Đảng và công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam là mối quan tâm xuyên
suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1925 trong tác phẩm “Đường Cách
mệnh” (xuất bản 1927) Hồ Chí Minh chỉ rõ: “cách mạng trước hết phải có Đảng
cách mạng”. Sự khẳng định này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, được dựa
trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Là người kế tục sự nghiệp vĩ đại
của C.Mác và Ăngghen, V. I. Lênin đã phát triển sáng tạo và hoàn chỉnh học
thuyết xây dựng Đảng của chủ nghĩa Mác. Người đã sáng lập ra Đảng Bôn sê vích
Nga- một Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, một mẫu mực để xây dựng các Đảng
mác xít của giai cấp công nhân. Lênin luôn luôn nhấn mạnh vai trò quyết định
của Đảng vô sản đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản, coi đó là đòn
bẩy mạnh mẽ, có khả năng “đảo lộn nước Nga”.
Đầu thế kỷ XX, Việt Nam đứng trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về đường
lối. Tất cả các phong trào cứu nước theo các khuynh hướng, ý thức hệ khác nhau
trước khi có Đảng Cộng sản ra đời đều thất bại, bị dìm trong bể máu. Thực tiễn
này của đất nước đã thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi
tìm đường cứu nước, cứu dân. Người đi sang các nước, nhất là các nước đế quốc
để nghiên cứu, xem xét tìm con đường cứu đồng bào ta thoát khỏi cảnh bị đoạ đày
đau khổ. Qua thực tiễn lăn lộn với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân
và nhân dân lao động trên thế giới, Người đã gặp và tiếp thu chủ nghĩa
Mác-Lênin, tìm thấy ở học thuyết Mác-Lênin con đường giải phóng dân tộc, đưa
đất nước đến với độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc. Từ đây, tư tưởng về sự cần
thiết phải thành lập chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân ở nước ta dần
được hình thành. Tư tưởng này được tiếp thêm cơ sở thực tiễn của thắng lợi cách
mạng tháng Mười Nga 1917 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn Sê vích Nga
thành công rực rỡ. Từ chỗ tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, Hồ
Chí Minh đã tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc ra đời của Đảng Cộng
sản Việt Nam. Tại các lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh đặt vấn
đề “cách mệnh trước hết phải có cái gì ?”. Người khẳng định: “Trước hết phải có
đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc
với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới
thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.[1]
Cách mạng là một quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài, “Đời
này làm chưa xong đời sau nối tiếp nhau làm thì phải xong”. Sự nghiệp đấu tranh lâu dài gian khổ đó không
tránh khỏi phải hy sinh, mất mát nên cần đến Đảng lãnh đạo, để chớp thời cơ mà
đề ra đường lối thực hiện, đưa lại thắng lợi cho cách mạng. Nhân dân cần đến
Đảng để chỉ đường vạch lối cho dân, chỉ bảo cách hành động. Chỉ có Đảng- Đảng
cách mạng - mới bảo đảm tính triệt để của cách mạng, mới đưa sự nghiệp giải
phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người đến thắng lợi cuối
cùng. Cách mạng trước hết là sự nghiệp của mỗi dân tộc, muốn giành thắng lợi
phải dựa vào sức mình là chính, song phải biết tranh thủ sức mạnh quốc tế, sức mạnh
của thời đại để đưa cách mạng tiến lên.
Từ những lý do trên ta thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và tồn tại là
một tất yếu lịch sử là vì tổ quốc, dân tộc có nhu cầu, vì Đảng đáp ứng được yêu
cầu tất yếu của sự phát triển của cả dân tộc, vì nhân dân cần một Đảng tiên
phong dẫn đường. Để Đảng thực hiện được vị trí vai trò của mình, Chủ tịch Hồ
Chí Minh còn nhấn mạnh: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người
cầm lái có vững thuyền mới chạy”[2].
Theo đó, Đảng phải là Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, của nhân dân lao
động và của cả dân tộc. Đó là Đảng cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân,
đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, vì độc lập dân
tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Đảng phải luôn tuân thủ những
nguyên tắc của một đảng kiểu mới: Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư
tưởng, kim chỉ nam cho hành động; lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức
cơ bản, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển; Đảng phải có kỷ
luật sắt và kỷ luật tự giác; đảng viên phải tuân theo tôn chỉ mục đích của Đảng
và hoạt động trong tổ chức cơ sở của Đảng... Đảng là “người cầm lái”, vị trí
vai trò của Đảng là người lãnh đạo. Muốn vậy Đảng phải tiên phong về mọi mặt,
cả chính trị, tư tưởng, tổ chức...cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu về
đạo đức lối sống...
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh tư tưởng của Hồ Chí Minh về
cách mạng “trước hết phải có Đảng cách mạng”, là hoàn toàn đúng đắn. Ngày 3-2 -
1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nước
ta. Nó chấm dứt thời kỳ cách mạng Việt Nam ở trong tình trạng “đen tối như
không có đường ra”, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước
suốt hơn hai phần ba thế kỷ từ khi thực dân Pháp xâm lược. Trong suốt chiều dài
lịch sử 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xứng đáng là đội tiên phong của
giai cấp công nhân Việt nam. Nhân dân Việt Nam trước sau như một vẫn thừa nhận
sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, Đảng ta
vẫn kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, với mục tiêu con đường đã chọn (vì nó mà Đảng ra đời và tồn tại),
không xa rời những nguyên lý, nguyên tắc xây dựng Đảng của giai cấp công nhân,
kiên quyết không từ bỏ vai trò lãnh đạo duy nhất và toàn diện đối với xã hội-
Đó chính là vì Đảng ta đã quán triệt sâu sắc tư tưởng “cách mạng trước hết phải
có Đảng cách mạng” của Hồ Chí Minh. Nhờ đó mà chúng ta luôn giữ vững được vị
trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh
đạo thu được nhiều thắng lợi to lớn.
Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội có được là do năng lực lãnh
đạo, tầm trí tuệ, sức chiến đấu của Đảng luôn luôn được nâng cao, do sự phấn
đấu bền bỉ vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội của đất nước, vì hạnh phúc
của nhân dân. Vai trò đó không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được.
Đảng ta sẽ mất vai trò lãnh đạo toàn xã hội và sẽ không được nhân dân tín
nhiệm, nếu yếu kém, không trong sạch, vững mạnh. Do đó, thường xuyên tự đổi
mới, tự chỉnh đốn bản thân Đảng là một yêu cầu của chính sự nghiệp cách mạng
trong tất cả các thời kỳ, để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là
đạo đức, văn minh”.
Nội dung tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng theo Hồ Chí Minh chủ yếu trên
những nội dung như: tăng cường công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư
tưởng, tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, mặt
trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như đối với xã hội nói chung; Đề
phòng và khắc phục những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa, biến chất, luôn luôn
giữ gìn Đảng thật trong sạch, vững mạnh; Giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ,
đảng viên để đội ngũ này luôn luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc, phục vụ
cách mạng, phục vụ nhân dân, phải là những người vừa có đức, vừa có tài.
Công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hiện nay có những đặc
điểm rất mới. Đây là thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong bối
cảnh toàn cầu hóa diễn ra một cách nhanh chóng dưới sự tác động nhiều mặt của cuộc
cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đất nước đứng trước thời cơ và thách thức lớn
của sự phát triển. Sau hơn 30 năm Đảng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, đất nước đã
thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đảng ta tiếp tục tự đổi
mới, tự chỉnh đốn, đã nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình
đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện mới.
Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh đã dành tâm sức rèn luyện Đảng ta, đã để lại
cho các thế hệ đảng viên của Đảng ta di sản tư tưởng lớn lao, có ý nghĩa soi
đường, chỉ lối vô cùng quan trọng. Không những để lại di sản tư tưởng mà Người
còn để lại một tấm gương không chút bụi mờ của mình hành động vì Đảng, vì Dân,
vì sự tiến bộ của nhân loại. Hồ Chí Minh là một người cộng sản đã sống một cuộc
sống hiến dâng - đó là hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng con người; đã sáng
lập, lãnh đạo và rèn luyện một tổ chức tiên phong cho sự nghiệp đó là Đảng Cộng
sản Việt Nam - một Đảng thường xuyên tự chỉnh đốn và đổi mới để luôn trong
sạch, vững mạnh.
N.V.N-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét