Phản biện xã hội là một biện
pháp để mở rộng dân chủ, tranh thủ trí tuệ xã hội, từ đó hoàn thiện chính sách,
tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội. Thế nhưng hiện nay đang có một số cá
nhân, tổ chức đội lốt phản biện xã hội để phá bĩnh, càn quấy. Do đó cần phân biệt
rõ thế nào là phản biện xã hội mang tính xây dựng và thế nào là đội lốt phản biện
xã hội để chống phá, từ đó ngăn chặn hiện tượng nguy hiểm này.
Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng
ý kiến đóng góp
Đảng và Nhà nước ta từ trước đến
nay luôn luôn coi trọng ý kiến đóng góp phê bình, kiến nghị với Đảng và Nhà nước
về các vấn đề quốc kế dân sinh của mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị-xã
hội, tổ chức xã hội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ
rõ: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi
ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”; “Phát huy vai trò và tạo
điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường
lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò
giám sát và phản biện xã hội”... Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định:
“Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai
trò tự quản của nhân dân”...
Phản biện xã hội là một hình thức,
một biện pháp cụ thể thể hiện quyền của nhân dân và ý thức trách nhiệm của nhân
dân đối với công việc chung của đất nước; thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Đảng
và Nhà nước với nhân dân; thể hiện lòng tin của Đảng, Nhà nước đối với trình độ
chính trị, mức độ hiểu biết của nhân dân về lãnh đạo và quản lý. Đây cũng là
minh chứng cho thấy Nhà nước ta thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân
và vì nhân dân.
Trong đời sống chính trị-xã hội
của một đất nước luôn tồn tại nhu cầu cá nhân đưa ra những quan điểm, chính kiến
của mình, cũng như cơ quan nhà nước lựa chọn, tranh thủ ý kiến, nhận xét của
các tổ chức, cá nhân, xã hội để đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp
lý nhất trong quá trình nhận diện và giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra. Phản
biện xã hội về thực chất là người dân, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề
nghiệp góp sức với Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, chính
sách, chuẩn bị các quyết định về chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Đó được hiểu là sự nhận xét,
đánh giá, nêu chính kiến khẳng định những nội dung đúng đắn của chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án, đề
án, đồng thời phát hiện những điểm chưa chính xác, chưa phù hợp với đời sống xã
hội và lợi ích chính đáng của nhân dân để kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho chính xác, phù hợp. Trong phản biện xã hội,
bên phản biện không chỉ phản bác mà còn tán đồng, đề xuất những ý kiến sửa đổi,
bổ sung có luận cứ chứng minh kèm theo nhằm làm cho dự án, kế hoạch đưa ra được
đầy đủ, hoàn thiện hơn, góp phần tạo ra và bảo đảm sự đồng thuận xã hội, sự
đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phân biệt rõ giữa xây dựng và
phá hoại
Phản biện xã hội khác với phá
bĩnh xã hội. Phản biện xã hội để tìm ra và góp ý tìm cách sửa chữa cái sai, góp
phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng chính sách, quyết định, giải pháp cho vấn
đề cần giải quyết, vì lợi ích chung, sự tiến bộ. Ngược lại, phá bĩnh xã hội về
bản chất là hành vi và lời nói mang tính phá hoại vì lợi ích riêng, lợi ích
nhóm, song giả danh phản biện, giả danh cái tốt, cái tiến bộ để cố ý gây rối,
phá phách trực tiếp cốt làm hỏng công việc hoặc mất trật tự xã hội chung, vùi dập
con người, phủ nhận chính sách, phủ nhận sự phát triển của tập thể và đất nước...
Phá bĩnh xã hội là công cụ sở
trường của nhiều trang mạng, các cá nhân, tổ chức thù địch, phản động, cơ hội
chính trị, luôn tìm mọi cách tán phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu khống
và chụp mũ, đả kích, nói xấu mang tính chống đối, lật đổ, xuyên tạc sự thật nhằm
gây nghi ngờ, chia rẽ đoàn kết, phá hoại lòng tin, sự đồng thuận xã hội trong
nước, trong Đảng và bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng, Nhà nước hoặc của doanh nghiệp
Việt Nam cả trong nước và trên trường quốc tế.
Đặc điểm chung nổi bật của việc
phá bĩnh xã hội là nhân danh phản biện xã hội để bình luận tùy tiện, suy diễn,
xỏ xiên, quy kết với quan điểm cá nhân, tựu trung lại là nói xấu Đảng, phản đối
chế độ và chính sách hiện hành, phủ nhận thành tựu và sự phát triển của đất nước;
thậm chí, nhiều kẻ còn cài cắm ngụ ý, qua đó khoe khoang và khéo thể hiện mình
là người thông minh, cấp tiến, vì dân, vì nước...
Tỉnh táo nhận diện những kẻ giả
danh
Có thể thấy, việc nhận diện và
ngăn chặn sự lợi dụng phản biện xã hội để phá bĩnh xã hội, chống phá, xuyên tạc
của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội, phản động, phòng, chống “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... là cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng
trong công tác xây dựng Đảng cũng như giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Để làm việc đó, cần quán triệt,
triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26-10-2022
của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ
chức chính trị-xã hội.
Cần chủ động công khai, minh bạch
thông tin và giải trình nhanh, đúng đắn, chính xác về những chủ trương, chính
sách, bảo đảm thông tin chính thống giữ vai trò chủ đạo, làm căn cứ thẩm định
và định hướng dư luận, phản bác kịp thời thông tin từ những kẻ phá bĩnh, càn quấy.
Khi nhận thấy trường hợp đội lốt phản biện có dụng ý xấu, cần phải làm rõ động
cơ, mục đích để có biện pháp xử lý phù hợp; có chế tài xử lý việc lợi dụng góp
ý, phản biện nhằm gây rối xã hội.
Đồng thời cần tăng cường công
tác quản lý nội bộ, đấu tranh và xử lý đối với biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, những phần tử cơ
hội, bất mãn chính trị, những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, phẩm chất,
năng lực, uy tín giảm sút, thiếu gương mẫu, gây mất đoàn kết, cục bộ, bè phái,
cơ hội...
Mỗi người dân cần tỉnh táo, thận
trọng, trang bị cho mình “bộ lọc” và thông tin cần thiết giúp nhận diện âm mưu,
thủ đoạn lợi dụng phản biện xã hội để gây nhiễu thông tin, chống phá đất nước của
các thế lực thù địch, phản động. Đặc biệt, cần chú ý trước những thông tin
không rõ nguồn, được viện dẫn rất vu vơ, mơ hồ, xuất phát từ các ý kiến của những
người mượn danh phản biện, các “nhà dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến” vốn có
thành kiến, có âm mưu, hành động chống phá Đảng, Nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét