Pages - Menu

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

NHỚ LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY 13/3/1960 VỀ GIÁ TRỊ CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI


"Chủ nghĩa xã hội làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc và học hành tiến bộ". Đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Nguyên ngày 13 tháng 3 năm 1960. Đúng vào thời điểm miền Bắc đang tiến hành khôi phục, cải tạo và bước đầu phát triển nền kinh tế, văn hóa xã hội chủ nghĩa, quân và dân miền Nam đang đẩy mạnh đấu tranh chính trị, tiến tới phát động cao trào cách mạng mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà trẻ, chia kẹo cho các cháu thiếu nhi tháng 02/1960 (Ảnh tư liệu)

Quan điểm trên đây của Người cùng với đường lối, chủ trương đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) đã trở thành định hướng, phương châm, mục tiêu hành động của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng miền Bắc theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, củng cố, tăng cường sức mạnh của hậu phương lớn làm tròn nghĩa vụ đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Dưới ánh sáng của Đại hội III, quân và dân ta thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, hướng tới mục tiêu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; sự nghiệp đấu tranh cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và xây dựng chế độ xã hội mới, giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh xét đến cùng là vì hạnh phúc, vì sự phát triển toàn diện của con người. Ngược lại, con người là lực lượng chính của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, là lực lượng sản xuất quan trọng nhất và là chủ thể sáng tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội. Với tinh thần đó 15 năm sau, quân và dân ta đã hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (4-1975), mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, hòa bình, thống nhất cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

          Cho đến hiện nay, câu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Giá trị đó thể hiện ở chỗ, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, là phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử. Đồng thời, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã mở ra con đường để xây dựng một Việt Nam phát triển hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, kinh tế - xã hội ngày một phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Chúng ta có thể so sánh nếu như năm 2000 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 400 USD/người/năm thì đến năm 2020 đã tăng lên 2.800 USD/người/năm (tăng gấp 7 lần năm 2000).  Chính vì vậy, Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định: “Mây đen phủ lên kinh tế toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam”. Từ sự phát triển của kinh tế đất nước, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, chất lượng giáo dục, y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe... ngày càng hoàn thiện; mỗi công dân Việt Nam có điều kiện phát triển toàn diện, có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, có thể trở thành một công dân toàn cầu.

          Có thể thấy rằng, kinh tế của chúng ta ngày càng tăng trưởng theo hướng triển vọng trong khu vực và trên thế giới. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nguồn lực nội sinh, là năng lượng tiềm tàng tạo thành sức mạnh vĩ đại của dân tộc trong thời kỳ mới. Trong kỷ nguyênToàn cầu hóa, khu vực hóa nền kinh tế hiện nay, lời căn dặn của Bác kính yêu là động lực soi sáng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững tin hơn, kiên định hơn vào mục tiêu độc lập dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đời sống nhân dân có được ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện thì mới xây dựng được niềm tin nơi nhân dân, thế trận lòng dân mới ngày một vững chắc, như bức thành đồng Tổ quốc trước mọi cơn sóng gió, đập tan mọi nguy nan, hiểm họa, sự chống phá của các thế lực âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ”./.

                                                                                             N.D.M - K3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét