Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế đặc thù trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chưa có tiền lệ trong nền kinh tế thế giới. Việc xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để có mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế. Vì thế, việc nghiên cứu xác định rõ những luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng cần được chú trọng hơn; chống cả những quan điểm thù địch diễn ra thường xuyên và nhất là trong các thời điểm trước và sau những sự kiện quan trọng. Chúng ta cần tập trung một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần nhận thức không thể phủ nhận thành tựu xây dựng chủ
nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới. Đổi mới ở Việt Nam do Đảng khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu từ
Đại hội VI của Đảng (năm 1986) là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình
phát triển của đất nước. Đó là sự lựa chọn tất yếu nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi
cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Và sau 35 năm thực hiện công cuộc
đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử,
phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Nền kinh tế của
đất nước ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trở thành một
trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó đã tiếp tục
khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; khẳng định con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và
xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là
nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, cần nhận thức chủ nghĩa
xã hội và chủ nghĩa tư bản cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Thế giới hiện nay là thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc
tế; là cả một không gian mở, đan xen lợi ích, tùy thuộc lẫn nhau. Một khi khủng
hoảng kinh tế ở một khu vực hoặc một nước lớn sẽ kéo theo khủng hoảng toàn cầu.
Do đó, cùng với việc đổi mới nhận thức của toàn nhân loại, đặc biệt là của giới
lãnh đạo các nước về trách nhiệm chung đối với sự phát triển thế giới, những
nhân tố khách quan nêu trên vừa thúc đẩy, đòi hỏi, vừa tạo điều kiện cho việc
cùng tồn tại và hợp tác cùng phát triển đối với tất cả các nước.
Trong khi nhận thức rõ sự hợp tác giữa chủ nghĩa xã hội và
chủ nghĩa tư bản hiện nay là khá toàn diện, song không phải vì thế mà quên rằng
giữa hai chiều hướng phát triển này vẫn chứa đựng những mâu thuẫn vốn có. Các
thế lực hiếu chiến và thù địch chưa bao giờ từ bỏ dã tâm muốn xóa sổ chủ nghĩa
xã hội. “Diễn biến hòa bình” là một trong những chiến lược tổng thể của chủ
nghĩa đế quốc nhằm thực hiện mục tiêu đó. Đây là cuộc chiến không khói súng
nhưng thực sự là kế sách nham hiểm phá vỡ thành lũy của chủ nghĩa xã hội từ bên
trong. Tất cả những thủ đoạn mà các thế lực đế quốc, thù địch đã và đang sử
dụng đối với các nước xã hội chủ nghĩa, cũng như đối với giai cấp những người
lao động trên toàn thế giới cho thấy, cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay không
kém phần gay gắt, quyết liệt và phức tạp.
Bởi vậy, trong điều kiện mở cửa, hội nhập với thế giới, thu
hút vốn đầu tư, công nghệ và hợp tác, giao lưu với các nước tư bản, các nước xã
hội chủ nghĩa phải luôn kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng và giữ vững định
hướng xã hội chủ nghĩa, hợp tác cùng phát triển nhưng luôn cảnh giác và sẵn
sàng đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và mục tiêu, lý tưởng của mình.
Thứ ba, cần nhận thức, phê phán quan điểm cho rằng Việt Nam đang đi theo con đường
tư bản chủ nghĩa và trá hình chủ nghĩa xã hội. Đây là quan điểm hoàn
toàn sai trái. Bởi, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức ngày càng rõ hơn nội dung
bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. “Xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản
chủ nghĩa, tạo ra sự biến đổi về chất của xã hội trên tất cả các lĩnh vực là sự
nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài
với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá
độ”. Đây là bước tiến về nhận thức của Đảng khi xác định rõ nội dung bỏ qua chế
độ tư bản chủ nghĩa. Đồng thời, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức về chủ nghĩa
xã hội ngày càng rõ hơn.
Nhận thức được những vấn đề lý luận căn
bản đó sẽ giúp chúng ta hiểu một cách sâu sắc đường lối của Đảng về hoàn thiện kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, củng cố niềm tin đối với
quá trình đổi mới và con đường phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Mỗi cán
bộ, đảng viên cần chuyển hóa từ nhận thức vào hành động trong bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng để góp phần đấu tranh phản bác các quan diểm sai trái, thù
địch chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.
HDH-H2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét