Trả lời phỏng vấn nhà
báo nước ngoài ngày 21-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một ham
muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta
được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Chăm lo đời sống nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là làm cho nhân dân
được thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội tiến bộ và công
bằng, với hành lang pháp lý đầy đủ và ngày càng hoàn thiện, để nhân dân thực sự
là người chủ trong xã hội mới và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật chất và
tinh thần.
Khi
đất nước vừa giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm
thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người cùng Chính phủ xác định những nhiệm
vụ cấp bách cần tập trung giải quyết, trong đó chống nạn đói, nạn dốt và xóa
các tệ nạn xã hội; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện quyền tự do, dân
chủ,... là những nội dung, biện pháp và bước đi quan trọng để từng bước chăm lo
đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban
Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người chỉ rõ phải thực hiện ngay 4 điều: Làm cho
dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành.
Khi miền Bắc bước vào
thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương của tiền tuyến lớn miền
Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người khẳng định, chăm lo đời
sống, hạnh phúc của nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước ta hướng tới. Người cho rằng: “Nói
một cách đơn giản và dễ hiểu là: Chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”.
Theo
Hồ Chí Minh, để chăm lo tốt cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân,
trước hết phải xây dựng nhà nước thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân,
vì nhân dân. Chính phủ phải là công bộc của dân. Công việc của Chính phủ phải
nhằm một mục đích duy nhất là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho
nhân dân. Người nói: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom
đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét
là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân
ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi”. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên
xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân, phải đặt quyền
lợi của nhân dân lên trên hết. Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng
và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, bệnh tật thì chính
sách dù có hay mấy cũng không thực hiện được. Người chỉ rõ trách nhiệm của
Đảng, Chính phủ là bảo đảm tự do, hạnh phúc cho nhân dân, bởi “Nếu nước nhà độc
lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Do đó, “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải
hết sức tránh”.
Trong bản Di chúc lịch
sử, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và
văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Cùng với đó, Nhà
nước và các cấp chính quyền phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải
tạo và giúp “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ
bạc, buôn lậu... trở nên những người lao động lương thiện”; miễn thuế nông
nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất…
Những điều Người dặn, những quyết sách mà Người cùng Đảng và Chính phủ nỗ lực
thực hiện đã góp phần chăm lo đời sống nhân dân, thể hiện chiều sâu tư tưởng
nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa./.
ĐHQ - H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét