Đảng ta đã ra nhiều quy định nhằm “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, song việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói riêng vẫn chưa được thực thi đúng quy định, khách quan và công tâm. Hậu quả là trong bộ máy xuất hiện những “cán bộ nhúng”, “cán bộ lướt”, “cán bộ gọi dạ bảo vâng”, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, vi phạm kỷ luật, pháp luật... Đây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa có thể gây ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các mức độ khác nhau.
Thực
tế lâu nay, công tác cán bộ vốn thuộc thẩm quyền của các cấp ủy Đảng, nhưng đã
bị người có chức quyền lợi dụng, nhằm mang lại quyền lợi cho cá nhân. Hiện tượng
bổ nhiệm thần tốc cán bộ là vợ, con, anh em, đồng môn vào những vị trí quyền lực…
khiến nhiều cán bộ, công chức dù giỏi, dù tài, dù kiên trì phấn đấu nhưng vẫn
không được đảm nhận cương vị xứng đáng. Hiện tượng này có ở không ít cơ quan,
đơn vị, địa phương. Đơn cử như trường hợp Trần Vũ Quỳnh Anh thần tốc được bổ
nhiệm lãnh đạo một phòng ở Sở Xây dựng Thanh Hóa, được quy hoạch Phó Giám đốc Sở,
khi chưa đủ điều kiện.
Trước
đó, Dương Chí Dũng “ngồi ghế” Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines dù trình độ
quản lý yếu kém; Trịnh Xuân Thanh đã phạm nhiều khuyết điểm khi còn là Chủ tịch
Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, song sau đó vẫn
tiếp tục thăng tiến.
Sau
các vụ đại án, nhìn vào quan lộ của các bị cáo một thời “thét ra lửa” và nổi tiếng
làm ăn thua lỗ với hàng lô khuyết điểm như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh thì
dư luận đặt câu hỏi, tại sao những đối tượng ấy lại được bổ nhiệm, luân chuyển,
cất nhắc vào vị trí cán bộ lãnh đạo cấp cao và còn được khen thưởng những danh
hiệu cao quý...? Phải chăng, trong công tác cán bộ có sự “chạy” rất kín kẽ và
trở thành tệ nạn. Phải chăng đây có lẽ là nguồn cơn hình thành, nuôi dưỡng một
loại cán bộ cơ hội, chỉ lo “đầu tư” xây dựng các “quan hệ” để “chạy” khi cần?
Qua
những sự việc nổi cộm có thể thấy, một số cán bộ lãnh đạo lạm quyền, dùng vị
trí công tác vẽ ra những con người với các phẩm chất ưu tú, nhằm “bịt mắt” tổ
chức.
Nói
một cách khác, họ đã tìm mọi cách “hậu thuẫn” cho những kẻ “mua quan, bán tước”
một cách tinh vi. Hậu quả là, dù công cuộc chống tham nhũng được đẩy mạnh thực
hiện từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn có nhiều cán bộ bị kỷ luật. Ví dụ,
chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 182 tổ chức Đảng, 7.056 đảng viên bị kỷ
luật. Ban Tổ chức Trung ương đã đề xuất không xem xét 251 lượt cán bộ diện
Trung ương quản lý chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; phát hiện 50 trường hợp
có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm chức danh có liên quan.
Để
ngăn chặn lạm quyền, đồng thời chấn chỉnh, kiểm soát quyền lực trong công tác
cán bộ và chống chạy chức chạy quyền, ngày 11-7-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy
định số 114-QĐ/TƯ về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực trong công tác cán bộ.
Một
trong những nội dung đáng chú ý nhất của Quy định số 114-QĐ/TƯ là việc chỉ ra
các biểu hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, đó là: Lồng ghép ý đồ cá nhân khi
thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi
cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ…; khi nhận đơn, thư phản
ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác
cán bộ nhưng thỏa hiệp, lúng túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền… Quy định
số 114-QĐ/TƯ cũng cấm thực hiện một số hành vi: Chạy tuổi, thâm niên công tác,
danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử,
chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ
tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.
Tăng
cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác
cán bộ, Quy định số 114-QĐ/TƯ cũng nhấn mạnh đến việc không được bố trí người
có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, bao gồm:
Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể
lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong
cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ,
thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư,
tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án và Viện Kiểm sát ở Trung ương
hoặc cùng cấp ở một địa phương...
Để
Quy định số 114-QĐ/TƯ đi vào thực tiễn, có kết quả tích cực, vấn đề tiên quyết
là người đứng đầu cấp ủy cần gương mẫu, trung thực, công tâm trong công tác cán
bộ. Cần tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo mà mình là
thành viên khi xem xét nhân sự là người có quan hệ gia đình với mình. Tuyệt đối
tránh đánh giá cán bộ phiến diện, một chiều và cảm tính, vun vén cho người
thân, người quen mà bỏ qua những cán bộ có năng lực.
Khi
đề bạt bổ nhiệm cán bộ, người chủ trì cần phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác,
trung thực đến cấp có thẩm quyền những nội dung có liên quan đến nhân sự; thể
hiện rõ chính kiến và chịu trách nhiệm trong đề xuất, nhận xét, đánh giá, xác
nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền được
phân công theo dõi, quản lý.
Cấp
ủy các cấp cần kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, thực hiện công tác cán bộ ở
các cấp chặt chẽ, nhất là đối với các cơ quan tham mưu, cơ quan cấp dưới và cán
bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh
hành vi vi phạm; nắm bắt tình hình, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp
thời xem xét, giải quyết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cán bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét