Pages - Menu

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

H4 - PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC BẢN CHẤT GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÀ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

 


Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch phản động tăng cường chống phá trên mặt trận tư tưởng, lý luận, trong đó có sự xuyên tạc, phủ nhận bản chất giai cấp công nhân (GCCN) và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam. Chúng cho rằng, đội ngũ đảng viên ĐCS Việt Nam chủ yếu là nông dân và trí thức, còn GCCN chiếm số lượng rất nhỏ bé nên Đảng có rất ít tính công nhân, mà mang đậm dấu ấn của tiểu tư sản. Hơn nữa, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã làm cho Đảng biến chất, không còn mang bản chất GCCN. Vì vậy, GCCN và ĐCS Việt Nam không thể lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam. Vậy, sự thật có đúng như các quan điểm trên không?

Trước hết, phải khẳng định rằng, ngay khi khoa học chưa thực sự phát triển thì trí thức đã đóng vai trò quan trọng trong mọi chế độ; và hiện nay, trong điều kiện khoa học đang ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì trí thức đóng vai trò càng quan trọng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, để từ đó tuyệt đối hóa vai trò của trí thức, hạ thấp sứ mệnh lịch sử của GCCN là hoàn toàn sai lầm. Bởi cả lý luận lẫn thực tiễn đều cho thấy, GCCN Việt Nam vừa có đặc điểm đặc thù của dân tộc, chủ yếu xuất thân từ nông dân, chịu áp bức bóc lột của chế độ thực dân và phong kiến; vừa có đầy đủ đặc điểm của GCCN quốc tế, nên đủ khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua đội tiền phong của mình là ĐCS Việt Nam. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có người nói: GCCN Việt Nam số người còn ít, không lãnh đạo được cách mạng. Nói vậy không đúng. Lãnh đạo được hay là không, là do đặc tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều ít của giai cấp”[1]. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam với những thành tựu hết sức to lớn đã khẳng định rõ bản chất GCCN cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù đa số những người lãnh đạo là trí thức, nhưng họ đang thực hiện công việc đó theo hệ tư tưởng và đường lối chính trị của ĐCS. Lãnh đạo ở đây với tư cách là ý thức hệ chứ không phải thông qua những con người thừa hành cụ thể. Lãnh đạo bao giờ cũng thuộc về một giai cấp nhất định và chính đảng của nó, được bắt nguồn từ địa vị chính trị, kinh tế - xã hội của giai cấp quyết định. Vì vậy, không có chuyện ĐCS Việt Nam mang bản chất của trí thức và trí thức thay thế GCCN lãnh đạo cách mạng.

Thứ hai, hiện nay, có một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số đảng viên, cán bộ chủ chốt, cấp cao thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có biểu hiện bất mãn, mất lòng tin, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước; vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu và xa dân… Đây là thực tế đau lòng, đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Đảng cũng thừa nhận rằng, đó là một nguy cơ lớn, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ. Điều này là trái với bản chất GCCN của Đảng.

Tuy nhiên, việc một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm thì tự họ đã tự đánh mất bản chất GCCN của đảng viên, có ảnh hưởng nhất định đối với Đảng. Nhưng cũng không vì thế mà quy kết Đảng đánh mất bản chất GCCN, không xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Bởi khi họ không còn xứng đáng với tư cách người đảng viên thì sẽ bị đào thải. Thực tế trong những nhiệm kỳ gần đây, ĐCS Việt Nam mà người đứng đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó, những cán bộ, đảng viên vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng tội, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, được nhân dân và dư luận xã hội đánh giá cao.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, kinh tế thức, kinh tế số; cùng với đó là sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên…. Nhưng Đảng ta vẫn kiên định và vận dụng sáng tạo CN Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả quan trọng. Đại đa số cán bộ, đảng viên phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong học tập, công tác, lao động sản xuất, là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc.

Bởi vậy, từ những vấn đề lý luận và thực tiễn trên có thể khẳng định, bản chất GCCN của Đảng vẫn được giữ vững và tăng cường, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng CNXH tiếp tục được khẳng định và cũng cố.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8. tr.257.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét