Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, các khái niệm cán bộ,
công chức, viên chức lần lượt ra đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gói gọn trong thuật ngữ “công bộc của dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng ngoài lợi ích của nhân dân
và của giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác và
chính bản thân Người là một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong của người cán bộ
trong vai trò “người công bộc”; là hình ảnh đẹp, vĩ đại để toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân noi theo. Trong hệ thống quan điểm của Người về công tác cán bộ, “vị
thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo đất nước là nội dung nổi bật; các phát
biểu, bài viết của Người đã nhiều lần nhấn mạnh chức vụ, quyền lực của mỗi cán
bộ lãnh đạo là do nhân dân tín nhiệm, ủy thác, cho nên, cùng với việc Đảng cầm
quyền, được giao đảm nhiệm các vị trí trọng yếu trong cơ quan Nhà nước, khi
thực thi các quyền lực đó, cán bộ lãnh đạo là những người đại diện cho nhân
dân, là “công bộc của dân”, chứ không phải “làm quan cách mạng, ăn
trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ
cao nhất đều là đày tớ của nhân dân”, điều này cũng có nghĩa,“tất cả các
cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và
ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ
đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân” và làm cán bộ chính là
“suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân”,...
Trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây
dựng đất nước, Người chỉ rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính
phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh
việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền
thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại
đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu
ta, kính ta”(8). Người tin tưởng và đề cao vai trò của đội ngũ cán
bộ lãnh đạo giữ trọng trách lèo lái đất nước; coi họ là người có trách nhiệm
chính định hình chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự
thống nhất, đoàn kết của nhân dân. Nhìn chung, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo
được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, “vị thế công bộc” của cán bộ lãnh đạo
biểu hiện ở lòng trung thành với Đảng, với nhân dân. Sau khi Nhà nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước của dân, do dân, vì dân được thành lập vào năm
1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi
ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính
quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”. Theo đó, vị
thế công bộc, đầy tớ của cán bộ bắt nguồn từ bản chất của chế độ dân chủ, cụ
thể: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng,
thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân,
chứ không phải là làm quan cách mạng”. Như vậy, nhân dân là chủ thể đích thực
của chế độ, người dân chỉ trao cho Đảng, Nhà nước quyền thực thi quyền lực lãnh
đạo, quản lý xã hội theo ý tưởng và lợi ích của dân. Do đó, đội ngũ cán bộ,
đảng viên phải là công bộc, là đầy tớ cho người đã giao quyền cho mình và có quyền
phế truất mình; nhân dân là ông chủ nắm chính quyền, bầu ra đại biểu thay mặt
mình thi hành chính quyền ấyvà nếu “Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi
Chính phủ”. Để giữ được “vị thế” trong lòng dân, Người căn dặn đội ngũ cán bộ
lãnh đạo, những đại biểu thay mặt nhân dân thi hành quyền lực nhà nước phải yêu
thương và trung thành tuyệt đối với Đảng và lợi ích dân tộc, không ngừng tạo
dựng niềm tin, sự ủng hộ từ nhân dân.
Thứ hai, “vị thế công bộc” của cán bộ lãnh đạo được thể hiện ở sự
tận tụy và trách nhiệm với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm
vụ của chính quyền và các đoàn thể là phụng sự nhân dân, là làm đầy tớ
cho dân. Tuy nhiên,từ “đầy tớ” ở đây không có nghĩa là “tôi tớ”, “tay
sai” mà là tinh thần tận tâm, tận lực phụng sự, mang lại lợi ích cho nhân dân.
Người yêu cầu: “Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò”, tức là
“việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải
hết sức tránh”; rằng “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân
rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Theo
đó, Người yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải ghi nhớ rằng họ đang phục vụ lợi ích của
nhân dân, đất nước với tinh thần “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang
bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Thực tế, sứ mệnh phụng sự nhân dân
chính là phụng sự chân lý lớn nhất, nên dù người cán bộ thực hiện vai trò gì,
công việc gì, nhưng có lòng tận tụy vì dân thì đều là điều cao quý; đồng thời,
cần xác định có làm tốt chức năng của “người lãnh đạo” mới có cơ sở làm tốt
chức năng của “người đầy tớ” và chỉ khi làm tốt chức năng “người đầy tớ” thì
mới có thể làm tốt chức năng “người lãnh đạo”. Thêm vào đó, người đầy tớ tận
tâm, tận lực với dân thì sẽ được dân tin yêu, ủng hộ và quyền lãnh đạo của
người làm lãnh đạo, cũng như “vị thế công bộc” được Đảng và nhân dân giao phó
sẽ được bảo đảm. Như vậy, “vị thế công bộc” của cán bộ lãnh đạo được thể hiện ở
việc luôn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, đó cũng là phương pháp, tiêu
chí đánh giá năng lực của chính người cán bộ lãnh đạo.
Thứ ba, cán bộ lãnh đạo cần giữ gìn chuẩn mực đạo đức cách mạng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những phẩm chất đạo đức của
cán bộ lãnh đạo, như “công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng,
có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm” là phẩm
chất căn cốt của người “đầy tớ” nhân dân. Để khẳng định “vị thế công bộc” của
mình, người cán bộ phải tuân theo những chuẩn mực nhất định, như “Phải thiết
thực quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải cần, kiệm, liêm, chính. Phải
gương mẫu. Phải có tinh thần trách nhiệm cao độ. Phải chống quan liêu, mệnh
lệnh, hình thức. Chống tham ô, lãng phí. Phải làm đúng những điều đó mới xứng
đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân”(18); mặt khác, luôn
sẵn sàng đi đầu trong công việc, nỗi lo của dân, nhưng thành quả, niềm vui đạt
được thì nhân dân phải được thụ hưởng trước; tránh biến quyền lực dân trao
thành quyền lực cá nhân.
Thứ tư,“vị thế công bộc” còn được biểu hiện ở những đức tính, như
cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và phong cách ứng xử văn hóa, nhân văn,
trọng nghĩa tình, nói đi đôi với làm, sống giản dị,... Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ
Chí Minh còn có một đặc điểm rất nổi bật là sự khiêm tốn, giản dị. Trong một
chế độ mà ngay cả vị Chủ tịch nước luôn coi mình là đầy tớ của dân và khiêm
tốn, dám nhận sai, không ngừng học tập, trau dồi để đáp ứng yêu cầu xây dựng
đất nước thì chế độ ấy đích thực là của dân, do dân làm chủ. Theo Người, đức
tính khiêm tốn, giản dị là một trong những đức tính quan trọng nhất của con
người, do đó người cán bộ lãnh đạo phải luôn lắng nghe, cập nhật kiến thức,
phục vụ nhân dân một cách tận tâm, tránh lối sống tự phụ, xa cách với cuộc sống
khó khăn, cực nhọc của người dân.
Ngoài ra, người cán bộ lãnh đạo phải có
tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mặt khác, cần
học hỏi và bàn bạc, giải thích với dân chúng về mọi việc, nhưng “tuyệt đối
không nên theo đuôi quần chúng”, dân chúng nói gì cũng làm theo, mà phải
có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần
chúng, vừa tránh “sợ sai”, “sợ khuyết điểm”; phải có tư duy độc lập, không bị
ảnh hưởng bởi mọi yếu tố ngoại lai; tuyệt đối tránh tư duy cá nhân, thái độ
kiêng kỵ, vừa tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận
quần chúng “chậm tiến”, vừa thực hiện tốt vai trò “cầm lái” của mình. Chủ tịch
Hồ Chí Minh cho rằng, chính tư tưởng bảo thủ, duy ý chí, không chịu đổi mới là
sợi dây cột chân cột tay người ta, kìm hãm sự tiến bộ, phát triển nên phải tháo
bỏ nó đi. Theo Người, muốn cán bộ công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến
lên, gặt hái được nhiều thành tựu năm sau to hơn năm trước thì nhất định phải
dám nghĩ, dám làm, có gan phụ trách; bởi “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan,
dễ bảo “đập đi, hò đứng” không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho
Đảng”. “Vị thế công bộc” của người lãnh đạo chính là ở ý chí kiên định và dám
làm, dám chịu trách nhiệm như vậy.
Thứ năm, duy trì tinh thầnluôn học hỏi, bồi dưỡng, cập nhật kiến
thức, kinh nghiệm và tự cải thiện bản thân để có năng lực đáp ứng công việc.
Thực tế, năng lực để “phục vụ nhân dân” được thể hiện qua
các yếu tố, như tri thức, kỹ năng, thái độ, hành vi,... Trong đó, Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn coi việc học hỏi, tự cải thiện là điều cần thiết cho người cán bộ
lãnh đạo, phải “học tập, học tập nữa, học tập mãi” để nâng cao trình độ và khả
năng lãnh đạo của mình. Người cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một đội
ngũ cán bộ lãnh đạo chất lượng, tận tụy, có đủ tri thức, khả năng thích nghi
với tình hình và giải quyết các vấn đề phức tạp - yếu tố quan trọng để bảo đảm
sự phát triển bền vững của dân tộc. Người xem xét vị thế công bộc của người cán
bộ lãnh đạo như một sứ mệnh lớn, phải đảm nhận trách nhiệm cao cả để thực hiện
mục tiêu của cuộc cách mạng và phục vụ cho lợi ích của nhân dân, đất nước.
Dựa trên quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí
Minh về “vị thế công bộc” của đội ngũ cán bộ và quá trình đúc kết kinh nghiệm
trong thực tiễn, đến nay, đã có nhiều chủ trương, chính sách được Đảng và Nhà
nước ban hành nhằm bảo đảm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
gắn với nâng cao năng lực, phẩm chất, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo,
công chức, như Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các
cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW,ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số
việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương”; Quy định số
08-QĐi/TW,ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu
gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí
thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, trong đó, đề cao tinh thần hết lòng,
hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tránh tình trạng độc đoán, chuyên
quyền, quan liêu, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; đặc
biệt, Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị, về “Khung tiêu
chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương,
Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” xác định rõ đội ngũ cán bộ, quản lý phải đáp
ứng đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất năng lực và đạo đức cách mạng. Đại hội XIII
của Đảng cũng nhấn mạnh, phải xây dựng “đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng
đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật,
dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám
đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín
cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.
VTK-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét