Pages - Menu

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

H1 - Luận điệu trắng trợn xuyên tạc Hiến pháp Việt Nam

 THQ-H1

Phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc Hiến pháp Việt Nam là một thủ đoạn tuy không mới nhưng hết sức nguy hiểm của các thế lực thù địch. Trên trang “Thongluan-rdp. org’, với bút danh Lê Mạnh Tường đăng bài “Đảng cộng sản Việt Nam hãy chấm dứt thực thi bản Hiến pháp 2013!”. Trong bài viết, Y cho rằng:“Bản Hiến pháp đang có ở Việt Nam chủ trương chuyên chính vô sản; là độc tài toàn trị cộng sản; có nghĩa là các quyền tự do phải bị hạn chế ở mức tối thiểu nhứt và thậm chí một số quyền còn bị cấm chỉ”. Đây là một luận điệu xuyên tạc trắng trợn, ngang nhiên chống phá Đảng, Nhà nước và Hiến pháp Việt Nam.

Thứ nhất, Lê Mạnh Tường cần hiểu rằng, Hiến pháp Việt Nam là văn kiện chính trị – pháp lý đặc biệt quan trọng, là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam; nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội và chủ quyền quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013, được kế thừa và phát triển từ các bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 2013, được xây dựng trên cơ sở cách tiếp cận quyền con người; đã đề cập toàn diện các quyền con người và cách thức tổ chức bộ máy bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Trước khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua, đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi toàn dân, bằng nhiều hình thức phong phú, cả ở trong nước và ở nước ngoài và được sự đồng thuận cao, nhất là về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Tại Điều 3 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Hiến pháp năm 2013 đã dành toàn bộ Chương II (từ Điều 14 đến Điều 49) nói về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Như vậy, bên cạnh việc ghi nhận quyền rộng rãi hơn, đầy đủ hơn so với các Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ quyền con người.

Trong khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 xác định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây là điều khoản được hiến định trong Hiến pháp, nhằm giải quyết sự cân bằng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của người khác và của xã hội; xét cho cùng giới hạn quyền cũng là cách thức bảo vệ quyền con người. Những nội dung quy định này đã tương thích với quy định của luật pháp quốc tế và các bản hiến pháp tiến bộ trên thế giới về nguyên tắc hạn chế quyền, như: Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966.

Thứ hai, thực tế hiện nay, trên thế giới hầu hết các quốc gia đều có quy định về nguyên tắc giới hạn quyền bằng một điều khoản cụ thể, đơn cử như: Hiến pháp của Cộng hòa Nam Phi năm 1996 – bản Hiến pháp tiến bộ trên thế giới với những tuyên ngôn nhân quyền mạnh mẽ, hay Hiến pháp Nga năm 1993…

Ở Việt Nam, việc giới hạn quyền bằng luật là cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, đã góp phần bổ sung cho hệ thống cơ chế bảo vệ quyền con người tại Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 đã lồng ghép cả hai cách thức về giới hạn quyền là: Nguyên tắc chung về giới hạn quyền con người, quyền công dân và quy định một số giới hạn đối với một số quyền cụ thể. Về cơ bản, các quy định về giới hạn quyền trong Hiến pháp năm 2013 phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Theo đó, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, song trong Cương lĩnh, các văn kiện của Đảng, cũng như Hiến pháp đều xác định rõ: Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, lợi ích chung của dân tộc. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân và quay trở lại phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân. Đảng, các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình và yêu cầu nhân dân, báo chí giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên.

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013 và trong hệ thống pháp luật mới được ban hành và sửa đổi. Khẳng định rõ các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội. Thực tế Hiến pháp năm 2013 đã được Nhân dân Việt Nam xây dựng, đang được thực thi và bảo vệ rất tốt.

Như vậy, luận điệu của Lê Mạnh Tường là sự bịa đặt, xuyên tạc vô căn cứ, thể hiện rõ bản chất phản động, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, Hiến pháp Việt Nam năm 2013. Do đó, mỗi người dân Việt Nam cần luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện rõ bản chất và mục đích đen tối của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh, bác bỏ, đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét