Thời gian qua, các thế lực thù địch, đối tượng phản động lưu vong và phần
tử cơ hội chính trị trong nước… triệt để lợi dụng internet và các trang mạng xã
hội để tán phát các tin, bài, hình ảnh, video clip có nội dung chống phá Đảng,
Nhà nước bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm hiểm nhằm thu hút sự quan
tâm của cộng đồng mạng. Chính
vì vậy, mỗi chúng ta cần nhận diện những luận điệu xuyên tạc là vấn đề then
chốt giúp chủ động, đấu tranh kịp thời với các quan điểm sai trái, thù địch
phát tán trên không gian mạng.
Hiện nay, nền tảng công nghệ 4.0 đang
phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, với đặc thù là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi
chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn, internet tác động một cách trực tiếp, làm
thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân. Bên cạnh những thuận lợi và thời
cơ của internet, mạng xã hội, chúng ta còn phải đối mặt với những khó khăn và
thách thức mới đối với an ninh quốc gia. Đây là mảnh đất màu mỡ để các thế lực
thù địch, các đối tượng xấu thường xuyên lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước.
Có thể nhận thấy, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực địch, chống đối
tập trung chủ yếu ở một số khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, chúng dùng phần mềm photoshop để
nhào nặn ra những video, hình ảnh, bài phát biểu, bài viết và dàn dựng thành
các nội dung nhằm mục đích xuyên tạc, bóp méo tình hình trong nước tạo ra tâm
lý nghi ngờ trong quần chúng nhân dân. Từ đó, chúng mong muốn làm suy giảm niềm
tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Thứ hai, chúng lợi dụng những hạn chế, bất
cập trong công tác cán bộ để xuyên tạc, chống phá, cho rằng những vấn đề đó là
do hệ quả của chế độ mang lại. Nắm bắt việc dư luận đang hết sức quan tâm đến
những vấn đề chống tham nhũng của Đảng ta trong thời gian qua, để xoáy sâu vào
những bức xúc của cộng đồng mạng, chúng tung ra những bài viết mang tính suy
diễn, phiến diện, quy chụp mọi sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong các lĩnh vực
của đời sống xã hội cho đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Những luận
điệu hàm hồ, vô căn cứ đó đã tác động, ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, lòng tin của
một bộ phận quần chúng nhân dân vào đường lối của Đảng ta.
Thứ ba, chúng sử dụng chiêu bài “dân tộc,
tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” để chống phá. Manh danh nghĩa “đấu tranh cho dân
chủ, nhân quyền” trên không gian mạng, các đối tượng tán phát rất nhiều bài
viết, tài liệu có nội dung xuyên tạc, vu cáo chính quyền ta vi phạm nhân quyền,
tự do tôn giáo. Chúng kích động, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
mua chuộc, móc nối, lôi kéo một số đối tượng là người có uy tín đối với đồng
bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo nhằm tạo dựng “ngọn cờ” để tập hợp lực
lượng chống đối trong nước do chúng hậu thuẫn, nhằm gây bất ổn chính trị, tiến
tới ly khai, tự trị.
Thứ tư, chúng triệt để lợi dụng những vấn
đề phức tạp, nhạy cảm, những vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích thiết thực của người
dân để tiến hành những cuộc phỏng vấn, những phóng sự với kịch bản đã được dàn
dựng từ trước và phát tán trên các báo điện tử, mạng xã hội, blog cá nhân. Các
phóng sự được chúng thực hiện bằng cách Live stream trực tiếp trên trang mạng
xã hội facebook để thu hút lượt xem của cộng đồng mạng, từ đó kêu gọi cộng đồng
mạng can thiệp vào nội bộ hoặc chia sẻ, bình luận thiếu tích cực trên mạng xã
hội.
Thứ năm, chúng kích động vào sự hiếu kì,
tò mò của cộng đồng mạng bằng cách đưa ra những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ,
khi mà báo chí chính thống trong nước chưa kịp thời đưa tin. Lợi dụng điều này,
chúng thể hiện những chiến dịch truyền thông trên mạng Internet, xã hội với
những tiêu đề giật gân, nhằm tăng lượt xem, lượt bình luận về những vấn đề được
xã hội đang quan tâm như vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham
nhũng, tiêu cực dưới các hình thức như: thông tin sự việc, đặt câu hỏi mở để
độc giả đọc suy ngẫm như: Ai bao che cho “Vũ Nhôm”, “Út Trọc”; Ai bảo kê cho
“Phan Văn Vĩnh”, “Nguyễn Thanh Hóa” …. với những thông tin thật giả lẫn lộn,
đánh trực diện vào sự hiếu kỳ, tò mò của cộng đồng mạng, làm cho họ muốn truy
cập vào các trang Facebook, Blog và trang báo điện tử phản động, gây tâm lý
hoang mang, nửa tin, nửa ngờ.
Như chúng ta đã biết, mọi người đều
được phép truy cập Internet để thực hành và hưởng các quyền tự do ngôn luận,
tuy nhiên không có nghĩa là tự do tuyệt đối, không phải cá nhân nào thích viết
gì, phát ngôn gì, muốn xâm phạm đến cá nhân, tổ chức nào trên Internet và mạng
xã hội cũng được. Mọi hành vi cổ xúy cho các luận điệu xuyên tạc, chống phá
Đảng sẽ được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy là
những người sử dụng mạng Internet, mạng xã hội thông thái, không được mơ hồ,
mất cảnh giác mà phải nhận thức rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối
tượng xấu; tỉnh táo trước những thông tin sai trái, bịa đặt để kịp thời phát
hiện và loại bỏ, không tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền thông tin trên không gian
mạng, kiên quyết không nghe theo kẻ xấu lôi kéo, kích động xúi giục thực hiện
những hành vi chống phá, gây rối, mất an ninh trật tự tại địa phương./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét