Tư tưởng nhân
văn Hồ Chí Minh bao gồm nhiều bộ phận hợp thành. Về nội dung, tư tưởng nhân văn
Hồ Chí Minh thật rộng lớn, bao quát hết các mặt bản chất con người, đời sống cá
nhân và đời sống cộng đồng, môi trường tồn tại, các nhu cầu thể hiện và khát vọng
làm chủ mọi mặt cuộc sống...; về hình thức thể hiện, tư tưởng nhân văn Hồ Chí
Minh rất phong phú, đa dạng, rất cô đọng, khái quát, lại rất cụ thể mà không hề
trừu tượng, gần gũi với cuộc sống làm người và ai cũng có thể áp dụng được để tự
hoàn thiện tính người, hoàn thiện nhân cách làm người.
Khảo sát quá
trình hình thành và phát triển, các nội dung chủ yếu và phương pháp hành động
biện chứng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rằng giá trị nhân văn Hồ Chí Minh có một
số đặc điểm tổng quát phản ánh quy luật vận động của lý tưởng nhân văn của loài
người, lại rất riêng có của Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, giá
trị nhân văn Hồ Chí Minh là một bước phát triển mới giá trị nhân văn truyền thống
Việt Nam, tinh hoa nhân văn của nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Marx ‒
Lenin.
Một điểm dễ
thống nhất với nhau là: Sở dĩ tư tưởng Hồ Chí Minh hiện thân khát vọng thể hiện
các giá trị làm người cao quý, là linh hồn, là ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt
Nam, lương tâm của thời đại, có sức sống bền vững và có ảnh hưởng sâu sắc đến
tư tưởng, tình cảm của nhân dân Việt Nam và của nhân dân nhiều dân tộc trên thế
giới, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai, chính là vì tư tưởng của Người
đã kế thừa những giá trị tư tưởng, văn hóa "vĩnh cửu" của nhân loại
thấm đượm một chủ nghĩa nhân văn cao cả, đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng
cháy bỏng và sâu xa của dân tộc và nhân loại.
Nói về thái độ
của mình đối với một số học thuyết và tôn giáo lớn trên thế giới, chính Hồ Chí
Minh đã xác nhận: "Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức
cá nhân. Tôn giáo Jesus có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Marx có ưu
điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là
chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jesus, Mác, Tôn Dật
Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn "mưu hạnh phúc
cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội." Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời
này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất
hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của
các vị ấy."
Lời nói trên
đây nổi lên hai khía cạnh đáng lưu ý:
Một là, khi
nhận xét các nhà tư tưởng tiền bối, Hồ Chí Minh đã chỉ ra được điểm tương đồng,
cốt lõi trong tư tưởng của họ, hạt nhân đó không có gì khác hơn là tinh thần
nhân văn, tư tưởng nhân văn. Hồ Chí Minh đã thâu thái, tích hợp giá trị nhân
văn của loài người thành tư tưởng nhân văn của chính mình. Vì thế, sự kế thừa
và chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại ở Hồ Chí Minh là nhằm chủ đích nhân văn.
Hai là, các
giá trị nhân văn của nhân loại chỉ có thể phát tán và thăng hoa trên một cái nền
gốc mà Người đã chuẩn bị trước đó: Truyền thống nhân văn lâu đời của dân tộc Việt
Nam.
Sống trong cảnh
nô lệ lầm than, người dân bị áp bức, bóc lột thậm tệ, đất nước bị ngoại bang
giày xéo, Hồ Chí Minh, một thiên tài nhạy cảm như được đúc kết nên từ tinh hoa
truyền thống của dân tộc Việt Nam đã nhận ra thực tế vô nhân đạo do thực dân đế
quốc gây nên. Chính đó là bản chất, là mạch sống căng đầy chất nhân văn ở con
người Hồ Chí Minh.
Sau này, khi
bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước cứu dân, nhằm xóa bỏ thực tế
bất nhân đó, được sống trong nhiều nền văn minh của các dân tộc khắp các châu lục,
được tiếp xúc với tư tưởng vĩ đại của Marx, Engels, Lenin, tư tưởng nhân văn Hồ
Chí Minh càng rõ hơn, trở thành lý luận, thành chủ nghĩa vững chắc. Rõ ràng, tư
tưởng nhân văn Hồ Chí Minh bắt nguồn từ bản chất nhân văn Việt Nam, nó nằm
trong bản chất con người Hồ Chí Minh với tư cách là tinh hoa đất nước, con người
Việt Nam.
Đứng trên
truyền thống nhân văn Việt Nam, trước thực trạng đất nước mất độc lập, chủ quyền,
Hồ Chí Minh đòi thực hiện yêu cầu nhân bản bao quát nhất: Đòi cho con người được
hưởng những gì vốn có, đó là quyền sống, quyền làm người, quyền độc lập tự do;
phải trả lại độc lập cho nhân dân Việt Nam để con người Việt Nam làm chủ đất nước
mình, tự mình xây dựng cuộc sống. Đưa con người trở về với chính con người, đó
là tư tưởng nhân văn cơ bản, điều mà từ thời cổ đại Arixtốt là từng mong muốn.
Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh kêu gọi xóa bỏ nô lệ, áp bức, bần cùng, đối xử với
con người như là con người chân chính.
Tư tưởng nhân
văn Hồ Chí Minh được nâng lên tầm cao hơn khi Người hội tụ được các tư tưởng tiến
bộ toàn nhân loại: Văn minh châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, với các hệ tư
tưởng nhân văn Phục hưng, Khai sáng, tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng Ý,
Pháp... Đặc biệt, tư tưởng nhân văn đó trở thành lý luận khoa học, như một lý
thuyết vững chắc khi người gặp tư tưởng cộng sản chủ nghĩa với các lãnh tụ
thiên tài Karl Heinrich Marx, Friedrich Engels, Vladimir Lenin.
Tư tưởng cộng
sản chủ nghĩa đã giúp Hồ Chí Minh nâng những yêu cầu có tính nhân bản lên tầm
cao đó là tính nhân văn thực thụ. Tính nhân văn ở đây không còn bị giới hạn
trong khuôn khổ giải quyết vấn đề vị trí của con người, tách con người khỏi kiếp
ngựa trâu do chế độ nô lệ kìm kẹp, làm cho bị tha hóa, mà là giải quyết vấn đề
xây dựng vị thế con người trong xã hội mới.
Tư tưởng của
Người lúc này không chỉ là xóa bỏ tình trạng tha hóa, đưa con người về đúng vị
trí của mình mà là phát huy mọi tiềm năng của con người để xây dựng một cuộc sống
mới.
Thực hiện tư
tưởng nhân văn tư bản chủ nghĩa ‒ tự do, bình đẳng, bác ái, từng bước thực hiện
lý tưởng nhân văn cộng sản chủ nghĩa, tiến tới một xã hội cộng đồng và hòa nhập,
ở đó con người không chỉ có điều kiện để phát huy mọi tiềm lực, tài năng xây dựng
xã hội mới, mà còn phát triển toàn diện, hài hòa chính bản thân con người với
tư cách là mục đích tối cao của con người. Đây là tính nhân văn cao nhất của
con người, của xã hội loài người trên phương diện lý thuyết.
Tư tưởng này ở
tầm cao hơn, sâu hơn còn bởi vì nó mở ra tính nhân văn vĩ đại của chủ nghĩa cộng
sản, về phương hướng thực hiện mục đích tối cao của con người: Con người là mục
đích của sự phát triển lịch sử, của mọi hoạt động của chính mình.
Thứ hai, giá
trị nhân văn Hồ Chí Minh mang tính khoa học, cách mạng và hiện thực sâu sắc.
Chủ nghĩa
nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn khoa học, hiện thực, cách mạng. Người
ta thường nói, Hồ Chí Minh là một nhà triết học hành động, cũng có thể nói nhà
nhân văn Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn hành động, hành động nhằm giải phóng
con người.
Tinh thần
nhân văn đặc sắc của Hồ Chí Minh thể hiện ở khát vọng biến tư tưởng thành hiện
thực trên cơ sở một sự hiểu biết chắc chắn các điều kiện hiện tại và quy luật
xã hội đặc thù của một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu. Cốt
lõi thế giới quan duy vật, phương pháp khoa học, nhân sinh quan cộng sản chủ
nghĩa được Hồ Chí Minh chuyển hóa thành một tổ hợp tư tưởng Marx ‒ Lenin ‒ Hồ
Chí Minh, rồi nó lại được thăng hoa, biến hóa thành một chất tư tưởng mới rất
riêng, ở đó hòa quyện chiều sâu lý luận với sinh khí cuộc sống.
Tiếp thu bản
chất cách mạng, tinh thần cải tạo thế giới của chủ nghĩa Marx ‒ Lenin, Hồ Chí
Minh thực hiện khát vọng cháy bỏng của mình là biến tất cả tình thương người,
tình yêu cuộc sống, khát vọng xây dựng tương lai thành hành động để đưa những
tư tưởng, lý tưởng, ước mơ đó thành hiện thực.
Để thực hiện
lý tưởng nhân văn "Không có gì quý hơn độc lập, tự do," Hồ Chí Minh
đã nghiên cứu bản chất thật sự của chủ nghĩa thực dân, phát hiện các mâu thuẫn
trong lòng nó, nắm bắt thấu đáo nhu cầu phát triển khách quan của xã hội Việt
Nam, xu thế vận động của thế giới, khảo cứu các cuộc cách mạng điển hình để vạch
ra con đường đi cho cách mạng Việt Nam: Con đường cách mạng vô sản, độc lập dân
tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ thực tiễn
xã hội Việt Nam, vận dụng sáng tạo phương pháp hành động biện chứng Marx, Hồ
Chí Minh đã luận chứng một cách khoa học mục tiêu phát triển con người chỉ có
thể đạt được thông qua thực hiện "ba cuộc giải phóng:" Giải phóng dân
tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Ba cuộc giải
phóng đó vùa kết hợp chặt chẽ với nhau, lại vừa nối tiếp nhau trong toàn bộ tiến
trình cách mạng Việt Nam. Sự kết hợp chặt chẽ được thể hiện ở chỗ trong giải
phóng dân tộc đã có một phần giải phóng giai cấp và giải phóng con người; sự nối
tiếp được thể hiện ở chỗ giải phóng dân tộc sẽ mở đường cho giải phóng giai cấp
và giải phóng con người được đẩy mạnh.
Xét về lý tưởng
nhân văn, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người Việt Nam trong giải phóng dân tộc
là cả cộng đồng dân tộc Việt Nam đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân để
giành độc lập dân tộc. Con người trong giải phóng giai cấp là các giai cấp cần
lao, trước hết là công ‒ nông, đấu tranh để xây dựng một chế độ xã hội chủ
nghĩa. Còn con người trong giải phóng con người là mỗi con người, với tính cách
là cá nhân, phải được giải phóng khỏi mọi sự áp bức, bất công, được tự do hạnh
phúc, được phát triển về mọi mặt, được làm chủ xã hội, làm chủ tự nhiên, làm chủ
bản thân mình; bằng cách đó tạo điều kiện cho con người thoát khỏi mọi sự tha
hóa để có thể trở về bản chất người tốt đẹp nhất.
Tính chất thực
tiễn cách mạng của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh quy tụ ở mục đích của sự nghiệp
cách mạng, sự nghiệp giải phóng là xây dựng một xã hội mới không còn áp bức,
bóc lột, bất công; một xã hội giàu mạnh, công bằng, văn minh; với những con người
mới có phẩm chất cao đẹp, có trình độ phát triển toàn diện. Những con người được
đào tạo, giác ngộ đó chính là động lực quyết định nhất của sự phát triển:
"Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội
chủ nghĩa."
Con người xã
hội chủ nghĩa là con người phát triển toàn diện, hoàn toàn đi đến không có chủ
nghĩa cá nhân, nghĩa là loại bỏ được mọi sự tha hóa dai dẳng nhất, nguy hại nhất
của chính bản thân con người.
Một xã hội đáp
ứng được các nhu cầu giải phóng con người, tạo cho con người phát triển toàn diện
chỉ có thể là chế độ xã hội chủ nghĩa. Lý tưởng nhân văn thực tiễn, đầy sinh
khí hiện thực được Hồ Chí Minh biến thành mục tiêu cách mạng xây dựng xã hội mới
xã hội chủ nghĩa. Với sức mạnh khoa học của chủ nghĩa Marx ‒ Lenin, với niềm
tin sắt đá tới tương lai và có ý chí quyết tâm của người cộng sản, Hồ Chí Minh
đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên những chiến công hiển hách.
Tư tưởng nhân
văn Hồ Chí Minh thấm sâu trong đường lối của Đảng, là ngọn cờ chiến đấu của
toàn dân tộc, hướng dẫn nhân dân ta thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám chấn
động địa cầu và Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử. Đó là chiến thắng của sức mạnh
con người Việt Nam, chiến thắng của văn hóa Việt Nam mà cốt lõi là tư tưởng
nhân văn với sức sống bất tận của nó.
Sau khi đất
nước được giải phóng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ thì nhiệm vụ tiếp
theo của dân tộc ta là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đó là lô-gíc tất yếu
của lý thuyết phát triển theo hướng nhân văn, bởi lẽ, chủ nghĩa xã hội là xã hội
phù hợp với bản chất con người, là xã hội tốt đẹp nhất; về phương diện lịch sử
tiến hóa văn minh vật chất, chủ nghĩa xã hội là sự phủ định biện chứng các hình
thái xã hội đã từng tồn tại trước đó, tận dụng các thành quả đã có để có thể thỏa
mãn đến mức tối đa các nhu cầu thiết yếu mang tính "trần thế" của con
người, nghĩa là trả lại cho con người những giá trị vật chất mà chính nó đã
sáng tạo ra.
Sản phẩm do
con người tạo ra phải thuộc về bản thân con người. Chân lý đơn giản đó người ta
đã nghĩ đến từ thời cổ đại, nhưng phải mất một quãng đường rất dài, nhân loại mới
xác lập các tiền đề vật chất hiện thực cho sự sinh thành, phát triển một xã hội
như vậy. Về phương diện văn hóa, chủ nghĩa xã hội là kết quả đấu tranh không ngừng
của con người theo hướng tiến về phía Chân-Thiện-Mỹ; nó là một trình độ phát
triển cao của văn hóa, văn minh; văn hóa hiểu theo nghĩa là trình độ người, bản
chất người của toàn bộ hệ thống các quan hệ xã hội. Trên cả hai bình diện đã
nêu, không có chế độ xã hội nào tốt đẹp hơn chủ nghĩa xã hội!
Chủ nghĩa xã
hội do Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân xây dựng không phải là một thứ chủ nghĩa
xã hội cục bộ, cực đoan, hẹp hòi, vị kỷ của một giai cấp, một đảng phái. Mục
tiêu và phương thức tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Hồ Chí Minh cũng
không chỉ là chuyên chính, phá bỏ, cũng không phải là chủ nghĩa mơ hồ, không tưởng
như nhiều người, nhiều đảng đương thời trên thế giới quan niệm. Ngay cả đối với
giai cấp tư sản dân tộc, Hồ Chí Minh cũng có thái độ rất rõ ràng, coi họ cũng
là một lực lượng cần có trong xây dựng chế độ xã hội mới.
Người khẳng định:
"Không nên coi giai cấp tư sản dân tộc là đối tượng của cách mạng xã hội
chủ nghĩa, bởi họ đã đi cùng với giai cấp công nhân trong cách mạng dân tộc dân
chủ. Nên coi họ là đồng minh, cải tạo họ thành người lao động và khi cải tạo
nên dùng các phương pháp dân chủ, không phải chuyên chính với họ."
Chủ nghĩa xã
hội trong quan niệm của Hồ Chí Minh là chủ nghĩa xã hội hiện thực, cụ thể, nó
phải được xây dựng trên mảnh đất của một quốc gia gắn liền với đặc điểm lịch sử,
truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc. Chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh xây dựng
ở Việt Nam là một xây dựng mới công bằng, nhân đạo, tốt đẹp, nhằm mục tiêu cụ
thể là dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh, con người hạnh phúc.
Sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội do Hồ Chí Minh lãnh đạo thực sự là một cuộc cách mạng giải
phóng, phát triển mọi tiềm năng dân tộc và tiềm năng xã hội, cụ thể là giải
phóng và phát triển con người. Đó là một sự nghiệp của chính con người vì bản
thân con người để đạt tới cả hai loại giá trị: Độc lập dân tộc và cuộc sống ấm
no.
Theo Hồ Chí
Minh, con người không chỉ được giải phóng về mặt xã hội mà điều chủ yếu và cuối
cùng là giải phóng, phát triển toàn bộ bản chất, bản tính tốt đẹp của mình. Bản
chất sâu xa lớn lao trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là tất cả cuối cùng đều
vì sự phát triển con người Việt Nam.
Xóa bỏ tha
hóa, trả lại cho con người Việt Nam phẩm chất, phẩm giá làm người, giải phóng
toàn bộ tiềm năng thể chất, trí tuệ, tài năng sáng tạo của con người Việt Nam;
tạo mọi điều kiện cho con người Việt Nam phát triển toàn diện, hài hòa: Đức-Trí-Thể-Mỹ,
vươn tới sự hoàn thiện nhân cách.
Với tinh thần
đó, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thanh thiếu niên, tương lai của đất nước,
mùa xuân của nhân loại. Người cho rằng "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời
sau là một việc rất quan trọng, rất cần thiết." Đảng, Chính phủ phải chăm
lo giáo dục các cháu về thể dục, đạo đức, trí dục, làm sao phát triển hết toàn
bộ năng lực sẵn có của các cháu để họ thật sự xứng đáng là người thừa kế xây dựng
chủ nghĩa vừa "hồng", vừa "chuyên."
Thứ ba, giá
trị nhân văn Hồ Chí Minh mang bản chất giai cấp công nhân, thống nhất trong đó
tính giai cấp công nhân với tính dân tộc và tính quốc tế.
Trong chủ
nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, lòng nhân ái giữ vị trí hàng đầu, song nó không bó
hẹp lòng thương người ở tình nghĩa đồng bào, những "người trong một nước
phải thương nhau cùng," mà mở rộng đến khắp năm châu bốn biển. Người luôn
coi con người và cuộc sống ở bất cứ nơi đâu đều là giá trị cuối cùng và cao nhất
phải đấu tranh giành được.
Khác với chủ
nghĩa nhân văn tư bản chủ nghĩa cực đoan chỉ đề cao chủ nghĩa cá nhân mà không
hề đả động đến con người lao động, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh đề xướng việc
giải phóng hoàn toàn con người, mà trước hết là chủ yếu là giải phóng con người
lao động bị áp bức bóc lột, thủ tiêu mọi gông xiềng, nô lệ, bất công, đem lại độc
lập, tự do, hạnh phúc, cơm no, áo ấm cho các dân tộc và mỗi con người. Tính
giai cấp công nhân gắn liền với tính dân tộc, tính quốc tế và tính thời đại là
một đặc trưng nổi bật nhất của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh.
Qua hàng trăm
bài báo của Hồ Chí Minh với nhiều bút danh khác nhau, qua Tuyên ngôn và Hiệu
triệu của các tổ chức Liên hợp thuộc địa, Quốc tế nông dân... mà Hồ Chí Minh là
một trong những người sáng lập hoặc lãnh đạo, người ta thấy nổi lên cuộc sống
đau khổ, đói, khát của những người phụ nữ Tây Phi, của người phu khuôn vác ở
các bến cảng ở Rufisco, Dakar, Brazil..., của người công nhân đầu tiên ở
Algeria, Tunisia, Maroc, Syria, Lebanon..., của những người nông dân, kẻ hành
khất ở Guinea, Dahomey, Martinique...
Tư tưởng nhân
văn Hồ Chí Minh bao giờ cũng gắn liền hạnh phúc của những con người bị áp bức,
bị đọa đầy thuộc các dân tộc bị thống trị và lệ thuộc ở thuộc địa với độc lập
dân tộc, với tự do, giai cấp được giải phóng. Vì thế, theo Hồ Chí Minh:
"Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai
cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách
mạng thế giới."
Muốn giải
phóng con người trước hết phải giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Quan
điểm này nhất quán và thấu suốt trong suốt cả cuộc đời hoạt động của Hồ Chí
Minh: "Người có lòng nhân đạo là người lạc quan, có một lòng thương cao cả
đối với nhân loại, đối với nhân dân, đồng chí bè bạn của mình. Người ta không
thể nói gì đến lạc quan hay tự trọng nếu người ta không có chút thương yêu đối
với Tổ quốc, đối với nhân dân của mình. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu này thật
trong sáng và sâu rộng."
Lòng thương
yêu con người gắn chặt với tình yêu Tổ quốc và dân tộc đã thúc giục Hồ Chí Minh
ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau ngày trở thành Chủ tịch nước, mặc dầu bận
trăm công nghìn việc, người cũng rất quan tâm đến cuộc sống của nhân dân, đặc
biệt đối với nhân dân miền Nam đang chịu nhiều đau khổ do đế quốc Mỹ và ngụy
quyền gây nên. Người nói, "miền Nam luôn ở trong trái tim tôi." Ngay
cả trước lúc "đi xa", Hồ Chí Minh còn nhớ "để lại muôn vàn tình
thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên
và nhi đồng."
Khi đi thăm bất
cứ nước nào, Người đều dành thời gian tiếp xúc với nhân dân lao động. Đối với
các cháu thiếu niên, nhi đồng, Hồ Chí Minh không chỉ là "Bác Hồ" của
nhân dân, của thiếu nhi Việt Nam, mà còn của cả nhân dân, thiếu nhi nhiều nước
trên thế giới. Chính lòng nhân ái, tư tưởng nhân văn của Người là một yếu tố đã
chinh phục được nhân dân thế giới.
Ở chủ nghĩa
nhân văn Hồ Chí Minh, không có tình yêu thương con người chung chung, mà chỉ có
tình thương yêu dành cho người bị áp bức, nghèo khổ ở bất cứ nước nào. Người đã
phân biệt bạn thù rõ rệt, phân biệt nhân dân Pháp, Mỹ với những bọn thực dân đế
quốc là người Pháp, Mỹ ‒ những kẻ chủ mưu xâm lược, nuôi mộng thôn tính các dân
tộc nhỏ yếu và đẩy nhân dân nước họ đến chỗ chết chóc. Vì vậy, Hồ Chí Minh bao
giờ cũng độ lượng khoan dung với những người lầm đường lạc lối đi đánh thuê cho
bọn thực dân đế quốc.
Với ý nghĩa đó,
tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là tư tưởng của những người nghèo khổ trên thế giới;
tình yêu thương con người đã biến thành tình yêu thương đồng loại vẫn trên tinh
thần tiêu chí: người bị áp bức, bóc lột. Như vậy, trong phạm vi đất nước Việt
Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu tình cảm và khát vọng giải phóng của Hồ Chí
Minh đều hướng về quần chúng lao động, những bộ phận đông đảo nhất, động lực chủ
đạo nhất của mọi sự biến đổi lịch sử. Điều đó chứng tỏ tình thương người ở Hồ
Chí Minh không mang tính thần bí, phi giai cấp mà bao giờ cũng có nội hàm xã hội
‒ giai cấp.
Tình yêu
thương dân tộc trong Hồ Chí Minh đã quyện chặt với tình yêu thương nhân loại bị
bóc lột, đọa đầy, áp bức. Đó là lý do vì sao tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được
ca tụng, được noi theo và dần dần trở thành tư tưởng của thời đại. Nó không chỉ
có tác dụng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do mà còn phát huy ảnh hưởng
trong công cuộc xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ sau khi các dân tộc đã thoát
được ách đô hộ của thực dân.
Chủ nghĩa nhân
văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa.
Tính chất xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa của tư tưởng nhân văn Hồ Chí
Minh thể hiện cả trong bản chất xã hội, cả trong mục đích, nhiệm vụ và chức
năng mà nó thực hiện trong đời sống xã hội của con người.
Ngoài tính chất
triệt để, phạm vi bao quát rộng, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh hướng tới giải
phóng cả loài người. Điều này cho thấy tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh chỉ là một
giai đoạn trong dòng chảy liền mạch của tư tưởng nhân văn loài người, nhưng nó
đã đạt đến đỉnh cao và có thể thay thế cho các hình thái nhân văn chủ nghĩa đã
từng tồn tại trước đó.
Vì thế, tư tưởng
nhân văn Hồ Chí Minh là cội nguồn sức mạnh của nhân loại, là nhân tố xích lại gần
nhau giữa các quốc gia, phấn đấu hình thành nên một "thế giới đại đồng"
cộng sản chủ nghĩa, trong đó con người thuộc mọi dân tộc được tôn trọng, đối xử
bình đẳng với nhau như những con người.
Với bản chất
và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền
tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người
và giá trị làm người chân chính. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh
quốc tế hiện nay…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét