Pages - Menu

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO NHẬN THỨC CHỐNG THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN MẠNG INTERNET

(giữ trọn lời thề) - Hiện nay, an ninh không gian mạng, một thành tố của an ninh phi truyền thống là vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế. Thời gian qua, các thế lực phản động, cơ hội chính trị, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá nhằm thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình" (DBHB) thúc đẩy "Tự diễn biến", "Tự chuyển hóa" trong nội bộ chúng ta; trong đó Trường Sĩ quan Lục quân 1 là một Nhà trường đào tạo nhiều đối tượng, quân số đông, nhiều đối tượng được dùng điện thoại di động. Do vậy, an ninh mạng là một vấn đề được xác định là trọng điểm. 

Cũng như mọi cuộc chiến tranh khác, mục tiêu hàng đầu của chiến tranh thông tin thông qua không gian mạng chính là đánh vào ý thức hệ, vào tư tưởng, tình cảm của con người đối phương trước khi thực hiện các mục tiêu tiếp theo. Đất nước ta đã trải qua chặng đường 30 năm đổi mới với nhiều thành tựu đáng tự hào, được cả thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ. Là một quốc gia trên 90 triệu dân và trong thời kỳ “dân số vàng” thì không ngạc nhiên khi Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia mà Internet phát triển nhanh nhất thế giới (Với gần 40% dân số sử dụng Internet). Song chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mới, trong đó “DBHB” của các thế lực thù địch với phương thức tác chiến mới là triệt để lợi dụng ưu thế của không gian mạng để tấn công chúng ta mà trước hết và trên hết là lĩnh vực chính trị tư tưởng.
Để thực hiện mưu đồ đó, các thế lực thù địch thường sử dụng một số phương thức như: Thiết kế thông tin đa dạng, hấp dẫn, trong đó kết hợp cung cấp thông tin với nội dung có vẻ khách quan nhằm đánh lừa độc giả (đôi khi chiếm 90%) nhưng kèm theo đó là các thông tin xuyên tạc, phản động, chống đối (lượng thông tin này thường chiếm tỷ lệ nhỏ), song được thể hiện tinh vi bằng hình thức nêu chủ đề thăm dò ý kiến, nhận xét của cá nhân để lôi kéo, định hướng độc giả với các nội dung cần tuyên truyền. Nghệ thuật “cắt, dán” trên mạng được sử dụng tối đa. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội để viết bài, bài bình luận mang tính kích động, xuyên tạc quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta, đi đôi với lợi dụng cán bộ thoái hóa biến chất để nói xấu chế độ trên mạng.
Lợi dụng các tầng lớp thanh niên nhẹ dạ, để lôi kéo mua chuộc, đưa họ vào “thế giới ảo”; đưa lớp trẻ vào lối sống thực dụng, ảo tưởng; lợi dụng kẽ hở trong quản lý của Nhà nước về thông tin mạng để thâm nhập và truyền bá thông tin, văn hóa phẩm đồi trụy. Lợi dụng ưu thế của mạng Internet (máy chủ ở nước ngoài) để quảng bá cho “giá trị Mỹ”, “lối sống Mỹ”, phát tán lên mạng với nhiều hình thức thông qua các Website để truyền tải quan điểm sai lệch, cổ súy cho đa nguyên, đa đảng, xâm nhập các mã độc vào hệ thống máy tính của các cơ quan để khai thác tư liệu, chống phá ta.
Trường Sĩ quan Lục quân 1 là cái nôi đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ, lực lượng nòng cốt trong toàn quân. Để cán bộ, học viên có thể "miễn dịch" trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần:
Trước hết, phải tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, nêu cao cảnh giác cách mạng, làm cho mọi quân nhân nhận thức rõ không gian mạng và các sản phẩm của nó là do con người tạo ra, là thành tựu khoa học công nghệ, chúng ta phải chủ động tiếp cận và khai thác có hiệu quả, làm cho không gian mạng không xa cách với cán bộ, chiến sĩ, đồng thời cũng không tuyệt đối hóa hoặc sa đà vào mạng; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, học viên có nhãn quan chính trị đúng đắn và trình độ lý luận sắc bén để nhận diện và đủ sức “Phản biện” các thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội. Cần phải nhận thức rõ việc khai thác thông tin mạng là nhằm mục đích xây dựng tổ chức, xây dựng con người để góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng; Quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet trong Nhà trường, Quân đội. Tập trung xây dựng lực lượng, phương tiện đủ mạnh để đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Trước hết, kiện toàn và phát huy vai trò của "lực lượng 47" trong đấu tranh với các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch. Thực hiện tốt công tác quản lý mạng Internet theo quy định của Nhà trường, tăng cường quản lý báo chí, xuất bản, khai thác các ấn phẩm văn hóa, không để văn hóa phẩm xấu độc xâm nhập vào đơn vị.
Thường xuyên coi trọng xây dựng các tổ chức Đảng TSVM, đội ngũ quân nhân của đơn vị trước hết là trong sạch về chính trị tư tưởng, có kiến thức toàn diện, vững vàng về bản lĩnh chính trị, luôn luôn cảnh giác với những quan điểm sai trái và thông tin xấu độc trên không gian mạng. Thực hiện nghiêm các quy định, chỉ thị về bảo mật thông tin và đặc biệt là về kỷ luật phát ngôn, nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ để nắm bắt và làm chủ công nghệ thông tin, góp phần khai thác và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.

Chiến tranh thông tin trên không gian mạng hiện là một phương thức tác chiến mới, chứa đựng nhiều nguy cơ và hậu quả khó lường. Triệt để lợi dụng không gian mạng để chống phá cách mạng Việt Nam đang là lĩnh vực được các thế lực thù địch ưu tiên, với mưu đồ: Đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, từ đó làm chệch hướng XHCN, phát triển kinh tế thị trường TBCN; từng bước hình thành "Xã hội dân sự", đẩy mạnh thực hiện "Phi chính trị hóa" Quân đội. Tuy nhiên, xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và thành quả của cách mạng Việt Nam và chế độ XHCN cũng đồng nghĩa là chà đạp lên khát vọng của dân tộc, chà đạp lên xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. 
Chu Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét