Pages - Menu

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 


NHỚ VỀ CÔNG LAO TO LỚN CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC ĐỐI VỚI VIỆC THÀNH LẬP ĐẢNG

Ngày 3/2/2021 năm nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vui mừng kỷ niệm Đảng ta tròn 91 tuổi, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân  và toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành những mục tiêu về kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra và tiến hành Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nhìn lại chặng đường lịch sử lãnh đạo đấu tranh cách mạng của Đảng trong 91 năm qua, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử đấu tranh cách mạng chúng ta càng tự hào về Đảng Cộng Việt Nam quang vinh và Bác Hồ kính yêu. Từ ngày thành lập đến nay, Đảng đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi gian lao thử thách đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những thắng lợi vẻ vang trên đây của cách mạng Việt Nam trong 91 năm qua đều bắt nguồn từ  sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ ý nghĩa đó kỷ niệm ngày thành lập Đảng chúng ta càng tưởng nhớ về công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc, Người đã sáng lập và giáo dục rèn luyện Đảng ta . Mỗi bước thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong 91năm qua càng khẳng định ý nghĩa bước ngoặt vĩ đại của sự kiện thành lập Đảng. Sự kiện ấy càng lùi xa vào lịch sử thì ý nghĩa của nó càng được toả sáng. Kỷ niệm  91 năm ngày thành lập ĐCSVN cũng là dịp để toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng suy nghĩ sâu sắc hơn về quá trình lãnh đạo của Đảng, về kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng đã tích luỹ được để hành động tốt hơn trong hiện tại và chặng đường tương  lai tiếp theo.

Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng năm nay đúng vào thời điểm mà toàn Đảng, dân ta và toàn quân ta đã và đang thực hiện chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị và chỉ thị 87-CT/QUTW về: "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Từ  ý nghĩa quan trọng đó, kỷ niệm ngày thành lập Đảng, mỗi chúng ta, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân càng khắc sâu công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhà chiến lược thiên tài,  đồng thời là nhà tổ chức vĩ đại, Người đã sáng lập, xây dựng, rèn luyện, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cách mạng chân chính đưa cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh đạt nhiều thắng lợi vĩ đại.

Để thấy rõ công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Chúng ta trở về với bối cảnh lịch xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta năm 1858 đến đầu thế kỷ XX đã liên tiếp nổ ra các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ của nhân dân ta. Tựu chung các phong trào yêu nước này do các sĩ phu yêu nước đứng trên lập trường của giai cấp phong kiến và lập trường tư sản, tiểu tư sản lãnh đạo nhưng đều bị thất bại đã bộc lộ khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam. Cuộc khủng hoảng đó thực chất là cuộc khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo cách mạng. Lịch sử cách mạng Việt Nam lúc này đã đặt ra yêu cầu phải có một giai cấp tiên tiến nhất trong xã hội đứng ra lãnh đạo cách mạng. Trong hoàn cảnh lịch sử đó chính anh thanh niên Nguyễn Tất Thành bằng sự mẫn cảm chính trị của mình, là người đầu tiền đã nhận thức được yêu cầu mới của lịch sử và của thời đại, bằng trí tuệ sáng suốt, bằng ý chí vượt khó. Ngày 5/6/1911 trên bến cảng nhà Rồng của thành phố Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc thân yêu đi sang các nước phương Tây, nơi được coi là có tư tưởng tự do, dân chủ và khoa học kỹ thuật hiện đại, xem các nước làm thế nào rồi về giúp đồng bào. Người đã đi qua nhiều nước trên thế giới tìm hiểu sâu sắc các cuộc cách mạng thâm nhập vào quần chúng lao khổ và cuối cùng Nguyễn Tất Thành (từ năm 1919 lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) đã tìm được cái mà trong cuộc hành trình dài ngày qua các đại dương và đại lục đó là sự kiện tháng 7/1920 Nguyễn Ái Quốc đọc bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Sự kiện lịch sử này đã làm cho Người vui sướng phát khóc và reo lên như nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[1]. Chỉ sau một thời gian nỗi vui mừng phát hiện đó đã được thể hiện tại Đại hội Tua (tháng 12/1920) bằng hành động dứt khoát, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và là một trong những người sáng lập ra Đảng cộng sản Pháp. Từ đây Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước chân chính đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Cũng từ sự kiện lịch sử này, Nguyễn Ái Quốc xúc tiến chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Để biến mục tiêu, lý tưởng cách mạng thành hiện thực, vấn đề được Nguyễn Ái Quốc quan tâm hàng đầu là sáng lập ra Đảng Cộng sản, một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam vì theo Người, “cách mạng trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động dân chúng, ngoài thì  liên lạc với dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”2.

Chính từ quan điểm đó, bằng những hoạt động phong phú, khoa học và sáng tạo, NAQ đã hăng hái tiến hành một cuộc đấu tranh kiên trì gian khổ từ phạm vi quốc tế cũng như trong nước thông qua hai con đường Pháp và Trung Quốc để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Nguyễn Ái Quốc đã thông qua sách báo và các tác phẩm như: “Người cùng khổ”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường cách mệnh”, báo “Thanh niên”... thông qua  còn đường sách báo và tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp, vạch trần bản chất của chủ nghĩa đế quốc, nêu lên mỗi quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Về phác thảo đường lối cứu nước, thể hiện tập trung trong tập bài giảng ở lớp chính trị ở tại Quảng Châu, Trung Quốc qua tác phẩm Nguyễn Ái Quốc đã xác định rõ phương hướng, mục tiêu chiến lược, sách lược, lực lượng cách mạng, giai cấp lãnh đạo cách mạng ... Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”. Những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin được Nguyễn Ái Quốc cụ thể hoá với những bài nói, bài viết mộc mạc gần gũi, dễ hiểu  truyền bá vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, giáo dục giác ngộ lập trường yêu nước sang lập trường GCCN đưa phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác. Cùng với việc truyền bá lý luận chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực hoạt động chuẩn bị về mặt tổ chức như: huấn luyện đào tạo cán bộ khởi đầu từ các lớp huấn luyện do Người tổ chức ở Quảng Châu, Trung Quốc, thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925) vừa để chuẩn bị tổ chức cán bộ vừa để truyền  bá chủ nghĩa Mác -Lênin và từng bước xây dựng đường lối chính trị đúng đắn.

Như vậy hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện sứ mệnh lịch sử là người gieo hạt giống của chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXH trên mảnh đất của chủ nghĩa yêu nước đã được chuẩn bị sẵn. Hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nông dân lên đến đỉnh cao đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của đội tiền phong cách mạng có đủ bản lĩnh để lãnh đạo cuộc cách mạng của toàn dân tộc đó là Đảng Cộng sản. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên  đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử chuẩn bị sự ra đời của Đảng Cộng sản ở nước ta. Chỉ trong thời gian ngắn từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930 đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng nước ta. Tuy nhiên ba tổ chức cộng sản này đã đánh giá nhau không đúng và chưa nhận thức được hiện tượng phân tán và chia rẽ tổ chức của phong trào. Vì vậy khắc phục sự phân tán và chia rẽ về tổ chức  là nhiệm vụ cấp bách trước mắt của những cộng  sản. Với sự xuất hiện kịp thời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đầu năm 1930 đã thống nhất 3 tổ chức cộng sản ở nước ta thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thành lập Đảng đã hoàn thành chương trình do Nguyễn Ái Quốc vạch ra và chủ trì điều hành, là mốc son đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng Việt Nam, là bước ngoạt của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là thành quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác -Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Điều đó chứng tỏ rằng kết quả sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 càng làm sáng tỏ thêm vai trò to lớn tầm cao tư tưởng và phương pháp lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc.

Tóm lại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tinh thần chủ động, sáng tạo đã kịp thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam là thành lập một Đảng cộng sản, chấm dứt tình trạng phân tán của tổ chức cộng sản lúc bấy giờ, xây dựng đội tiền phong thống nhất, tập trung của giai cấp công nhân để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra cương lĩnh cách mạng định hướng cho cách mạng Việt Nam, qua  nội dung cơ bản của cường lĩnh vắn tắt, Nguyễn Ái Quốc đã phác thảo toàn bộ cương lĩnh chính trị của Đảng chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ qúa trình phát triển của cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng XHCN. Điều đó càng minh chứng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công lao to lớn của Người đối việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, càng tự hào về Đảng bao nhiêu chúng ta càng nhớ về công lao to lớn của Người bấy nhiêu. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng trong đó có những người làm công tác lý luận càng thêm tự hào về Đảng quang vinh, về nhân dân anh hùng, về lịch sử vẻ vang của dân tộc ta tích cực tham gia vào việc tổng kết những bài học kinh nghiệm của Đảng, của cách mạng trong 91 năm qua vận dụng sáng tạo những bài học ấy để soi sáng thực tiễn công cuộc đổi mới. Đó chính là tự hào về Đảng, tự hào về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cũng chính là việc làm thiết thực để học tập, làm việc theo tư tưởng của Người, kính dâng lên Đảng ta tròn 91tuổi.

NXT-H1

 



 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, Tập 10, Tr.3.

2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sự Thật, H. 2011, Tập 1, Tr.115.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét