Nói về nguyên nhân làm
nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trước hai đế quốc to trong thế kỷ
20, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: “Sẽ không tìm được câu trả lời cho câu
hỏi này nếu không nhìn sâu vào chiều dày lịch sử xa xưa, vào nền văn hóa dân
tộc, vào truyền thống và di sản quân sự của tổ tiên...”.[1]
Thật vậy! Nhìn suốt chiều
dài lịch sử chống ngoại xâm từ buổi đầu dựng nước đến nay, cội nguồn làm nên
chiến thắng của dân tộc ta chính là sức mạnh của nền văn hóa mà văn hóa quân sự
với truyền thống nhân văn, nhân đạo cao cả là một trong những giá trị cốt lõi,
cơ bản. Truyền thống ấy được thực hiện nhất quán, triệt để từ trên xuống dưới,
trong từng trận đánh đến toàn cuộc chiến, từ những nỗ lực bảo vệ hòa bình, ngăn
chặn chiến tranh đến cách đánh, cách thắng và tâm thế ứng xử với kẻ xâm lược
bại trận…
CHIẾN TRANH LUÔN LÀ SỰ
LỰA CHỌN SAU CÙNG
Là dân tộc yêu chuộng hòa
bình, Việt Nam luôn tìm mọi cách ngăn chặn, đẩy lùi, hóa giải các nguy cơ chiến
tranh, tránh cho đất nước phải lâm vào cảnh binh đao, bị tàn phá. Bởi thế, văn
hóa quân sự Việt Nam không chỉ là sức mạnh chiến đấu, mà trước hết là sức mạnh
của văn hóa yêu hòa bình, ưu tiên bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình, tiến
hành chiến tranh chỉ là giải pháp sau cùng, trong thế buộc phải đứng lên để
thực hiện quyền tự vệ chính đáng.
NGOẠI GIAO PHÒNG NGỪA -
TINH HOA VĂN HÓA GIỮ NƯỚC
Thuật ngữ ngoại giao
phòng ngừa (preventive diplomacy - PD) được Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Dag
Hammaskols sử dụng lần đầu tiên năm 1960. Với bản chất là ngăn ngừa xung đột,
tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao, phi cưỡng chế, phi quân sự, ngoại
giao phòng ngừa ngày càng chứng tỏ là một biện pháp hữu hiệu để củng cố nền hòa
bình lâu dài theo phương cách phù hợp với đặc trưng của từng nước và khu vực.
Đối với Việt Nam, ngay từ
khi đặt nền móng cho việc xây dựng quốc gia độc lập, ông cha ta đã sớm ý thức
được tầm quan trọng của ngoại giao trong việc ngăn chặn họa xâm lăng, bảo vệ
chủ quyền lãnh thổ và xây dựng nền hòa bình lâu dài cho đất nước.
Trong sách Lịch triều
Hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú đã đúc kết: “Trong việc trị
nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn”. Vì vậy, ở cạnh nước láng giềng
phương Bắc lớn mạnh hơn luôn coi mình là “Thiên triều”, coi nước khác là “phiên
thuộc”, để giữ cho “trong ấm, ngoài êm”, một chiến lược ngoại giao khôn khéo,
mềm dẻo được ông cha ta vận dụng xuyên suốt là “trong xưng đế, ngoài xưng
vương”. Đối với bên ngoài “xưng vương” để thể hiện trên danh nghĩa chịu “thần
phục” nhằm giữ hòa hiếu, tránh nguy cơ đối đầu binh đao, giữ yên bờ cõi, trong
nước thì xưng “Hoàng Đế” để quản trị đất nước, khẳng định ý chí độc lập, tự
tôn, tự cường.
Cùng với đó, trong đấu
tranh ngoại giao, ông cha ta luôn đề cao tính chính nghĩa của mình, như Nguyễn
Trãi đã đúc kết đấu tranh sao cho “hợp trời, thuận người” để “lấy yếu chống
mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, “lấy chí nhân thay
cường bạo”. Khi buộc phải đánh thì phương châm là đánh đuổi chứ không tận diệt.
Khi chiến thắng thì hành xử nhân đạo với kẻ xâm lược bại trận, mở vòng vây, thả
tù binh, cấp phương tiện, lương thảo cho quân địch rút về nước. Bởi mục tiêu
“vẹn đất”, “an ninh” đã đạt được, thì cần nghĩ đến nền hòa bình lâu dài, mà
“tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh; sửa hòa hiếu cho hai nước; tắt muôn đời chiến
tranh”[2]. Hay như nhà Tây Sơn sau khi thắng trận đã cử sứ giả sang làm hòa với
nhà Thanh, nói rõ mục đích tự vệ của mình. Nhờ đó mà nền độc lập được công
nhận, đòi lại được 7 châu xứ Hưng Hóa bị chiếm đóng trước đó.
Ông cha ta cũng khéo léo
kết hợp các biện pháp khác nhau như vừa đánh vừa đàm, chính sách đối ngoại kết
hợp đối nội… để tạo sức mạnh tổng hợp răn đe, ngăn chặn kẻ thù từ sớm, từ xa.
Sử sách còn ghi thời kỳ vua Lý Nhân Tông trị vì, trước mưu đồ mở rộng lãnh thổ
của nhà Tống, nhiều hình thức đấu tranh ngoại giao đã được áp dụng như: Bang
giao chính thức thông qua các sứ bộ, giao dịch buôn bán, trao đổi ở khu vực
biên giới, tổ chức các hoạt động định biên, thống nhất biên giới; chủ động cử
sứ giả sang cầu phong, xin kinh Đại tạng... Các chúa và vua nhà Nguyễn cũng có
cách làm hiệu quả nhằm khẳng định chủ quyền đất nước tránh sự nhòm ngó, lăm le
xâm chiếm của ngoại bang như cử các đội đi biển có tính nhà nước hằng năm khai
thác các tài nguyên sản vật trên biển và thực hiện quyền quản lý đối với hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khi còn là đảo hoang vô chủ.
Như vậy, ở mỗi thời kỳ
lịch sử, cùng với các biện pháp quân sự, chính sách ngoại giao giữ hòa hiếu
luôn được cha ông ta áp dụng một cách khéo léo, linh hoạt, phù hợp, trên cơ sở
một nguyên tắc bất biến là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đại Việt Sử ký
toàn thư còn ghi năm 1473, vua Lê Thánh Tông ra lời dụ cho vị quan đi sứ: “Một
thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết
tranh biện, chớ cho họ lấn dần… Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của
Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”.
CHÚNG TÔI KHÔNG MUỐN
CHIẾN TRANH
Kế thừa và phát triển
truyền thống ngoại giao của dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ
tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nỗ lực tìm mọi giải pháp, nhằm ngăn chặn chiến
tranh, cứu vãn hòa bình, độc lập cho đất nước. Ngay cả khi buộc phải lựa chọn
con đường đấu tranh cách mạng, thì thương lượng và đối thoại luôn là giải pháp
ưu tiên hàng đầu được Người lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn, xung đột.
Ngày
3-10-1945, trong Bản Thông cáo đầu tiên về chính sách đối ngoại của nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đối với các nước
đồng minh, Việt Nam mong muốn duy trì hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở
bình đẳng và tương trợ, để xây dựng nền hòa bình thế giới lâu dài".
"Đối với các nước
đồng minh, Việt Nam mong muốn duy trì hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở
bình đẳng và tương trợ, để xây dựng nền hòa bình thế giới lâu dài" - Chủ
tịch Hồ Chí Minh.
Trước
ngày toàn quốc kháng chiến, mặc dù đã ký với Chính phủ ta Hiệp định sơ bộ
(6-3-1946) và Tạm ước (14-9-1946), nhưng thực dân Pháp với dã tâm quay lại cướp
nước ta một lần nữa đã cố tình phá hoại không thi hành, có hững hành động khiêu
khích trắng trợn. Vì hòa bình, tránh đổ máu cho nhân dân hai nước, Chủ tịch Hồ
Chí Minh viết thư gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp: “Tôi thiết tha kêu gọi Quốc
hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến lợi quyền chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt,
hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1946, để cùng
Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân
thiện và lâu dài”. Trong Lời tuyên bố với phóng viên báo Paris - Sài Gòn, Người
cũng đưa ra thông điệp: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng
tôi không muốn chiến tranh... Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ
mọi cách... Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn
vùi hàng bao nhiêu sinh mạng”.
Theo TS Trần Thị Hợi,
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh: Từ tháng 9-1945 đến cuối năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt
Nam đã trên 30 lần bày tỏ quan điểm, lập trường hòa bình trong việc giải quyết
xung đột Việt - Pháp. Tiếp đó, từ tháng 1 đến tháng 5-1947, Việt Nam đã 20 lần
chính thức đề nghị chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng. Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã 14 lần gửi thư cho Tổng thống, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp đề nghị
chấm dứt chiến tranh, cứu vãn hòa bình...
Trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước, thông qua báo chí nước ngoài, Người nhiều lần tỏ rõ thiện
chí hòa bình hoặc viết thư, gửi điện cho nhà cầm quyền Mỹ đề nghị đàm phán. Hơn
một tuần trước khi qua đời, ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư trả
lời Tổng thống R. Nixon, vẫn tỏ rõ thiện chí hòa bình: Tôi vô cùng công phẫn
trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước
chúng tôi; tôi cũng rất xúc động thấy ngày càng nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích
ở Việt Nam vì chính sách của nhà cầm quyền Mỹ. Người chủ động đề nghị: Với
thiện chí của phía Ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng
chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam.
Người chủ trương nhân
nhượng, giữ thể diện cho nước lớn, sẵn sàng “trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ
rút”. Khi Mỹ không rút, thậm chí còn tăng cường chiến tranh thì phải đánh đuổi,
nhưng Người vẫn chỉ đạo “một tay đánh, một tay đàm, mở cửa cho nó ra”. Đúng như
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Người không bỏ qua một cơ hội nào dù
nhỏ đến mấy để tranh thủ khả năng hòa bình và phát triển cách mạng”[3].
Đáng tiếc! Tất cả những
thiện chí hòa bình đó đều bị người Pháp rồi người Mỹ khước từ. Tổng thống Pháp
Francois Mitterrand trong chuyến thăm Việt Nam tháng 2-1993 đã nói: Ông Hồ Chí
Minh đã tìm kiếm những người đối thoại nhưng không tìm được, dù rất mong muốn
đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh đã bị đẩy vào cuộc chiến tranh.
Nhân
dân Việt Nam với khát vọng hòa bình đã buộc phải chiến đấu với một động lực hết
sức to lớn “nằm trong sức mạnh huyền thoại của dòng giống người Việt, lòng yêu
nước và nhất là ý thức xã hội mà họ đã xây dựng được...” như chính Tổng Chỉ huy
quân Pháp ở Đông Dương H.Navarre đã cay đắng thừa nhận. Đó cũng phần nào giải
thích nguyên nhân sâu xa cho những thất bại của họ - bởi không hiểu được sức
mạnh của văn hóa quân sự, văn hóa giữ nước Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét