Pages - Menu

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC HỒ CHÍ MINH ĐẾN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY

Trước sự  khủng hoảng đường lối cứu nước những năm đầu thế kỷ 20, với truyền thống yêu nước thương nòi sâu sắc đã có rất nhiều phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi nhưng đều thất bại vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn. Với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản. Có thể nói, Tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh là sự tổng hòa của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, tinh hoa dân tộc ta với hệ tư tưởng tiên tiến của giai cấp công nhân là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa yêu nước đó đã mở ra cho một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh: Giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội và giải phóng con người; đã trở thành sức mạnh tinh thần mới, đóng vai trò động lực tinh thần to lớn của mình trong công cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong thế kỷ 21.     

Tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh là một tư tưởng yêu nước sâu sắc và triệt để, yêu nước là yêu dân, coi việc giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của nước ngoài là cần nhưng chưa đủ. Dân được tự do, ấm no, hạnh phúc là cái đích phải vươn tới. Một tư tưởng yêu nước như vậy tự lô-gíc và tình cảm nội tại của nó đã có nội dung xã hội chủ nghĩa. Cho nên trong các bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lý tưởng xã hội của mình, chúng ta khó có thể phân biệt rạch ròi đâu là tư tưởng yêu nước, đâu là tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay tất yếu phải là chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tình cảm yêu nước gắn liền với lý trí cách mạng bằng thế giới quan của chủ nghĩa xã hội khoa học; một chủ nghĩa yêu nước trong hành động lao động dựng xây Tổ quốc và đấu tranh bảo vệ CNXH với tính cách là Tổ quốc. Chủ nghĩa yêu nước của tinh thần quyết chiến, quyết thắng trên mặt trận đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước. Trong một lần trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Lần khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói: "Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Theo Hồ Chí Minh  "Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu CNXH, vì có tiến lên CNXH thì nhân dân mình mỗi ngày một ấm no thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm". Trong cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân miền bắc, của nhân dân cả nước trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở của chế độ mới với tính ưu việt của nó làm cho miền bắc trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền nam; tư tưởng yêu nước và tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã hòa quyện nhau, đã trở thành một động lực tinh thần mạnh mẽ và của nhân dân trong cuộc chiến đấu một mất, một còn để giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước qua bao năm ròng.

Trung thành với quan điểm yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ở Việt Nam ý niệm về CNXH nhất thiết phải gắn liền hữu cơ với ý niệm về Tổ quốc, tư tưởng XHCN phải là sự phát triển tự nhiên của tư tưởng yêu nước, chứ không phải tư tưởng xa lạ ở bên ngoài chủ nghĩa yêu nước du nhập vào. Ngày nay đấu tranh cho một xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai được Ðảng ta định hướng một cách khoa học là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ðó là lý tưởng của mỗi người Việt Nam yêu nước. Lý tưởng giải phóng dân tộc Việt Nam phải tìm được sự hoàn thiện trong lý tưởng giải phóng xã hội và giải phóng con người Việt Nam. Lý tưởng xây dựng một Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phồn vinh đem lại ấm no hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tuyệt đối đúng. Ðó chính là tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, là chủ nghĩa xã hội phù hợp những đặc điểm lịch sử Việt Nam. Ngày nay, trong điều kiện chính quyền trong tay nhân dân, do Ðảng Cộng sản lãnh đạo và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì về cơ bản lao động xã hội đã được giải phóng, người lao động phải làm chủ. Ðảng ta đặt lên hàng đầu việc xây dựng giai cấp công nhân và đội ngũ những người lao động thật sự làm chủ; lao động cho mình và cho xã hội, dù cho còn một bộ phận lao động phải làm thuê.

Chủ nghĩa yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh khi chuyển từ công cuộc chống giặc ngoại xâm sang công cuộc xây dựng đất nước tất yếu phải là chủ nghĩa yêu nước của những người lao động; ngọn cờ yêu nước phải đồng thời là ngọn cờ lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Muốn tiến lên CNXH thì phải cải tạo xã hội cũ thành một xã hội mới,... một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng". Trong việc tôn vinh giá trị của lao động, chúng ta cần phải phổ biến trước hết trong xã hội ý niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giá trị cao quý của lao động nói chung, không phân biệt lao động phức tạp hay lao động đơn giản. Ngày nay, khi đi vào kinh tế tri thức, chúng ta khuyến khích người lao động đi vào lao động có hàm lượng trí tuệ cao là đúng nhưng cần uốn nắn xu hướng lệch lạc, hình thức chủ nghĩa, chỉ thiên về đề cao và tôn vinh lao động công nghệ cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân. Tóm lại, không có việc sang, hèn. Ngày nay, để xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN, chúng ta phải lên án tư tưởng coi khinh lao động, nhất là coi khinh lao động chân tay, chỉ thích làm thầy không thích làm thợ, thói lười lao động, ăn bám, ngại khó ngại khổ, làm giàu bất chính.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, chúng ta không muốn chiến tranh xảy ra, coi hòa bình xây dựng là thượng sách giữ nước. Thế nhưng để chiến tranh không xảy ra thì đất nước và mỗi công dân phải có sự chuẩn bị cần thiết để không bị bất ngờ. Trong tình hình hiện nay, cần phải tập trung bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận phi vũ trang. Ngay trong tình huống không có chiến tranh thì việc xây dựng đất nước trong hòa bình đã chứa đựng trong nó cuộc đấu tranh quyết liệt và phức tạp trên tất cả các lĩnh vực để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trước hết chúng ta cần một thái độ lao động trung thực, có chất lượng và hiệu suất cao, chống lại thói gian lận dối trá, mặt trái của kinh tế thị trường đang phá hoại công cuộc xây dựng đất nước ta. Yêu cầu này là chung cho lao động của mọi thành phần kinh tế. Khơi dậy và phát huy thái độ lao động mới trong toàn xã hội, chúng ta sẽ tạo ra khả năng có  thể kết hợp động lực tinh thần với động lực vật chất của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, lấy động lực tinh thần làm cơ sở, kết hợp thi đua và cạnh tranh, làm cho năng suất lao động tăng lên không ngừng. Mặt khác, đòi hỏi mỗi công dân, bên cạnh lao động xã hội chủ nghĩa dựng xây đất nước, phải ra sức bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Trong bối cảnh quóc tế hiện nay, các thế lực thù địch sẽ sử dụng tổng hợp các biện pháp vũ trang và phi vũ trang, trước hết là các biện pháp phi vũ trang, nhằm khuất phục nhân dân ta. Chính vì vậy mà chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh hiện nay đòi hỏi mọi người Việt Nam yêu nước phải có tinh thần cảnh giác thường trực, phải bảo vệ Tổ quốc một cách thường xuyên, lúc bình thường cũng như lúc Tổ quốc lâm nguy. Chúng ta chủ trương ngăn chặn để chiến tranh xâm lược không xảy ra, coi hòa bình xây dựng là thượng sách giữ nước thì chúng ta cũng chủ trương giữ cho đất nước ổn định và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không để xảy ra khủng hoảng về chính trị và kinh tế. Muốn vậy, phải có sự giác ngộ chính trị rất cao của toàn dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện giữ nước khi nước vẫn yên như ông cha ta đã dạy. Mỗi người Việt Nam biết kết hợp trong mỗi hành động của mình công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho lao động của mỗi con người vừa là lao động xây dựng vừa là lao động bảo vệ Tổ quốc. Ðó là một bước phát triển mới của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, của sức mạnh tinh thần và văn hóa Việt Nam trong thời đại mới.

NXT-H1

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét