Trong thời gian qua, các thế lực phản
động, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị đã viết bài tán phát với những giọng
điệu xuyên tạc, bóp méo đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng của Việt Nam.
Chúng cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện
nay, các quốc gia luôn có mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau,
trong khi đó Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và
chính sách quốc phòng “4 không là “bảo thủ, lỗi thời”, “tự mình cô lập mình”,
“tự trói tay, chân mình”, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để tăng cường
sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Ngang nhiên, trắng trợn hơn, chúng còn
vu khống, quy chụp việc Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh là
khơi mào cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, là để chống lại một nước thứ ba.
Đặc biệt, các thế lực thù địch cho rằng, với chính sách quốc phòng hiện nay thì
Việt Nam không thể giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, sự thống nhất và toàn
vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do đó, chỉ có liên minh quân sự với các cường quốc
thì Việt Nam mới giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ được lợi ích quốc
gia-dân tộc.
Có thể thấy mục đích sự chống phá
quyết liệt của các thế lực thù địch là nhằm dẫn dắt, hướng lái Việt Nam tham
gia các liên minh quân sự, dần đi sâu vào quỹ đạo lệ thuộc bên ngoài, đánh mất
độc lập, tự chủ trong các hoạt động quân sự, quốc phòng, đối ngoại. Đồng thời,
kích động, gieo rắc tâm lý hoài nghi trong xã hội vào khả năng bảo vệ đất nước
của quốc phòng Việt Nam, tính đúng đắn của đường lối quân sự, quốc phòng, đối
ngoại của Đảng; từ đó gây chia rẽ, mâu thuẫn nội bộ, làm giảm sút lòng tin vào
sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực quân sự,
quốc phòng, đối ngoại; hoặc tham gia vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta. Soi rọi vào lý luận và thực tiễn đều cho thấy, những luận điệu
trên của các thế lực thù địch là hoàn toàn vô căn cứ, xuyên tạc trắng trợn
chính sách quốc phòng của nước ta:
Về lý luận: Quan điểm nhất quán, xuyên
suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự
chủ, tự lực, tự cường, “dựa vào sức mình là chính”, “đem sức ta mà giải phóng
cho ta”; kết hợp chặt chẽ sức mạnh nội lực của đất nước với sức mạnh quốc tế để
củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo
vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người,
Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định nhất quán quan điểm: “Chúng ta bảo vệ Tổ quốc
bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết hợp với
sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính
trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định”. Đồng thời: Kiên
trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thêm bạn, bớt
thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Tăng cường hợp tác, tạo thế đan xen lợi ích
chiến lược giữa nước ta với các nước, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến
lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực; tránh xung đột, đối đầu,
tránh bị cô lập, phụ thuộc.
Đại hội XIII của Đảng xác định rõ:
“Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị,
hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại...".
Đồng thời: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết
các tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”.
Về thực tiễn:
Trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực thi đúng đường lối đối ngoại và
chính sách quốc phòng đã đề ra, trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm
trong cộng đồng quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và
trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia (bao
gồm 190/193 nước thành viên LHQ); đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với
hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên Thường trực Hội
đồng Bảo an LHQ và tất cả các nước lớn trên nhiều lĩnh vực.
Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh
chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, quyết liệt hiện nay,
nếu dựa vào nước lớn này làm đồng minh, liên minh thì sẽ trở thành đối tượng
chiến lược, đối đầu với nước lớn khác. Vì vậy, Việt Nam kiên định chính sách “4
không”, thêm bạn, bớt thù; tăng đối tác, giảm đối tượng, xử lý hài hòa quan hệ
với các nước; thiết lập, củng cố quan hệ với tất cả các nước, nhất là các đối
tác chiến lược, hội nhập quốc tế sâu rộng, gia tăng sự đan xen lợi ích chung
với nhiều nước, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế; ngăn ngừa nguy cơ và đối
phó thắng lợi với mọi hình thức chiến tranh xâm lược là lựa chọn đúng đắn, phù
hợp nhất. Trong bất luận hoàn cảnh nào, Việt Nam cũng không chọn bên mà chọn lẽ
phải, chính nghĩa.
Như vậy, cả lý luận và thực tiễn, rõ
ràng là những minh chứng đầy đủ, khách quan, thuyết phục nhất, thể hiện rõ mong
muốn, thiện chí: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực,
có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam
mà không một thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận. Đồng thời cũng vạch trần
âm mưu đen tối của các thế lực thù địch đối với chính sách quốc phòng Việt
Nam./.
VVH - KBS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét