Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản
Việt Nam ra đời. Đây là sự kiện có tính bước ngoặt trong con đường cách mạng
Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối của phong trào yêu nước
Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên có Đảng lãnh
đạo, có lý luận khoa học, chân chính soi đường. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của phong trào vô sản thế giới. Sự ra đời
của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự chín muồi về thời cơ, nhu cầu
khách quan tất yếu của cách mạng Việt Nam, đó cũng là kết quả của sự vận dụng
sáng tạo quy luật, lý luận về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân vào
điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là
bước ngoặc lịch sử quan trọng đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này
đến thắng lợi khác. Trong lịch sử 2 cuộc kháng chiến đã chứng minh và hiện nay
đã chứng minh sự thắng lợi to lớn của cách mạng nước ta. Vì vậy, tôi chọn chủ
đề: Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Sau bao năm bôn ba, học hỏi và hoạt
động trong phong trào công nhân khắp thế giới, anh thanh niên yêu nước Nguyễn
Ái Quốc đã nhận ra rằng, nhân dân Việt Nam đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh anh
dũng chống đế quốc Pháp, nhưng đều bị thất bại, vì chưa có lý luận chủ nghĩa
Mác - Lênin, chưa có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, không hiểu
tình hình thế giới, không biết so sánh lực lượng ta và lực lượng địch, không có
"mưu chước" không hiểu "sách lược", không biết nắm thời cơ,
"chưa nên làm đã làm, khi nên làm lại không làm". Vì vậy, những người
cách mạng phải giảng giải cho nhân dân hiểu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tình
hình và kinh nghiệm cách mạng thế giới.
Nắm vững tính
chất và đặc điểm xã hội Việt Nam, đứng vững trên lập trường của giai cấp công
nhân, thấm nhuần học thuyết của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, vận dụng
một cách sáng tạo kinh nghiệm Cách mạng tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của
nước ta,H Nguyễn Ái Quốc khẳng định: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không
có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản; chỉ có chủ nghĩa xã hội và
chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức và những người lao động
trên thế giới thoát khỏi ách nô lệ. Nhiệm vụ trước mắt của Cách mạng Việt Nam
là giải phóng dân tộc, đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến tay sai. Người nhấn
mạnh: công nhân và nông dân là lực lượng chủ yếu của cách mạng vì công nông bị
áp bức, bóc lột nặng nề nhất và họ là lực lượng đông nhất. Cách mạng Việt Nam
là một bộ phận của cách mạng thế giới, theo đường lối của Quốc tế cộng sản,
quan hệ mật thiết với cách mạng Pháp và phong trào giải phóng dân tộc ở các
nước thuộc địa khác.
Theo quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, cách
mạng là việc chung của quần chúng nhân dân, cho nên muốn làm cách mạng, trước
hết chúng ta phải giác ngộ, tổ chức, đoàn kết và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân
đấu tranh. Những người cách mạng phải tổ chức các hội quần chúng như công hội
nông hội, phụ nữ, thanh niên…Muốn tổ chức và đoàn kết được các lực lượng cách
mạng, muốn có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, trước hết phải có
đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức nhân dân, ngoài thì liên lạc
với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản các nước, Đảng có vững, cách mạng
mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mời chạy. Đảng muốn vững
thì phải có chủ nghĩa Mác - Lênin làm cốt. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như
người không có trí khôn, tàu không có kim chỉ nam. "Bây giờ học thuyết
nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách
mạng nhất là chủ nghĩa Lênin". Và một trong những công việc được Nguyễn Ái
Quốc tập trung chỉ đạo là chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của giai cấp công
nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
Sau một thời gian ở trên đất Liên
Xô để nghiên cứu chế độ Xô Viết và kinh nghiệm xây dựng đảng theo nguyên lý của
chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng chí Nguyễn
Ái Quốc đã về gần Việt Nam để xúc tiến việc chuẩn bị thành lập Đảng. Ngày
11/11/1924, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc).
Tại Quảng Châu. Nguyễn Ái Quốc lấy
tên là Lý Thụy, làm cán bộ phiên dịch cho phải đoàn cố vấn của Chính phủ Liên
Xô đến giúp Chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc. Việc đầu tiên của Người là bắt
mối liên lạc với Tâm tâm xã và tổ chức yêu nước của cụ Phan Bội Châu đang hoạt
động ở Quảng Châu.
Lúc này cụ
Phan bội Châu đã cải tổ Việt Nam quang phục Hội thành Việt Nam quốc dân đảng.
Nguyễn Ái Quốc viết thư góp ý kiến với cụ Phan Bội Châu về đường lối và phương
pháp cách mạng. Cụ tiếp thu những ý kiến đó, nhưng chưa kịp sửa chữa sai lầm
của mình thì cụ đã bị đế quốc Pháp bắt đưa về nước (1925).
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc chọn số
thanh niên yêu nước trong các tổ chức cách mạng ở trong nước ra, mở Trường huấn
luyện chính trị để đào tạo họ trở thành những cán bộ cách mạng và đưa họ trở về
nước hoạt động trong giai cấp công nhân và nhân dân. Trường mở được 10 khóa,
mỗi khóa từ một tháng rưỡi đến ba tháng, tổng số học viên có khoảng 200 người.
Đó là đội ngũ cán bộ nòng cốt đầu tiên cho cách mạng Việt Nam, với những người
tiêu biểu như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự...
Nguyễn Ái Quốc
là người phụ trách trường, vừa là giảng viên chính, có khi kiêm cả cán bộ phiên
dịch. Ngoài học tập lý luận và chính trị, các học viên còn được học thêm vǎn
hóa và ngoại ngữ. Người còn lựa chọn một số cán bộ gửi sang Moscow học tập lý
luận ở Trường đại học Phương Đông và một số khác vào học Trường quân sự Hoàng
Phố có cố vấn Liên Xô giảng dạy ở Quảng Châu.
Trên cơ sở giác ngộ về tinh thần
yêu nước, các học viên nhận rõ đường lối và phương pháp đúng đắn của cách mạng
Việt Nam và có xu hướng cộng sản chủ nghĩa. Họ lần lượt cử về nước xây dựng cơ
sở, tuyên truyền, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng.
Để làm tài liệu giảng dạy tại
Trường huấn luyện chính trị, đầu nǎm 1925, Nguyễn Ái Quốc biên soạn tập đề
cương bài giảng mà đầu nǎm 1927 được xuất bản thành cuốn sách “Đường kách
mệnh”. Trong đó, Người nêu lên tư tưởng cách mạng triệt để, chỉ rõ rằng: muốn
sống thì phải làm cách mạng. Làm cách mạng phải có quyết tâm, hy sinh, bền gan,
đoàn kết nhau lại. Muốn được như vậy thì trước hết mọi người phải hiểu rõ vì
sao phải làm cách mạng. Trong cuốn Đường cách mệnh Người nói về tư cách người
cách mạng, tức là đạo đức cách mạng: tự mình phải cần kiệm, chí công vô tư, quả
quyết sửa lỗi mình, không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm, phải
giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng ham muốn về vật chất… Người coi việc
giác ngộ cách mạng và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ là một trong những
yêu cầu hàng đầu để chuẩn bị về tư tưởng và chính trị, tiến tới xây dựng một
đảng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam. Cuốn Đường kách mệnh chẳng
những có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong thời kỳ đã qua, mà còn soi
sáng con đường cho Đảng ta, nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn
trong giai đoạn mới.
Để làm cơ sở cho việc thành lập
Đảng cộng sản Việt Nam, tháng 6 nǎm 1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã
sáng lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của
Đảng. Tôn chỉ và mục đích của Hội được thể hiện trong cuốn “Đường cách mệnh”.
Việt Nam thanh niên cách mạng đồng
chí Hội là một tổ chức rất chặt chẽ, gần như một đảng cộng sản, theo nguyên tắc
tập trung dân chủ, dùng tự phê bình và phê bình để xây dựng Hội.
Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam thanh
niên cách mạng đồng chí Hội, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và
phong trào yêu nước của nhân dân ta đã kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo thành một
làn sóng dân tộc và dân chủ mạnh mẽ khắp cả nước. Việt Nam thanh niên cách mạng
đồng chí Hội là tổ chức cách mạng đầu tiên ở nước ta có xu hướng chủ nghĩa cộng
sản, đi vào quần chúng vận động công nhân và nông dân theo quan điểm, tư tưởng
của chủ nghĩa Mác - Lênin. Để tuyên truyền tôn chỉ và mục đích của Hội, Nguyễn
Ái Quốc đã xuất bản tuần báo Thanh niên. Báo này vạch trần những tội ác dã man
của đế quốc Pháp, khơi sâu lòng cǎm thù đối với chúng; đồng thời giải thích rõ
đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam là đánh đổ đế quốc
Pháp và bọn vua quan phong kiến tay sai, giành độc lập và tự do, tiến lên cách
mạng vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.
Một sáng tạo rất lớn của Nguyễn Ái
Quốc là Người đã vận dụng sáng tạo công thức của V.I. Lênin về sự ra đời của
một đảng vô sản vào một nước nông nghiệp như nước ta. Người không chỉ truyền bá
chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân mà đồng thời truyền bá vào phong
trào yêu nước Việt Nam - một yếu tố phổ quát, trường tồn và có sức mạnh to lớn
trong lịch sử phát triển của dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp một cách sinh
động yếu tố dân tộc và giai cấp, tạo ra cơ sở xã hội - chính trị rộng lớn chuẩn
bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người xác định: Đảng ta là Đảng
của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; Đảng là
đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong cách
mạng của dân tộc. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản viết năm 1848, Mác –
Anghen đã khẳng định rằng, trong cuộc đấu tranh giành lấy chính quyền thì giai
cấp vô sản "phải tự vươn lên thành giai cấp, phải tự mình trở thành dân
tộc". Nguyễn Ái Quốc đã cụ thể hóa quan điểm của chủ nghĩa Mác vào thực
tiễn sinh động của phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong quá
trình chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, không phải chỉ có giai cấp công nhân mà
cả nhân dân lao động và toàn dân tộc đều tham gia, và thực tiễn cách mạng Việt
Nam đã cho thấy: Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham
mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Cả dân tộc thừa nhận Đảng là của mình, cả dân
tộc tin tưởng ở Đảng, quyết tâm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, tích
cực bảo vệ và tham gia xây dựng Đảng. Điều này thực sự là niềm tự hào của Đảng
ta, không phải đảng nào cũng có được.
Trong quá trình chuẩn bị cho Đảng
ra đời, Nguyễn Ái Quốc đã chú ý chỉ đạo tiến hành một cách có hệ thống, cơ bản,
toàn diện và thiết thực: từ tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức đến phương
thức lãnh đạo và phong cách công tác của Đảng.
Về tư tưởng:
Ngay trong quá trình truyền bá lý luận, xây dựng nguyên tắc hoạt động của Đảng,
Người luôn khẳng định: Đảng muốn lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi thì Đảng phải
vững; Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải
hiểu và làm theo chủ nghĩa ấy; Đảng Cộng sản Việt Nam muốn vững mạnh, trong
sạch thì Đảng phải được xây dựng trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin,
lấy chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của
Đảng. Đảng phải thường xuyên nâng cao trình độ nhận thức chủ nghĩa Mác - Lênin
cho cán bộ, đảng viên; phải làm cho cán bộ, đảng viên biết dùng lập trường,
quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những vấn đề của
cách mạng đặt ra; đồng thời phải thường xuyên tổng kết thực tiễn để góp phần
bồi bổ lý luận Mác - Lênin; đoàn kết, thống nhất đấu tranh chống những luận
điệu xuyên tạc, xét lại để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Xây
dựng Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin là yếu tố cơ bản nhất, quyết định
sự bảo đảm bản chất giai cấp công nhân của Đảng, bảo đảm tính cách mạng, trình
độ trí tuệ, đạo đức và tính quần chúng của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo
cách mạng từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững và
nêu cao tính cách mạng của giai cấp công nhân, tính kiên cường bất khuất của
phong trào yêu nước Việt Nam; luôn bảo đảm tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin
về lý luận và trong giải quyết thực tiễn, đặc biệt là khả năng độc lập, sáng
tạo để đi tới mục tiêu của cách mạng, Đảng luôn coi việc trau dồi những phẩm
chất đạo đức theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở truyền
thống của dân tộc cho cán bộ, đảng viên làm "gốc" để có lối sống lành
mạnh, vững vàng trong mọi thử thách, mọi hoàn cảnh - đó là cơ sở nguồn cội dẫn
đến những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp lãnh đạo giai cấp và nhân dân ta làm
cách mạng gần một thế kỷ qua.
Về chính trị: Nguyễn Ái Quốc rất
chú trọng xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị của Đảng. Người khẳng định, muốn
xây dựng Đảng về chính trị đúng đắn, trước hết phải đứng vững trên một nền tảng
tư tưởng vững chắc. Dưới ánh sáng của nền tảng tư tưởng mà hoạch định đường lối
của Đảng, tổ chức đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống, biến đường lối của Đảng
thành kế hoạch, thành luật pháp của Nhà nước, thành hành động cách mạng của
quần chúng đông đảo. Đảng phải tổ chức tổng kết thực tiễn, rút ra những kết
luận mới để bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng, đồng thời bổ sung và hoàn
thiện lý luận của Đảng. Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: Lý luận không phải là một cái gì
cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những
kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Người thường nhắc nhở cán bộ,
đảng viên phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập
trường, quan điểm và phương pháp của nó mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng
ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng
ta mới dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra
được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ
nghĩa thích hợp với tình hình nước ta.
Về tổ chức: Nguyễn Ái Quốc chủ
trương phải thường xuyên kiện toàn bộ máy của Đảng trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ
cách mạng. Khi kiện toàn, phải chú ý mặt tổ chức bộ máy, đồng thời xác định cơ
chế hoạt động của bộ máy Đảng từ trung ương đến cơ sở nhằm phát huy cao nhất
vai trò nền tảng của tổ chức cơ sở đảng và vai trò quyết định của tổ chức lãnh
đạo cao nhất trong xây dựng, rèn luyện Đảng về tổ chức. Mặt khác, Người rất chú
ý tới mối quan hệ giữa bộ máy và con người trong kiện toàn tổ chức, đặc biệt là
đội ngũ cán bộ chủ chốt và người đứng đầu các bộ máy.
Về đạo đức: Nguyễn Ái Quốc cho
rằng, đạo đức cách mạng là cái "gốc", cái nền của người cán bộ, đảng
viên. Trong xây dựng, rèn luyện Đảng, không thể thiếu việc xây dựng, rèn luyện
đạo đức của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở chỉ ra những chuẩn mực đạo đức chung,
Nguyễn Ái Quốc đã cụ thể hoá những yêu cầu đạo đức trong từng giai đoạn, từng
thời kỳ cách mạng. Người chỉ rõ mối quan hệ giữa đạo đức của Đảng, đạo đức cộng
sản với đạo đức xã hội, đạo đức công dân; đạo đức của đảng viên với đạo đức của
người lãnh đạo. Theo Nguyễn Ái Quốc, để có thể xây dựng được một Đảng “là đạo
đức, là văn minh” thì khái niệm và trách nhiệm đạo đức của cán bộ, đảng viên
phải là cụ thể, không chung chung, trừu tượng. Người đòi hỏi đảng viên phải
"đi trước, làng nước theo sau", nói và làm phải đi liền, phải thống
nhất với nhau. Bởi vậy, trong xây dựng, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng
viên, phải kiên quyết đấu tranh chống thói đạo đức giả, phi đạo đức. Có coi
trọng đạo đức thì mới có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ tốt, cán bộ tốt thì
việc gì cũng xong.
Về phương thức lãnh đạo và phong
cách công tác: Nguyễn Ái Quốc khẳng định: phương thức lãnh đạo và phong cách
công tác là lĩnh vực phương pháp cách mạng và phong cách hoạt động của Đảng,
của cán bộ, đảng viên, có quan hệ trực tiếp đến việc thực hiện đường lối, chủ
trương của Đảng, đến sự thành công hay không thành công của cách mạng, đến sức
mạnh và sự tồn vong của Đảng. Về nguyên tắc, đường lối quyết định phương thức
lãnh đạo và phong cách công tác. Nhưng trên thực tế, khi đã có đường lối đúng,
cũng phải trải qua nhiều thử nghiệm trong thực tiễn lãnh đạo và công tác, mới
có thể dần dần xây dựng được phương thức lãnh đạo và phong cách công tác đúng
đắn, phù hợp. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng,
Nguyễn Ái Quốc đã luôn lưu ý cán bộ, đảng viên: đối với bất kỳ vấn đề gì đều
phải đặt câu hỏi "vì sao", đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp
với thực tế không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi
chiều. Có như vậy, mới xây dựng, hình thành được phương thức lãnh đạo và phong
cách công tác phù hợp với quy luật của cách mạng, với mỗi đối tượng, mỗi cấp
lãnh đạo và phong cách công tác của cán bộ, đảng viên.
Từ cuối nǎm 1924 đến đầu nǎm 1930,
đồng chí Nguyễn Ái Quốc vừa đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam, xúc tiến
việc chuẩn bị và thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, vừa góp phần rất quan trọng
vào việc đào tạo cán bộ và xây dựng phong trào cách mạng ở một số nước châu Á.
Dưới sự chỉ đạo của Ban phương Đông trực thuộc Ban chấp hành Quốc tế cộng sản,
Người đã truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào châu Á nói chung và Đông Dương nói
riêng.
Tháng 4 nǎm 1927, sau vụ phản biến
của bọn Tưởng Giới Thạch ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đi Hồng Kông, Thượng Hải,
rồi rời Trung Quốc đi Liên Xô. Người làm việc ở Quốc tế cộng sản góp phần tổng
kết kinh nghiệm của phong trào cách mạng châu Á.
Được sự giúp đỡ của Ban chấp hành
Quốc tế cộng sản, cuối nǎm 1927, Nguyễn Ái Quốc bí mật trở lại nước Pháp để gặp
gỡ và trao đổi ý kiến với ban lãnh đạo Đảng cộng sản Pháp về tình hình hoạt
động của Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng. Sau đó, Người trở lại Đức và đi dự
Hội nghị Quốc tế chống chiến tranh đế quốc họp ở thủ đô nước Bỉ.
Mùa hè nǎm 1928, Nguyễn Ái Quốc bí
mật rời khỏi Đức đi Thụy Sĩ, Italia rồi từ đó đáp tàu biển đi Thái Lan vào mùa
thu nǎm 1928. Thời gian này Người chú trọng giáo dục Việt kiều tinh thần đoàn
kết và yêu nước.
Trong những nǎm 1928 - 1929, phong
trào cách mạng ở nước ta dâng lên mạnh mẽ. Thực hiện chủ trương "vô sản
hóa", một số cán bộ của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã vào
nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để tuyên truyền và tổ chức công nhân. Phong trào công
nhân dần dần đã vượt qua giai đoạn tự phát, cục bộ, lẻ tẻ tiến đến giai đoạn tự
giác, có tổ chức, có lãnh đạo, có sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương.
Từ cuối nǎm 1929, phong trào công nhân Việt Nam đã có tính chất độc lập rõ rệt,
trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta.
Phong trào
công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân ta đang đòi hỏi sự lãnh đạo của
một đảng của giai cấp công nhân. Những điều kiện để thành lập một đảng như thế
đã chín muồi. Nhưng khi vấn đề ấy được đặt ra, thì trong nội bộ Việt Nam Thanh
niên cách mạng đồng chí Hội, nhất là ở cơ quan lãnh đạo của nó không nhất trí.
Đó là cuộc đấu tranh giữa quan điểm vô sản và quan điểm tiểu tư sản trong Thanh
niên cách mạng đồng chí Hội để thành lập đảng kiểu mới của giai cấp công nhân
Việt Nam. Cuộc đấu tranh ấy đã dẫn đến thắng lợi của tư tưởng vô sản và sự ra
đời của Đông Dương cộng sản đảng và An Nam cộng sản đảng. Trong tình hình ấy
Tân Việt cách mạng Đảng cũng không thể duy trì tổ chức cũ, cho nên đã được cải
tổ thành Đông Dương cộng sản liên đoàn.
Trong vòng nửa nǎm, ba tổ chức cộng
sản đã liên tiếp ra đời. Nhưng lợi ích của cách mạng, và nguyên tắc tổ chức của
chính đảng Mác - Lênin không cho phép trong một nước mà có ba tổ chức cộng sản.
Như thế chỉ làm yếu sự thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức, làm giảm sức
mạnh của phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Thành lập một đảng cộng
sản duy nhất ở Việt Nam là yêu cầu bức thiết của phong trào công nhân và phong
trào yêu nước lúc bấy giờ.
Lịch sử đòi hỏi phải có một lãnh tụ
có đầy đủ uy tín và nǎng lực để thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người đã đáp ứng yêu cầu đó.
Vào cuối mùa
thu nǎm 1929, đang hoạt động ở Thái Lan, được nghe báo cáo về tình hình mâu
thuẫn giữa các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, được sự ủy nhiệm của Quốc tế cộng
sản, Người đã trở lại Hồng Kông, triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng
sản để thống nhất tổ chức, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
Dưới sự chủ tọa của Nguyễn Ái Quốc,
Hội nghị đã họp từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 nǎm 1930, trong cǎn phòng nhỏ của
một người công nhân ở Cửu Long, gần Hồng Kông. Sau nǎm ngày làm việc khẩn
trương trong hoàn cảnh bí mật, Hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức
cộng sản, thành lập một đảng cộng sản chân chính duy nhất ở Việt Nam lấy tên là
Đảng cộng sản Việt Nam, Với mục đích của Đảng đựoc xác định đó là : "Đảng
cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo cho quân chúng lao khổ làm giai cấp
tranh đấu, để tiêu diệt tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng
sản".
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt
Nam là một trong những dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của dân
tộc Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay, Đảng đã lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam
đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Đảng trở thành niềm tự hào của cả dân
tộc và phong trào công nhân toàn thế giới, có được những thành công to lớn trên
con đường thực hiện sứ mệnh vinh quang và gian khổ của mình là do Đảng ta đã
được chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Những nguyên lý, nguyên tắc
cùng với những định hướng khoa học, sáng tạo và chính xác của Người đã bảo đảm
cho Đảng ta luôn có được đường lối, chủ trương đúng đắn, có được bản lĩnh chính
trị kiên định, vững vàng, có được tầm cao trí tuệ thật sự khoa học và khả năng
vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong mọi điều kiện, một đội ngũ cán bộ, đảng viên
thực sự tiền phong gương mẫu có khả năng
vận động, thuyết phục và tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi những đường
lối, chủ trương, biện pháp mà Đảng đã vạch ra.
Ngày nay sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đang đặt ra những yêu cầu mới về vai trò, phẩm
chất, năng lực lãnh đạo của Đảng. Công tác xây dựng Đảng đang đặt ra một cách
cấp thiết đối với tất cả các ngành, các cấp nhằm gìn giữ và tiếp tục xây dựng
Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là trí tuệ, là đạo đức, là văn minh như ý nguyện
của chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng
ngang tầm nhiệm vụ là một công việc khó khăn, lâu dài và không kém phần gian
khổ, tuy nhiên, với truyền thống gần một thế kỷ xây dựng và trưởng thành, chúng
ta có cơ sở để tin tưởng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ vững bước đi lên, mãi
xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc.
=Xuân Diệu-H3=
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét