Lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam là hoạt động
lỗi thời, không phù hợp với xu thế phát triển của nền chính trị thế giới trong
thời đại hiện nay. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề
tự do tôn giáo để chống phá Việt Nam. Tại một số nước, vẫn còn có các nhóm người
công khai lợi dụng vấn đề tôn giáo, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của
Việt Nam…
Buổi “Hội luận Ngày Quốc tế tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành
vì tôn giáo hay niềm tin” (22/8) do cái gọi “Ủy ban Cứu trợ người vượt biển -
BPSOS” tổ chức và được Đài RFA cùng một số trang mạng xã hội của các tổ chức phản
động lưu vong ra sức khuyếch trương, có thể xem là một ví dụ. Nhiều tài liệu từ
buổi “Hội luận…” này được RFA và một số trang mạng xã hội phát tán có nội dung
thông tin xuyên tạc tình hình tôn giáo tại Việt Nam, vu cáo Việt Nam “đàn áp”
các “nhóm tôn giáo độc lập”, “vi phạm tự do tôn giáo”…
Chúng ta chẳng lạ thực chất của buổi “Hội luận…” này không
nhằm mục đích nào khác là tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân thù địch xuyên tạc,
bịa đặt, vu cáo về tự do tôn giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có
Việt Nam. Những thông tin, tài liệu từ buổi “Hội luận…” mà RFA cùng một số
trang mạng xã hội phát tán về tự do tôn giáo ở Việt Nam là hồ đồ, vô căn cứ và
trắng trợn xuyên tạc sự thật. Thực tế đời sống tôn giáo ở Việt Nam đã bác bỏ
hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc phát đi từ buổi “Hội luận…”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như trong việc quản
lý xã hội, điều hành đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến tôn
giáo và có chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn và phù hợp với từng giai đoạn
của cách mạng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng
hoà đã có những chính sách tôn giáo đúng đắn. Trong phiên họp đầu tiên của
Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp
bách cần giải quyết, trong đó có việc thực hiện “tín ngưỡng tự do, Lương - Giáo
đoàn kết”.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là
nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền
tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết
lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến,
phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành động vi phạm tự do tín
ngưỡng; đồng thời nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại
độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm
nghĩa vụ công dân”
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt
Nam một lần nữa khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín
ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn
hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc,
tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh
hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công
nhận, đúng quy định của pháp luật…”.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản
Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt
các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó
khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết
toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn
kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”.
Trong Hiến pháp và các văn bản luật của Việt Nam, quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân luôn được ghi nhận. Hiến pháp năm 2013 tiếp
tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn
trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 (Chương II) của Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi
người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo
nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn
giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đặc biệt, sự ra
đời của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 đã chứng tỏ Nhà nước Việt Nam rất
quan tâm và quyết tâm phấn đấu đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của người dân.
Các tôn giáo ở Việt Nam, đều bình đẳng trước pháp luật,
không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Mọi người dân
Việt Nam hoàn toàn tự nguyện, tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng,
tôn giáo nào, không bị ép buộc, cấm đoán. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của
nhân dân luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo. Ở Việt Nam ngày càng
có thêm nhiều tổ chức tôn giáo được công nhận và hoạt động. Số lượng các tín đồ
tôn giáo tăng nhanh. Các cơ sở thờ tự liên tục được xây dựng, mở mang, tạo điều
kiện cho sinh hoạt tôn giáo. Hoạt động in ấn, phát hành kinh sách được xuất bản
tự do theo nhu cầu của các tôn giáo… Có thể khẳng định, đời sống tôn giáo ở Việt
Nam chưa bao giờ phong phú, sôi động như hiện nay. Các tổ chức nhân quyền và
tôn giáo quốc tế đã nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận
những tiến bộ của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền
tự do tôn giáo.
Cần khẳng định rằng, tại Việt Nam không bao giờ có chuyện
“đàn áp tôn giáo”, “vi phạm tự do tôn giáo”… Các cá nhân, “nhóm tôn giáo độc lập”…
mà một số tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam cho là bị “đàn áp” vì thực hiện
quyền tự do tôn giáo, thực chất đó là những trường hợp đã lợi dụng, đội lốt tôn
giáo để hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Những hành vi đó đã vi phạm pháp
luật Việt Nam và đương nhiên phải bị xử lý theo pháp luật. Đó là việc làm hoàn
toàn chính đáng, hợp pháp nhằm bảo vệ an ninh trật tự, giữ nghiêm kỷ cương phép
nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, trong đó có giáo dân.
Đi đôi với tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo của công dân, pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi
lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã
hội, ngăn cản các tín đồ thực hiện nghĩa vụ công dân; đấu tranh và xử lý nghiêm
đối với mọi hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của
quốc gia, dân tộc và nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Chủ động
phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc…”.
Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Nhà nước Việt Nam không
cho phép bất kỳ tôn giáo nào được đứng ngoài luật pháp, đứng ngoài dân tộc, đứng
trên lợi ích quốc gia. Một yêu cầu khách quan đặt ra trong đời sống tôn giáo ở
Việt Nam là dù nội sinh hay ngoại sinh, các tôn giáo muốn phát triển đều phải
hòa đồng với dòng chảy văn hóa của dân tộc và phải chịu sự quản lý của Nhà nước.
Khi xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, một
trong những yêu cầu cơ bản mà Nhà nước Việt Nam đặt ra là: Trong sáng vô tư,
không có sự phân biệt hay đối xử thiên vị giữa các tôn giáo. Mục tiêu trong thực
hiện chính sách tôn giáo của Việt Nam là đoàn kết dân tộc, phát huy lòng yêu nước,
trách nhiệm của đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo đối với sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Nhân dân Việt Nam hiểu quá rõ những âm mưu và hoạt động của
các cá nhân, tổ chức thù địch nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật
đổ chế độ chính trị tại Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ đó, họ thường lợi dụng những
vấn đề nhạy cảm, phức tạp, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn
giáo. Bằng mọi cách, họ tiến hành các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ,
bóp méo sự thật nhằm làm giảm sút uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và
trên thế giới, tạo cớ hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam… Những
âm mưu, thủ đoạn, hoạt động lợi dụng tự do tôn giáo để chống phá Việt Nam dù có
thâm độc, tinh vi, nham hiểm đến đâu chăng nữa cũng nhất định sẽ bị dư luận
trong nước vạch trần và dư luận quốc tế lên án./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét