếu nại khi cán bộ, đảng viên có biểu hiện làm
sai, vi phạm quyền làm chủ của công dân... Những trường hợp trên thường diễn ra
tại trụ sở tiếp công dân ở các ngành, các cấp theo quy định của pháp luật. Do vậy,
ngoài những yêu cầu, lý do nói trên, muốn gần dân, cán bộ, đảng viên cần phải
chủ động đến với dân theo nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Đối với cán bộ, đảng
viên ở nơi cư trú, mặc dù đã có những quy định về cán bộ, đảng viên đương chức
cần thường xuyên liên hệ với cấp uỷ đảng, với nhân dân nơi cư trú. Nhưng trong
thực tế, hình thức này hiệu quả không cao trong công tác giám sát, còn việc
công khai tự phê bình và phê bình trước nhân dân nơi cư trú hiện nay chưa làm
được bao nhiêu. Thậm chí, người dân không có thông tin, không được biết cán bộ,
đảng viên đương chức đó là ai. Đó là khi nói về quyền dân chủ trực tiếp.
Khi nói về quyền dân chủ gián tiếp
mà đại diện là các cơ quan dân cử, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã
hội, các đoàn thể quần chúng thì hoạt động của các cơ quan, tổ chức này, nói
chung vẫn thường là hành chính hoá, có nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu,
nguyện vọng của cử tri và nhân dân cũng như của công tác xây dựng Đảng. Các đại
biểu của dân chưa chủ động, chưa sâu sát, chưa thật sự gần gũi nhân dân, không
nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc của
nhân dân; thiếu bản lĩnh, quyết liệt, hiệu quả trong công tác phản biện, giám
sát xã hội, với những biểu hiện sai trái, vi phạm pháp luật, kỷ luật của cán bộ,
đảng viên, thậm chí có những hành động bao che cho những sai phạm mà không bị xử
lý kịp thời, hiệu quả. Ở nhiều nơi, việc xâm phạm lợi ích người dân, tài sản
nhà nước diễn một thời gian dài, cách các cơ quan đại diện cho dân không xa
nhưng nhiều khi các cơ quan đại diện cho dân đều 'không biết' hay chưa được
nghe báo cáo v.v.
Lâu
nay, cán bộ, đảng viên với tư cách là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung
thành của Nhân dân, nhưng nhiều người thường nghiêng về thực hiện vai trò, chức
năng lãnh đạo, quản lý mà ít quan tâm đến chức năng người đầy tớ, người phục vụ.
Xu hướng không nhanh chóng giải quyết quyền, lợi ích chính đáng, những bức xúc,
vụ việc nổi cộm của người dân, 'dân có cần nhưng quan không vội' là khá phổ biến.
Việc tiếp xúc cử tri, phản ánh ý kiến nguyện vọng của nhân dân, giải quyết những
vấn đề tồn đọng lâu ngày hay những vấn đề phát sinh trong cuộc sống người dân vẫn
còn kém hiệu quả, thậm chí hình thức...
Dân
gian thường có câu 'nhất cự ly, nhì cường độ'. Trong vấn đề gần dân, cự ly các
cơ quan chính quyền hẳn là nhiều nơi không xa, ấy vậy mà cường độ cán bộ, đảng
viên đến với người dân còn thưa thớt, rời rạc, thiếu mật thiết. Mặc dù trong những
năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, quy định việc mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân phản biện, giám sát xã hội, góp
ý kiến xây dựng cán bộ, đảng viên; quy định trách nhiệm của đảng viên đang công
tác thường xuyên liên hệ với tổ chức đảng, nhân dân nơi cư trú; quy định người
đứng đầu cấp uỷ tiếp công dân, người đứng đầu đối thoại với dân... nhưng đến
nay, việc thực hiện các quy định này hiệu quả chưa cao. Phương châm cán bộ, đảng
viên 'Gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân', 'Nghe dân nói, nói
dân hiểu, làm dân tin' là rất đúng đắn, phù hợp. Nhưng vì chưa có cơ chế, quy định
cụ thể, lại thiếu kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm nên tình trạng quan liêu,
xa dân đến nay vẫn còn phổ biến. Do đó, để tiếp tục phát huy vai trò của nhân
dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển
hoá' trong nội bộ thì một trong những vấn đề cần thể chế hoá, cụ thể hoá, làm
rõ nội hàm của khái niệm gần dân.
Đồng
thời với việc cung cấp thông tin, công khai, minh bạch về cán bộ, đảng viên,
cán bộ muốn gần dân thì định kỳ, đột xuất, không kể thời gian đến với dân, sâu
sát đời sống nhân dân thì người dân mới hiểu rõ về người lãnh đạo, người đầy tớ
của mình. Đây cũng là một bước cụ thể phương châm "dân biết, dân bàn, dân
kiểm tra, dân giám sát" cán bộ, đảng viên, góp ý kiến xây dựng cán bộ và nắm
bắt, phát hiện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
'tự diễn biến', 'tự chuyển hoá' trong nội bộ. Thực chất đây cũng là một biện
pháp nhằm tăng cường mối liên hệ mật thiết của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng,
với nhân dân.
Gần dân còn được thể hiện ở việc
cụ thể hoá vai trò, vị trí của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, với
tư cách là "công bộc", là 'người đầy tớ thật trung thành của Nhân
dân' chứ không phái lúc nào cán bộ, đảng viên đến với 'người chủ' của mình cũng
với vai trò của người lãnh đạo. Nói một cách hình ảnh thì người cán bộ, đảng
viên không phải lúc nào xuống với dân cũng đi bằng xe ô tô. Nhiều khi phải đi bằng
xe máy, thậm chí là đi bộ và cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân để nghe dân nói
thì mới hiểu được những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói thật của người
dân.
Việc Đảng, Nhà nước có những quy
định rõ ràng, cụ thể người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp định kỳ, đột xuất
thực hiện công tác tiếp dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tiếp
nhận, trả lời, giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị chính đáng, hợp pháp,
khiếu nại, tố cáo của công dân và những vấn đề nhân dân quan tâm, dư luận bức
xúc. Đây chính là một nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng để cán bộ, đảng viên gần
dân, hiểu rõ và giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của dân. Tuy nhiên, ở
nhiều nơi, người đứng đầu còn ngại, còn sợ, không tiếp xúc, đối thoại với dân.
Các cơ quan chức năng cần công khai rộng rãi hơn nữa những người đứng đầu chính
quyền, cấp uỷ trong một thời gian dài không chịu tiếp, đối thoại, lắng nghe ý
kiến, kiến nghị của nhân dân. Những người như vậy cũng là biểu hiện của sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống khi không thực hiện nghiêm túc
quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nên chăng cần định lượng
hoá thế nào là gần dân, lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng
viên. Ở đâu có những 'điểm nóng', những vấn đề nổi cộm, bức xúc của dân mà cấp
uỷ, chính quyền, các cơ quan đoàn thể đại diện cho dân không biết thì cần có biện
pháp xử lý công khai, minh bạch.
Khi Đảng ta là đảng cầm quyền,
lãnh đạo đất nước, nhân dân bằng đường lối, chính sách và thông qua đội ngũ cán
bộ, đảng viên thì công tác dân vận cần chuyển mạnh từ các tổ chức, cấp uỷ đảng
sang các cấp chính quyền và các cơ quan nhà nước. Do vậy, việc xây dựng ban
hành các chính sách, pháp luật cần hết sức coi trọng lợi ích của nhân dân theo
lời dạy của Bác Hồ 'Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm/Việc gì hại đến
dân, ta phải hết sức tránh'; 'tất cả cán bộ chính quyền' (...) 'đều phải phụ
trách dân vận'. Điều này thể hiện ở việc trước khi ban hành chính sách, pháp luật
đều phải lấy ý kiến tham gia, góp ý của nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng
hộ, tuyệt đối không được cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, cá nhân trong
văn bản, chính sách. Đồng thời, công tác dân vận của các cấp chính quyền, cơ
quan nhà nước chính là ở sự gương mẫu, đi đầu, gắn bó, gần gũi với nhân dân của
cán bộ, công chức, đảng viên. Đó là các nhân tố quan trọng để người dân ngày
càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và đứng lên bảo vệ cán bộ, đảng viên của
mình.
Muốn cho cán bộ, đảng viên gần
dân để người dân có điều kiện kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có nghĩa là
cần cụ thể hoá và có những giải pháp ngăn chặn, xử lý những hiện tượng quan
liêu, xa dân, ngại tiếp xúc, đối thoại với người dân. Muốn phát hiện, xử lý những
hiện tượng như thế thì một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường công
tác kiểm tra, giám sát. Đảng ta đã đúc kết 'lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi
như không lãnh đạo'. Bác Hồ từ lâu đã chỉ ra rằng: Nếu tổ chức việc kiểm tra
cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn pha. Bao nhiêu tình hình, ưu điểm và khuyết
điểm, chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong
công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Như vậy, kiểm tra là khâu cực kỳ
quan trọng để biết rõ cán bộ, đảng viên nào gần dân, cán bộ, đảng viên nào xa
dân và góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự
chuyển hoá' trong nội bộ Đảng.
ĐTT-KBS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét