Thời
gian qua, đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, lợi dụng lòng
yêu nước nhưng nhận thức còn mơ hồ của một bộ phận người dân, một số đối tượng
xấu đã lên mạng xã hội kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân xuống đường, biểu
tình. Chưa dừng lại ở đó, những phần tử cơ hội chính trị, bất đồng chính kiến
còn đưa ra cái gọi là “thông điệp mạnh mẽ của người dân lên án thái độ ươn hèn
và phản ứng nhu nhược của Đảng, Nhà nước trước hành động ngang ngược vi phạm chủ
quyền Việt Nam của Bắc Kinh”(!).
Thực
ra không phải bây giờ, mà những năm gần đây, lợi dụng vấn đề bảo vệ chủ quyền
biển, đảo, bảo vệ môi trường, các thế lực phản động, cơ hội chính trị đã kích động
một bộ phận người dân xuống đường biểu tình, tuần hành mà thực chất là nhằm gây
rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại cuộc sống bình yên của
nhân dân. Tháng 5-2014, lợi dụng việc Trung Quốc hạ giàn khoan dầu Hải Dương
981 xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, các phần tử xấu đã xúi giục, lôi kéo,
kích động người dân, công nhân xuống đường đi tuần hành, biểu tình trái pháp luật.
Một số người dân quá khích xông vào đập phá tài sản của một số doanh nghiệp tại
tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, gây thiệt hại về kinh tế.
Trước
hết phải khẳng định rằng, việc Trung Quốc mới đây đưa tàu thuyền vào bãi Tư
Chính thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam là trái với
luật pháp quốc tế.
Trước
những vấn đề hệ trọng của đất nước, việc người dân bày tỏ quan điểm, thể hiện
lòng yêu nước là rất đáng trân trọng. Chỉ đáng tiếc, trong khi đa số người dân
đã thể hiện thái độ bình tĩnh, đúng mực, vẫn còn một số người do thiếu thông
tin hoặc bị xúi giục, lôi kéo, kích động nên đã bị cuốn theo “tâm lý đám đông”
tiêu cực, rồi bày tỏ lòng yêu nước thái quá, không phù hợp với lợi ích quốc gia
dân tộc.
Lòng
yêu nước của nhân dân ta, như Bác Hồ từng khẳng định “đó là một truyền thống
quý báu của ta”. Nhưng truyền thống quý báu đó chỉ thực sự phát huy tác dụng
khi mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ; không có
bất cứ thái độ, cử chỉ, hành vi nào làm tổn thương đến hình ảnh đất nước,
phương hại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Người dân có lòng yêu nước
chân chính không thể đi tuần hành rầm rộ gây cản trở giao thông, xông vào đập
phá trụ sở chính quyền, ném gạch đá vào lực lượng công an đang thực thi nhiệm vụ,
dọa “đốt” công ty… như từng xảy ra ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương phía
Nam trong tháng 6-2018.
Để
lòng yêu nước chân chính của nhân dân không bị lợi dụng, các cấp ủy, chính quyền
cần làm tốt hơn nữa công tác dân vận, tăng cường biểu dương, khen thưởng, nhân
rộng gương người tốt, việc tốt; đồng thời, chú trọng nắm bắt dư luận xã hội để
kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của dân. Hiện nay, trình độ
dân trí ngày càng tăng, nhu cầu của các tầng lớp nhân dân cũng ngày càng cao và
đa dạng. Sự bùng nổ thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội đã ảnh hưởng
sâu sắc đến quan niệm, lối sống, ứng xử… của các thành phần trong xã hội, nhất
là giới trẻ. Điều này đặt ra yêu cầu, trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ cấp ủy,
chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở phải chủ động, tăng cường gặp gỡ, đối
thoại, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân để thu hẹp những khoảng cách bất đồng,
tháo gỡ mâu thuẫn, tìm biện pháp giải quyết và bảo đảm lợi ích tối ưu cho người
dân.
Quan
điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta đối với bảo vệ chủ quyền biển,
đảo Việt Nam là phải đấu tranh kiên trì, kiên quyết đối với các hành vi xâm phạm,
giải quyết vấn đề bằng các biện pháp ngoại giao hòa bình, không dùng vũ lực hay
đe dọa vũ lực làm phức tạp tình hình trên Biển Đông. Chính sách ngoại giao này
của Việt Nam được nhiều học giả, chuyên gia nghiên cứu quốc tế nhận định, đánh
giá là “khôn ngoan, thông minh”, phù hợp với xu thế ngoại giao hòa bình, hữu
nghị trên thế giới. Đảng, Nhà nước ta cũng mong muốn mọi người dân tin tưởng
vào chủ trương, chính sách ngoại giao đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với các
nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc.
Tình
yêu nước không phải là điều gì đó quá cao siêu, mà đôi khi bắt đầu bằng suy
nghĩ giản dị là hiểu những gì mình đang có, những quyền lợi mình đang được thụ
hưởng và cố gắng làm tốt công việc của mình; đồng thời, làm tròn bổn phận,
nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. Ở chiều sâu hơn, đó là sự cảm
thông, chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà đất nước đang phải gồng mình
vượt qua và luôn tự nhắc nhở mình cần phải làm gì để chung tay góp sức với cộng
đồng, nỗ lực vượt lên những thử thách ấy.
Tình
yêu nước của mỗi người chỉ thật sự có giá trị khi biết khơi nguồn, lan truyền cảm
hứng tình cảm thân thương của mình cho người khác và cộng đồng. Yêu nước vừa là
“cái chung” của mọi người, vừa là “cái riêng” của mỗi con người. Và tình yêu nước
chân chính chỉ thể hiện đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ khi “cái tôi” yêu nước của
mỗi người luôn biết bắt nhịp, hòa chung với “cái tôi” yêu nước của cộng đồng, của
mọi người trong xã hội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét