Pages - Menu

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

VẬN DỤNG QUY LUẬT THỐNG NHẤT VÀ ĐẤU TRANH GIỮA CÁC MẶT ĐỐI LẬP VÀO NHẬN DIỆN NHỮNG MÂU THUẪN TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

 


Quy luật mâu thuẫn là hạt nhân của phép biện chứng duy vật, nó chỉ ra nguồn gốc, động lực sự vận động, phát triển của thế giới khách quan, là chìa khóa giúp chúng ta nắm vững, hiểu sâu sắc thực chất của các quy luật, các cặp phạm trù của chủ nghĩa duy vật biện chứng và đi sâu vào nghiên cứu bản chất của các sự vật hiện tượng và các quá trình phát sinh, phát triển của nó. Mâu thuẫn có trong tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Trong mỗi sự vật, mâu thuẫn không phải chỉ là một mà nó phát sinh rất nhiều mâu thuẫn và sự vật trong cùng một lúc có nhiều mặt đối lập, mâu thuẫn này mất đi, mâu thuẫn khác lại xuất hiện

Cùng với xu thế phát triển của thời đại và những biến động của thế giới thì việc chuyển sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam là một tất yếu. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Đảng ta đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê Nin một cách đúng đắn, thích hợp vào điều kiện cụ thể của đất nước. Bước chuyển mình mạnh mẽ nhất đó là việc đưa nền kinh tế từ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn những vấn đề mâu thuẫn làm kìm hãm sự phát triển công cuộc đổi mới. Việc nhận thức đúng, tìm ra những nguyên nhân và giải quyết chúng có vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế nước phát triển.

Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mục tiêu xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Yếu tố con người giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, bởi vì con người là chủ thể của mọi sáng tạo, của mọi nguồn của cải vật chất và văn hóa. Con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức là động lực của sự nghiệp xây dựng xã hội mới, là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Chúng ta phải bắt đầu từ con người làm điểm xuất phát. Xuất phát từ sự phân tích trên, chúng ta thấy rằng đổi mới ở nước ta hiện nay, không thể xây dựng và phát triển con người nếu thiếu yếu tố kinh tế thị trường.

Kinh tế thị trường là điều kiện rất quan trọng đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi khủng hoảng và phát triển, phục hồi sản xuất, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, bắt kịp bước tiến của thời đại. Trên cơ sở đó, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, những nhu cầu sinh hoạt vật chất cơ bản ngày càng được đáp ứng một cách đẩy đủ và nhanh chóng. Con người không thể có cơ thể khỏe mạnh nếu thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện y tế hiện đại để chăm sóc giữ gìn sức khỏe. Con người không thể có trí tuệ minh mẫn, phát triển nếu các điều kiện vật chất tiến hành các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học.

Trong những năm qua, kinh tế thị trường ở nước ta đã được nhân dân hưởng ứng rộng rãi và đi vào cuộc sống rất nhanh chóng, góp phần khơi dậy nhiều tiềm năng sáng tạo, làm cho nền kinh tế sống động hơn, bộ mặt thị trường được thay đổi và sôi động hơn. Đây là những kết quả đáng mừng, đáng được phát huy. Bên cạnh đó, kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay không chỉ tạo điều kiện vật chất để xây dựng, phát huy nguồn lực con người mà còn tạo ra môi trường thích hợp cho con người phát triển hoàn toàn, toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Kinh tế thị trường tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Buộc con người phải năng động sáng tạo, linh hoạt để thích nghi và hành động có hiệu quả, từ đó nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của con người góp phần làm giảm đi sự chậm chạp và trì trệ vốn có của người lao động. Kinh tế thị trường tạo ra những điều kiện thích hợp cho con người mở rộng các quan hệ buôn bán giao lưu. Đây hướng tốt đẹp bù đắp những thiếu hụt trong hệ giải trí của con người Việt Nam.

 Tuy nhiên, cần phải thấy rằng không phải cứ xây dựng được kinh tế thị trường là những phẩm chất tốt đẹp tự nó hình thành cho con người. Mà ngược lại, còn làm tha hóa bản chất con người, biến con người thành gả nô lệ sùng bái đồng tiền vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng chà đạp trên nhân phẩm, văn hóa, đạo đức... tệ nạn thương mại hóa trường học, xem nhẹ truyền thống tôn sự trọng đạo. Làm xói mòn nhân cách và phẩm chất con người. Ngoài ra, đi kèm với kinh tế thị trường là hàng loạt các tệ nạn xã hội để đưa đến rối loạn, khủng hoảng cho gia đình. Nạn cờ bạc, rượu chè, mại dâm, ma túy, buôn lậu, hối lộ, tham nhũng... là những căn bệnh trầm kha không dễ  khắc phục trong kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là con dao hai lưỡi, nếu dùng không cẩn thận sẽ bị đứt tay. Những phân tích trên đây cho thấy, kinh tế thị trường là mục tiêu xây dựng con người Xã hội chủ nghĩa là một mâu thuẫn biện chứng trong thực tiễn nước ta hiện nay, vì nó vừa đêm lại cơ hội, vừa tạo ra những thách thức và khó khăn cần giải quyết. Đây chính là hai mặt đối lập của một mâu thuẫn xã hội. Giữa kinh tế thị trường và quá trình xây dựng con người vừa có sự thống nhất, vừa có sự đấu tranh. Kinh tế thị trường vừa tạo ra những điều kiện để xây dựng, phát huy những nguồn lực con người, vừa tạo ra những độc tố hủy hoại đầu độc con người. Việc giải quyết những mâu thuẫn trên đây là việc làm không hề đơn giản. Việc áp dụng cơ chế thị trường đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản lý tầm vĩ mô của Nhà nước, đồng thời xác nhận đầy đủ chế độ tự chủ của các đơn vị sản xuất kinh doanh. Các hoạt động sản xuất kinh doanh phải hướng vào phục vụ công cuộc xây dựng nguồn lực con người. Cần phải tiến hành các hoạt động văn hóa giáo dục nhằm loại bỏ tâm lý sùng bái đồng tiền, bất chấp đạo lý coi thường các giá trị nhân văn, phải ra sức phát huy các giá trị tinh thần nhân đạo, thẩm mỹ, các di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc.

* Những thách thức chủ yếu.

Một là, về mặt kinh tế, trình độ phát triển của nước ta còn thấp và lạc hậu so với quốc tế và khu vực. Đến nay nước ta lực lượng lao động nông nghiệp vẫn chiếm hơn 70%, trình độ công nghệ của ta còn rất lạc hậu, do đó năng suất lao động và chất lượng sản phẩm của hàng hoá sức cạnh tranh thấp so với các nước. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chủ động tham gia quá trình hội nhập, lượng vốn còn nhỏ, trình độ kinh nghiệm tổ chức quản lý kinh tế còn yếu kém, đa số các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, cơ chế chính sách, thuế chưa ổn định. Vì vậy, đây là những nguy cơ rất lớn khi đẩy nhanh tiến trình hội nhập, điều này cũng đặt ra cho Nhà nước ta và các doanh nghiệp phải có chính sách nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh để đưa nước ta chủ động vững vàng trong quá trình hội nhập.

Hai là, trong quá trình toàn cầu hoá kinh tế, hội nhập hiện nay ở các nước nền kinh tế thị trường đã phát triển song với nước ta thì kinh tế thị trường còn sơ khai, chưa hoàn thiện, các luật chơi trên thương trường chúng ta chưa thông thạo, kiến thức hiểu biết về thị trường còn đơn giản, thậm chí có mặt còn non kém. Đấy chưa kể đến khi chúng ta hội nhập xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tất yếu vấp phải sự chống đối quyết liệt của các thế lực thù địch với những âm mưu thủ đoạn rất nham hiểm, đặc biệt là chiến lược “diễn biến hoà bình” của chúng, chứ không chỉ là sự cạnh tranh kinh tế thuần túy.

Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, nên trình độ kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập còn mỏng và yếu nhưng quá trình hội nhập luôn đặt ra những yêu cầu cao. Do đó, đội ngũ cán bộ của chúng ta cần có trình độ quản lý, năng lực kinh doanh, hiểu biết về kinh tế thế giới, thị trường quốc tế, quy chế và hoạt động của các thể chế quốc tế, các cam kết và hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, bên cạnh đó đội ngũ cán bộ cần phải có phẩm chất đạo đức và lòng trung thành với dân tộc. Thực tế, quá trình hội nhập do những hạn chế về nhiều mặt của phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập đã làm thiệt hại về kinh tế rất lớn cho đất nước và ảnh hưởng không nhỏ đến quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đây thực sự là thách thức lớn đặt ra cho Nhà nước và doanh nghiệp phải có biện pháp giải quyết kịp thời.

Ba là, tình trạng tham nhũng, quan liêu, bòn rút tiền của Nhà nước, của nhân dân trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, nhất là trong đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập và có liên quan tới hội nhập cũng là một thực tế đáng báo động. Đánh giá về thực trạng này, Đại hội IX của Đảng đã nhấn mạnh: Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta. Vừa qua, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X tiếp tục khẳng định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng.

Việt Nam nhận thức rằng muốn hội nhập tốt trước hết phải có những cán bộ hội nhập tốt, công tâm, tận tuỵ vì lợi ích của đất nước, song thực tế một số cán bộ làm công tác hội nhập đã vì cái lợi trước mắt của bản thân mình mà nhắm mắt bỏ qua để ký kết các văn bản gây tổn hại tới lợi ích chung của Tổ quốc như nhập khẩu công nghệ thì bị lạc hậu, bị tân trang, tu bổ, sự đàm phán cam kết thì qua loa, thiếu thận trọng gây ảnh hưởng đến nhiều mặt của đất nước.

Tình trạng tham nhũng gây phiền hà cho đối tác của một số cán bộ Nhà nước đã gây khó khăn và ảnh hưởng uy tín của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài nhất là thủ tục hành chính phiền hà, sách nhiễu, vòi tiền, thiếu trách nhiệm… làm cho các công ty nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, có ấn tượng không tốt khi tham gia đầu tư vào Việt Nam. Rõ ràng, để hội nhập tốt, chúng ta phải xây dựng được đội ngũ cán bộ hội nhập có đủ đức, đủ tài, có trình độ ngoại ngữ là những người tham mưu đáng tin cậy cho đất nước, vì chính họ sẽ làm cho quá trình hội nhập của chúng ta nhanh hay chậm, hiệu quả hay không hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Bốn là, với mục tiêu hội nhập và lộ trình hội nhập của Việt Nam, để chúng ta thực hiện được tốt phải xây dựng một hệ thống luật lệ, chính sách thống nhất phù hợp với thông lệ quốc tế mà vẫn đảm bảo được tính độc lập tự chủ và giữ vững chủ quyền quốc gia. Đây cũng là cái khó của chúng ta khi tham gia hội nhập quốc tế.

Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong soạn thảo các văn bản, xây dựng, ban hành luật pháp nhưng hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam liên quan tới hội nhập vẫn thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập so với các quy chuẩn quốc tế, nhiều luật thiếu khả thi, nhiều vấn đề còn thiếu luật. Mặt khác, việc nắm vững luật, tôn trọng và chấp hành nghiêm luật còn bất cập, các toà án kinh tế trong giải quyết tranh chấp còn thiếu kinh nghiệm, thiếu uy tín trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam còn có hiện tượng vi phạm luật quốc tế. Những hạn chế trên đã gây khó khăn cho việc đẩy nhanh quá trình hội nhập cũng như nâng cao hiệu quả hội nhập của nước ta.

Năm là, trong quá trình hội nhập, mở cửa, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ phân hoá giàu - nghèo, các tệ nạn xã hội gia tăng, sự du nhập của lối sống và các luồng văn hoá ngoại lai (phương Tây) trái với thuần phong mỹ tục và bản sắc của văn hoá dân tộc Việt Nam. Đi cùng với hội nhập kinh tế quốc tế là âm mưu thủ đoạn hết sức thâm độc và nguy hiểm của các thế lực thù địch với chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm chống phá nước ta về mọi mặt. Vì thế, đây là một thách thức lớn với Việt Nam trong quá trình hội nhập, đặc biệt thách thức này nó tác động vào thế hệ trẻ -  những chủ nhân tương lai của đất nước khi mang trong mình mục tiêu, lý tưởng, lối sống xa lạ với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc ta đang theo đuổi.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là chúng ta “hoà nhập nhưng không hoà tan”, hội nhập để phát triển kinh tế, xây đựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Chính vì vậy, chúng ta không phải hội nhập bằng mọi giá, hội nhập để rồi phải trả giá rất đắt cho dân tộc. Điều đó đặt ra cho chúng ta phải luôn luôn cảnh giác với những mặt trái của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như kinh tế thị trường hiện nay.

Với những thách thức lớn đặt ra hiện nay trong quá trình chúng ta tiến hành chủ động đẩy nhanh hội nhập quốc tế. Để phát huy những lợi thế, tận dụng những cơ hội, khắc phục những khó khăn trở ngại, vượt qua thử thách, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần chủ động hơn trong quá trình hội nhập, đề ra đường lối, chủ trương, những quyết sách về hội nhập thật sự đúng đắn, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập của Việt Nam để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và sánh vai với các cường quốc năm châu.

H.A.T-H1

 

         

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét