Từ khi Đảng Cộng
sản Việt Nam ra đời năm 1930, đã có không ít quan điểm sai trái, thù địch chống
phá Đảng, xuyên tạc, phủ nhận con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân Việt Nam
đã lựa chọn trong hơn 90 năm qua.
Họ cho rằng, Đảng
Cộng sản Việt Nam đưa dân tộc Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH)
không khác gì “đẩy dân tộc vào “thiên đường mù”, “bến bờ ảo vọng” (?!). Luận điệu
xuyên tạc này đã bị phủ nhận hoàn toàn bởi thực tiễn công cuộc đổi mới và những
thành quả ban đầu của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội
chủ nghĩa (XHCN).
Trong diễn
văn kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2020), Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thực tiễn phong phú, sinh
động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn
và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng
Việt Nam”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa
khẳng định: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi
của cách mạng Việt Nam”(1).
Thực tế cho
thấy, từ khi thành lập đến nay, với đường lối đúng đắn và bản lĩnh của một Đảng
cách mạng chân chính, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện
thành công cách mạng giải phóng dân tộc và tiến hành công cuộc xây dựng, bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày càng đạt được những kết quả to lớn, có ý
nghĩa lịch sử.
Mặc dù vậy,
cho đến nay, vẫn có những con người được sinh ra, được hưởng thành quả của sự
nghiệp cách mạng ấy đã phủ nhận, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và phủ
nhận thành quả cách mạng của nhân dân ta. Họ cho rằng, nếu không đi theo con đường XHCN thì
dân tộc Việt Nam đã không chậm phát triển, không có tham nhũng; rằng, nếu đi
theo con đường tư bản chủ nghĩa, đất nước sẽ phát triển nhanh, xã hội sẽ tiến bộ
và công bằng...(?!).
Thực chất, những
luận điệu nêu trên, hoặc là quan điểm sai trái, thù địch, phản động; hoặc là
không đủ khả năng nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử nhân loại.
Đến nay, Việt
Nam chưa phải là quốc gia phát triển, nhưng nếu tính từ năm 1945 thì nền độc lập
của dân tộc Việt Nam mới được 78 năm và nếu tính từ năm 1975 thì dân tộc Việt
Nam mới chấm dứt chiến tranh được 48 năm. Với từng ấy thời gian cho việc xây dựng
và kiến thiết đất nước thì còn quá ngắn so với chế độ tư bản đã có hơn 500 năm
kiến tạo.
Tuy nhiên, điều
căn bản là, ngày nay, chế độ tư bản chủ nghĩa không phải là chế độ mà ở đó con
người được giải phóng và phát triển thực sự; chế độ mà ở đó “một bộ phận rất nhỏ,
thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất,
kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại
chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội”, do đó “Sự rêu rao bình đẳng
về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các
quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất”(2).
Trong khi đó,
với thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam ngày
càng được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. “Nhờ thực hiện đường lối đổi
mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối
cao trong những năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy
mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở
thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng
17 lần, lên mức 3.512USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ
năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những
đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và
nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới”(3).
Cách mạng là
sự nghiệp khó khăn, lâu dài, gian khổ, vì cách mạng là thay chế độ xã hội cũ bằng
xã hội mới. Lịch sử cho thấy, chiếm hữu nô lệ chỉ tan rã sau 400 năm từ khi xuất
hiện mầm mống của chế độ phong kiến trong lòng nó. Giai cấp tư sản lật đổ chế độ
phong kiến để xác lập địa vị thống trị của mình phải mất gần 300 năm, bắt đầu từ
cách mạng tư sản Hà Lan (thế kỷ 16), đến tận khi vua Louis XVI lên đoạn đầu đài
ở Pháp vào thế kỷ 18 thì chủ nghĩa phong kiến ở châu Âu về đại thể mới chấm dứt
sự thống trị. Thậm chí, tàn dư của chế độ phong kiến còn tồn tại cho đến ngày
nay ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đúng như Đảng ta khẳng định: “Theo quy luật tiến
hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”(4). Với ý nghĩa
đó, “Chủ nghĩa cộng sản là hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của
tương lai sắp tới”(5).
Do vậy, độc lập
dân tộc và CNXH là mục tiêu cơ bản và lâu dài của cách mạng Việt Nam,
bảo đảm cho dân tộc ta đi đến tương lai phồn vinh, hạnh phúc.
(1) Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2021, t.1, tr.26
(2)(3) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý
luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2022, tr.20-21, tr.31
(4) Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, tr. 69
(5) C.Mác
và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật,
H.2000, t.42, tr.183
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét