Pages - Menu

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

NHỮNG ĐIỂM MỚI QUAN TRỌNG CỦA ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII

 


        Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Hà Nội. Cùng với cả nước, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Đất Tổ hướng về Đại hội với kỳ vọng Đại hội sẽ phát huy trí tuệ tập thể, lựa chọn những người có đủ năng lực, phẩm chất, trình độ vào BCH Trung ương khóa mới để có những quyết sách đúng đắn, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại, một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đại hội lần này được chuẩn bị công phu với nhiều điểm mới, điểm nhấn trong công tác văn kiện, công tác nhân sự hướng tới khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

        Từng nghiên cứu, tham gia đóng góp vào các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được tiến hành rất công phu, bài bản, chu đáo, khoa học, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới, tiến bộ về chất; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, trân trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

        Các văn kiện trình Đại hội lần này không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

        Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương: Có 8 điểm mới nổi bật trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đó là xác định chủ đề Đại hội; xác định cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới; dự báo tình hình thế giới và khu vực; nêu hệ quan điểm chỉ đạo; cách tiếp cận xác định mục tiêu; nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; xác định nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế trên các lĩnh vực; xác định nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược.

        Còn theo GS.TS. Phùng Hữu Phú- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương: Những điểm mới trong dự thảo Văn kiện không  chỉ mới về câu chữ mà mới từ cách tiếp cận, tầm bao quát, từ những tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phấn đấu và những định hướng phát triển đất nước trên cơ sở tổng kết nghiêm túc thực tiễn đổi mới đầy sáng tạo của nhân dân ta qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, (năm 1991), trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, sửa đổi năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội (2011-2020), 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; từ sự phân tích, dự báo xu thế phát triển của thế giới; nghiên cứu, tiếp thu các thành quả phát triển lý luận.

        Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII còn có một số điểm nhấn, trong đó có hai thành tố mới được đề cập và nhấn mạnh nhiều lần, từ chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược: Đó là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đổi mới sáng tạo. Cũng theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, đây là yếu tố rất mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Đặc biệt yếu tố hạnh phúc là điểm nhấn trong dự thảo Văn kiện lần này thể hiện tính con người, tính nhân văn đậm nét hơn.

        Ngoài chuẩn bị tốt các văn kiện trình bày tại Đại hội XIII, công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tới được triển khai từ Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10/2018). Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết: So với khóa XII, số lượng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ít hơn, chặt chẽ hơn. Việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ và trước hết là tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội XIII, không thể vừa quy hoạch nhân sự khóa XIII, vừa quy hoạch nhân sự cho “các nhiệm kỳ tiếp theo” như nhiệm kỳ trước. Trong quy hoạch nhân sự Đại hội XIII tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trước; quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau; cuối cùng là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

        Để Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thật sự là một tập thể đoàn kết, thống nhất, trong sạch vững mạnh; có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược; tiêu biểu cho toàn Đảng về trí tuệ, tính chiến đấu, tính kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, đảm bảo tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ cao cấp của Đảng, theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, chất lượng nhân sự được chú trọng, đảm bảo số lượng và cơ cấu hợp lý với tỷ lệ trẻ dưới 45 tuổi trên 10% (khóa XII là 9,5%); cán bộ nữ từ 10-12% (khóa XII là 10%); cán bộ là người dân tộc thiểu số từ 10-12% (khóa XII là 8,5%), được tiến hành chặt chẽ theo quy trình 5 bước và trình tự trên tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, đặt lợi ích của Quốc gia - dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện đồng thời không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, có tín nhiệm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân như mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

        Về cơ cấu độ tuổi tham gia BCH Trung ương khóa mới, có 3 độ tuổi: Dưới 50, từ 50 đến 60 và 61 tuổi trở lên để đảm bảo kế thừa. Trong đó, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi). Nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.

        Giải thích về “trường hợp đặc biệt” là những người ngoài cơ cấu độ tuổi tham gia BCH Trung ương khóa XIII với Ủy viên Trung ương là quá 60 tuổi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quá 65 tuổi, đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Những trường hợp “đặc biệt” so với quy định chung cần tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Bộ Chính trị sẽ cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt và thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu với Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Tại hội nghị Trung ương 15 khóa XII, BCH Trung ương đã biểu quyết thông qua danh sách bổ sung một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp “đặc biệt” tham gia Ủy viên Trung ương chính thức; thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XIII. 

 Mõ làng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét