Để hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả
lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được
lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm, triển khai thực
hiện nghiêm túc, hiệu quả. Cùng với xây dựng, phát huy ưu điểm, Hồ Chí Minh và
Đảng cũng chỉ ra những căn bệnh cần được phòng tránh, sửa chữa, khắc phục kịp
thời, nghiêm túc, trong đó có căn bệnh lười biếng trong Đảng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bệnh
lười biếng trong Đảng có biểu hiện: “Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì
cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho
mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn”.
Người cũng chỉ ra và phê phán tình trạng cán bộ, đảng viên lười biếng, dùng những
thủ đoạn không trong sáng để mưu lợi cá nhân. Tháng 5-1957, phát biểu với cán bộ,
đảng viên và thanh niên lao động thành phố Hải Phòng, Hồ Chí Minh cho rằng: “Bất
kỳ ở địa vị nào nếu lười biếng, nếu dùng cách không chính đáng để kiếm tiền như
bọn đầu cơ tích trữ thì đều không vẻ vang”.
Để chữa trị bệnh lười biếng, Hồ
Chí Minh đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc tích cực, chịu
khó học tập, rèn luyện. Người căn dặn cán bộ, đảng viên của Đảng “phải vì Đảng,
vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học,
kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi,
đời sống nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui”. Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở
cán bộ, đảng viên của Đảng muốn học tập, rèn luyện có kết quả thiết thực thì cần
phải coi đó là nhiệm vụ quan trọng mà tự giác thực hiện thành công: “Phải tự
nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách
mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học
tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn
nào trong việc học tập”.
Lười tiếp
xúc với nhân dân, lười học hỏi nhân dân gây ra nhiều tác hại cho công tác lãnh
đạo, chỉ đạo cách mạng, vì vậy, Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên phải khắc
phục triệt để căn bệnh này. Ngày 03-3-1955, trên Báo Nhân dân đăng bài “Người
cán bộ cách mạng” của Hồ Chí Minh, trong đó Người viết: “Phải gần gũi nhân dân,
học tập nhân dân, vì gần gũi nhân dân sẽ cảm thông những khó khăn, gian khổ của
nhân dân, thấy rõ những gương anh hùng của nhân dân, giúp ta củng cố lập trường,
trau dồi tư tưởng”. Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ, đảng viên muốn được nhân dân
tin tưởng, yêu quí, làm theo thì dứt khoát phải tích cực, siêng năng, gương mẫu
trong mọi việc. Trong bài báo “Cán bộ và đời sống mới” đăng trên Báo Sự thật
ngày 02-9-1947, Người viết: “Cán bộ muốn cho xứng đáng phải làm được việc. Muốn
làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn được dân tin, dân
phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng
năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn
được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”.
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là
tấm gương sáng ngời về tinh thần hăng say học tập, rèn luyện, suốt đời cống hiến,
làm việc vì Đảng, vì dân. Đúng như trong Di chúc mà Người để lại cho chúng ta:
“Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân
dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ
tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Thực tế từ khi ra đời đến nay, Đảng
Cộng sản Việt Nam đã cùng với Nhà nước và nhân dân tích cực, kiên trì đấu tranh
với căn bệnh lười biếng. Đồng thời với chữa bệnh lười biếng là việc tích cực,
hăng hái làm việc, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác với nhiều chủ trương, biện pháp hiệu quả đã được triển khai thực hiện đem lại
kết quả thiết thực. Tiêu biểu như trong giai đoạn lịch sử 1954 - 1975, ở miền Bắc
xã hội chủ nghĩa đã diễn ra sâu rộng phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng
hai” vì miền Nam ruột thịt. Hay hiện nay là chủ trương, chính sách, biện pháp hỗ
trợ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để khắc phục sự bảo thủ,
trì trệ, né tránh, đùn đẩy, ngại khó, ngại khổ của một số cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành
tích, ưu điểm, tình trạng lười biếng vẫn xuất hiện trong không ít cán bộ, đảng
viên. Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra, ví dụ như trong những biểu hiện suy thoái về
tư tưởng chính trị, có: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý
luận và học tập lý luận chính trị, lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước”.
Để phòng, chống, khắc phục, sửa
chữa được bệnh lười biếng trong Đảng, đòi hỏi phải phát huy được sức mạnh tổng
hợp từ các chủ trương, chính sách, giải phảp tích cực với sự đồng hành, đồng
thuận của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trước hết phải làm tốt công tác
tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để tạo sự thống nhất về tư tưởng cũng như
hành động đối với mọi biểu hiện, tác hại của bệnh lười biếng và chủ động, kiên
quyết phòng, chống, sửa chữa, khắc phục. Lấy gương người tốt, việc tốt, cách
làm hay, tích cực, hăng hái, hiệu quả để nhân rộng trong cán bộ, đảng viên. Đảng,
chính quyền, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần có các quy định chặt
chẽ, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên và người dân rèn luyện,
phấn đấu vượt qua được bệnh lười biếng. Chú ý khen thưởng với xử phạt, bảo đảm
hài hòa trách nhiệm, lợi ích tinh thần và vật chất để khuyến khích, động viên sự
hăng hái rèn luyện, phấn đấu đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong công
việc của cán bộ, đảng viên. Duy trì và tăng cường chất lượng phong trào quần
chúng nhân dân tham gia xây dựng, đóng góp, giám sát… để góp phần chữa bệnh lười
cho cán bộ, đảng viên”. Nghị quyết Trung ương năm, khóa XIII của Đảng đã xác định:
“Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức cơ sở đảng, đảng viên với nhân
dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí
quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên”. Do
đó, nhân dân cần thẳng thắn, mạnh dạn, góp ý với cán bộ, đảng viên từ thực chất
công việc họ làm được cho dân, cho Đảng, từ việc họ thực hiện phương châm: “Dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thủ hưởng”.
Và quan trọng nhất, quyết định
nhất là bản thân từng cán bộ, đảng viên phải tự giác, nêu gương, thành thật
phòng, chống bệnh lười biếng từ chính bản thân mình và cố gắng phấn đấu thực hiện
tốt tinh thần “7 dám” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ tra trong xây dựng,
rèn luyện đội ngũ cán bộ: “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm;
dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì
lợi ích chung”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét