Giáo dục và đào tạo là một
trong những yếu tố quyết định đến tiến trình phát triển lâu dài của đất nước,
nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu cùng sự bùng nổ của cuộc cách mạng công
nghiệp 4.0. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới còn thiếu hệ thống,
chưa ổn định. Nội dung, chương trình nặng lý thuyết, nhẹ về thực hành, chất lượng,
hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao. Vẫn còn các vụ bê bối trong thi cử,
trong quan hệ của giáo viên, bạo lực học đường. Đặc biệt mới đây một số trang mạng
xã hội Facebook và Youtube của trang t.b… gần đây có các video clip mang tiêu đề
như: “Giáo dục XHCN: Quan ăn cỗ, dân ăn hôi. Dân muốn có chữ phải nhừ thân!”,
hoặc “Thấy Tây khen rồi tự sướng…”; còn trang TTV… Điểm chung của các video
clip trên có nội dung như sau: Một là phủ nhận hoàn toàn sạch trơn những thành
tựu đạt được của nền giáo dục Việt Nam; hai là khoét sâu vào một số biểu hiện
đơn lẻ còn tồn tại của nền giáo dục rồi quy đó là bản chất của nền giáo dục Việt
Nam; ba là bịa đặt, xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực giáo dục, rồi tiếp đến bôi nhọ nền
giáo dục XHCN, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tế chứng minh Việt
Nam vốn là dân tộc coi trọng truyền thống giáo dục, trọng văn hơn trọng võ, từ
lâu, ông cha ta rất quan tâm đến sự học và truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào
tư tưởng, nếp sống của các tầng lớp nhân dân. Trong lịch sử dân tộc, nhiều triều
đại rất quan tâm đến sự học, cũng như chăm lo đến công tác giáo dục, đào tạo,
phát triển, trọng dụng nhân tài.
Dù vậy, trong bối cảnh lịch
sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, trải qua những năm tháng sống dưới chế độ
thực dân nửa phong kiến, bị áp dụng chính sách “chia để trị, ngu để trị”, dân tộc
ta bị lâm vào cảnh nhiều người mù chữ. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân
chủ cộng hòa năm 1945, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền còn
non trẻ đó là diệt “giặc dốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan niệm “một dân tộc
dốt là một dân tộc yếu”, cùng khát khao cháy bỏng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn,
ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được
hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” đã
phát động phong trào Bình dân học vụ để diệt giặc dốt và lan tỏa khắp các thôn
làng, ngõ hẻm. Suốt 78 năm qua, kể từ phong trào Bình dân học vụ đến phong trào
xóa mù chữ và phong trào xã hội học tập ngày nay là những bước tiến quan trọng
của nền giáo dục Việt Nam.
Giáo dục là nền tảng của
sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc; giáo dục
vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Nhận thức sâu sắc được
vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục, nên ngay khi giành được độc lập,
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục,
coi đây là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để xây dựng và phát triển
đất nước. Những năm qua, đặc biệt là sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới
toàn diện đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước,
cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nền giáo dục nước
ta đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng. Chất lượng giáo dục, đào tạo
từng bước được nâng lên, hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được hoàn thiện, mạng
lưới cơ sở giáo dục, đào tạo từng bước được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học,
ngành học. Nước ta không chỉ hoàn thành mục tiêu đưa hầu hết trẻ em đúng độ tuổi
đến trường học tập, mà đến nay đã cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở ở
khắp các địa phương trong cả nước. Mục tiêu, nội dung, chương trình, phương
pháp giáo dục và đào tạo được đổi mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng
vào phát triển con người toàn diện cả năng lực và phẩm chất, tạo ra nguồn nhân
lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm gần đây, nước
ta có nhiều học sinh tham gia thi và đạt nhiều giải cao tại các kỳ thi Olympic
quốc tế: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học. Năm 2022, 100% học sinh Việt
Nam dự thi Olympic quốc tế đều đoạt giải, gồm 13 huy chương Vàng, 12 huy chương
Bạc, 8 huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích). Việt Nam nằm trong
top 10 nước đạt kết quả cao nhất tại các kỳ thi này với nhiều học sinh đạt điểm
cao. Đó là những thành tích được cả thế giới ghi nhận, là kết quả từ sự quan
tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của thầy cô, gia đình và xã hội đối với giáo dục…
Trước tình hình trên, để chủ động đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ
đoạn lợi dụng lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo chống phá Đảng, Nhà nước của các thế
lực thù địch. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đưa vào nội
dung giảng dạy những tri thức cơ bản giúp học sinh, sinh viên nhận thức rõ con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội và góp phần đấu tranh với các quan điểm sai trái.
Thứ hai, xây dựng nền
giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, học đi đôi với
hành, coi phát triển Giáo dục và Đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực,
bồi dưỡng nhân tài; cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với thực tiễn,
quy luật khách quan, với tiến bộ khoa học - công nghệ; hội nhập quốc tế theo
tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, gắn với giữ vững định hướng xã hội
chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.
Thứ ba, bảo đảm công tác
quản lý lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo hướng dân chủ, thống nhất. Tăng quyền
tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt
công tác giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội. Công tác kiểm
tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp phải bảo đảm dân chủ, công khai,
minh bạch. Giải quyết dứt điểm, nhanh gọn, không để lan rộng những vấn đề phức
tạp trong cơ sở giáo dục, không để các thế lực thù địch có cơ hội lợi dụng vào
tuyên truyền phá hoại tư tưởng, lôi kéo, tập hợp lực lượng đối lập.
Thứ tư, đổi mới, toàn diện
từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các
cơ sở giáo dục và đào tạo. Quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành
tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của
thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm sai trái, lệch lạc.
Thứ năm, nâng cao nhận thức
về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo, cán
bộ quản lý giáo dục. Cấp ủy trong các cơ sở Giáo dục và Đào tạo phải thực sự đi
đầu đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân
dân về việc tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Lãnh
đạo nhà trường phát huy dân chủ dựa vào đội ngũ giáo viên, viên chức và học
sinh; phát huy vai trò dựa vào các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương để
xây dựng nhà trường thực sự trong sạch, vững mạnh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét