Pages - Menu

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Một số biện pháp chủ yếu đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng internet

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang tăng cường chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt. Đặc biệt là trước, trong và sau Đại hội Đảng các cấp, các hoạt động chống phá càng gia tăng cả về cấp độ, mật độ, tần suất và lưu lượng. Như chúng ta đã biết, âm mưu cơ bản, lâu dài của các thế lực cơ hội, thù địch là xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Để thực hiện âm mưu đó, chúng tăng cường sử dụng “diễn biến hòa bình” - một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng.


Trong chiến lược này, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa được chúng coi là mũi đột phá, hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra những khoảng trống để dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập cán bộ, đảng viên và nhân dân, từng bước chuyển hóa, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng ra sức sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, các blog để truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Tại Việt Nam dịch vụ Internet đã được cung cấp chính thức từ năm 1997. Dựa vào Internet các thế lực thù địch lợi dụng các sự kiện trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội để tuyên truyền, chống phá; sử dụng Internet để đẩy mạnh tuyên truyền tập hợp lực lượng, thành lập các hội, nhóm bất hợp pháp đứng lên hô hào đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền; tôn giáo ở Việt Nam; kích động văn nghệ sĩ đòi tự do sáng tác, tự do công bố các tác phẩm văn học, phản đối sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ta trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; đặt hàng viết bài đưa lên các mạng xã hội, blog cá nhân để tuyên truyền kích động chống phá đất nước; Lợi dụng những căng thẳng về vấn đề Biển Đông để tuyên truyền, kích động nói xấu Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Với thủ đoạn xảo quyệt các thế lực thù địch trên mạng Internet đã lập ra hàng trăm trang web, blog, phần lớn máy chủ đặt ở nước ngoài, để thu thập, bịa đặt, nhào nặn, trộn lẫn thật giả, phát tán những thông tin, hình ảnh xấu độc. Chúng tung ra các luận điệu vu cáo, bình luận thâm độc liên quan tới những sự kiện trọng đại của đất nước, thu hút sự phụ họa của những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị. Triệt để lợi dụng những thông tin về mặt trái, tiêu cực xã hội trên một số cơ quan truyền thông đại chúng của ta, thổi phồng, quy kết thành bản chất.
Trong thời đại Internet, thông tin đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi cá nhân, tổ chức. Thông tin được khai thác trên Internet có nội dung ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều chiều. Khó có thể cấm đoán cán bộ, nhân viên, chiến sĩ khai thác thông tin trong một xã hội hiện đại. Do vậy, để giảm thiểu tác động của thông tin xấu độc trên mạng thông tin toàn cầu đến nhận thức của cán bộ,  nhân viên, chiến sĩ, chúng ta cần tiến hành đấu tranh một cách toàn diện, trong đó cần chú trọng một số biện pháp chủ yếu sau:
- Làm tốt công tác quán triệt các quy định của các cấp như: Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000; Thông tư số 110/2014/TT-BQP ngày 22/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về ban hành Quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng Internet trong Quân đội Nhân dân Việt Nam; Công văn số 8076/VP-BM ngày 29/9/2014 của Văn phòng Bộ Quốc phòng về chấp hành quy định bảo vệ bí mật, quân sự quốc phòng….
- Giáo dục ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt việc bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự trong làm việc. Xây dựng nội quy cơ quan, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi đơn vị.
- Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cần nêu cao tinh thần tự giác, chấp hành tốt kỷ luật trong phát ngôn; không tham gia đánh giá, nhận xét, bình luận trên các trang mạng xã hội; không chụp ảnh, đăng tải công việc của cơ quan, đơn vị trên các trang mạng.
- Làm tốt công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm quy định; thực hiện nghiêm quy định chuyển phát, lưu trữ văn bản có độ mật qua hệ thống thông tin điện tử.

Tóm lại, Internet là thành quả phát triển của khoa học kỹ thuật về công nghệ thông tin của nhân loại, mang lại nhiều tiện tích thiết thực hiệu quả trong các hoạt động của đời sống xã hội. Tuy nhiên cũng có nhiều mặt trái và tiêu cực khi chúng ta nhận thức và sử dụng một cách tự do thiếu kiểm soát. Vì vậy chúng ta phải biết cách sử dụng nó một cách khoa học không nên lạm dụng và bất cẩn trong khi sử dụng mạng xã hội để tránh mang lại những hậu quả xấu, không mong muốn. Cuộc sống ảo hiếm khi mang lại hạnh phúc đích thực, do vậy bản thân mỗi người cần nhận thức rõ về việc sử dụng mạng xã hội. Đối với mỗi cơ quan, đơn vị điều cần thiết là làm tốt công tác quản lý chứ không nên cấm đoán, áp đặt cách tiếp nhận văn hóa đối với cán bộ, nhân viên.
Nguyễn Như Thịnh-SP




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét