Bản lĩnh chính trị là phần cốt lõi, cơ bản nhất, là
phẩm chất quan trọng cần phải có hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên, là tinh thần,
ý chí quyết tâm phấn đấu, vượt qua mọi gian khổ và không dao động trước thử
thách để hoàn thành nhiệm vụ. Đó cũng là tinh thần chủ động trong đấu tranh, phản
bác những quan điểm sai trái của các đối tượng thù địch, phản động bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng, chống lại các nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ.
Theo Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng
viên là sự thể hiện tính giai cấp, “tính Đảng” trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm;
là luôn “nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu
với dân”[1]; là “phải quyết
tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đó là phẩm chất cao quý của người
cách mạng, đó là đạo đức cách mạng, đó là tính Đảng, tính giai cấp, nó đảm bảo
cho sự thắng lợi của Đảng, của giai cấp, của nhân dân”[2].
Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên
có vai trò quan trọng trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng;
khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng
viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, với những biểu hiện về sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa
cá nhân, chạy theo danh lợi, tiền tài, địa vị, tham ô, tham nhũng, mưu cầu lợi
ích nhóm… Thực tế công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng những năm qua, đặc biệt
là khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp
bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh
việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung
ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa
XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh”, với những quy định về những điều đảng viên không được làm… đã cho thấy
việc rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được triển
khai thực hiện nghiêm túc ở Trung ương và địa phương.
Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên cần
thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, giáo dục nâng cao nhận thức, tăng cường
giáo dục chính trị tư tưởng, lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kém lý luận, hoặc
khinh lý luận, hoặc lý luận suông” dẫn tới khuyết điểm và trước hết, nguy hiểm
nhất là “khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan” mà “nếu không chữa
ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng”[3]. Học tập lý luận
chính trị, đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị là công việc quan trọng,
cần thiết, cấp bách, thường xuyên và lâu dài của mỗi tổ chức, cán bộ, đảng
viên. Trau dồi, bồi dưỡng về lý luận chính trị; khắc phục những hạn chế trong
công tác giáo dục chính trị tư tưởng; giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng...
sẽ giúp cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc bản chất cách mạng, khoa học; những
nguyên lý, quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về
đạo đức cộng sản, đạo đức cách mạng; nắm vững đường lối, chính sách, pháp
luật của Đảng, Nhà nước. Từ đó, có nhận thức, tình cảm chính trị đúng đắn, có
thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng. Trong học tập, phải gắn lý
luận với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác, phát huy tính độc lập, tích cực,
chủ động, sáng tạo, “học đi đôi với hành”. Đa dạng hóa các phương thức giáo dục
lý luận chính trị theo hướng thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao khả năng “tự miễn
dịch, tự đề kháng” trước những tác động tiêu cực, trái chiều.
Hai là, thường xuyên giáo dục, rèn luyện,
nâng cao đạo đức cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân.
Đạo đức của người cán bộ cách mạng được thể hiện
trước hết ở chỗ, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết,
biết giải quyết đúng đắn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của giai cấp, của dân
tộc. Đạo đức cách mạng là sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí,
không hủ hoá, tham ô, không đặc quyền đặc lợi. Đạo đức cách mạng là bất kì ở
cương vị nào, bất kì làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một
lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích
xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên bất luận
trong hoàn cảnh nào cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, ra
sức học tập, phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng. Nếu khi lợi ích của Đảng
và của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích của cá nhân phải tuyệt đối phục
tùng lợi ích của Đảng... Như vậy, đối với người cán bộ, đảng viên là phải ra sức
học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, hết lòng, hết sức
phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, vì Đảng, vì dân mà chiến
đấu quên mình, gương mẫu trong mọi công việc của Đảng, đặt lợi ích của Đảng và
của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Trong Di
chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng,
phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải xứng đáng là người lãnh đạo,
là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Muốn vậy, người cán bộ phải kiên quyết
chống tham ô, lãng phí, quan liêu là 3 thứ “giặc nội xâm”; đồng thời phải chống
cả chủ nghĩa cá nhân, vì nó là nguồn gốc đẻ ra đủ loại tệ nạn, làm tổn hại đến
sự nghiệp cách mạng.
Giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng,
phát huy vai trò nêu gương, thống nhất giữa nói và làm của mỗi cán bộ,
đảng viên nhằm tăng cường “sức đề kháng” chống lại “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ. Rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị phải luôn gắn với
“nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” theo phương châm mọi
tổ chức, cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày.
Ba là, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức
đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng là tổng hợp
những khả năng, điều kiện chủ quan của tổ chức cơ sở đảng được tạo nên từ những
yếu tố nội sinh, từ sự phấn đấu của tổ chức cơ sở đảng để thực hiện nhiệm vụ
lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng chính là khả năng, điều kiện
của tổ chức cơ sở đảng trong việc thực hiện các khâu, các bước của quy trình
lãnh đạo nhằm đạt được kết quả cao trong thực tiễn. Năng lực đó được phản ánh
thông qua việc ra nghị quyết, tổ chức thực hiện nghị quyết, kiểm tra, giám sát
và sơ, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của các tổ chức cơ sở đảng.
Sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được biểu
hiện trước hết ở trình độ giác ngộ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng của tổ chức
cơ sở đảng trước mọi biến động của tình hình chính trị - xã hội. Khả năng khắc
phục những biểu hiện tiêu cực, sai trái, những hạn chế, khuyết điểm của bản
thân tổ chức cơ sở đảng và của cơ quan, đơn vị. Nhạy bén về chính trị và kiên
quyết đấu tranh chống lại những quan điểm, hành động thù địch, ngăn chặn tác động
tiêu cực từ bên ngoài của cấp ủy, đảng viên. Thể hiện ở việc ủng hộ cái đúng,
cái mới, cái tiến bộ, bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường
lối quan điểm của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước. Thể hiện ở sự đoàn kết, kỷ
luật nghiêm và chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Thể hiện
ở tính tiên phong gương mẫu, ý chí quyết tâm của cán bộ, đảng viên trong thực
hiện nhiệm vụ.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ
chức cơ sở đảng để mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên xứng đáng
là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Cán bộ, đảng
viên phải tiên phong gương mẫu, vững vàng trước mọi biến động của
tình hình chính trị - xã hội.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, chăm lo
xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; gắn nâng cao chất lượng ra nghị quyết với
tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. Chủ động khắc phục những biểu hiện tiêu
cực, sai trái, hạn chế, khuyết điểm. Kiên quyết đấu tranh chống lại những quan
điểm, hành động thù địch để bảo vệ nền tảng, đường lối, quan điểm của Đảng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảng viên chấp
hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thực hiện
Điều lệ Đảng và quy định về những điều đảng viên không được làm; tự soi, tự sửa
các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Có cơ chế để
nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ
quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí truyền thông... trong kiểm tra,
giám sát cán bộ, đảng viên. Gắn kiểm tra, giám sát với thi hành kỷ luật Đảng;
kiên quyết, nghiêm minh xử lý đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm và những
tổ chức đảng yếu kém. Tăng cường kiểm tra trách nhiệm chính trị, vai trò nêu
gương của người đứng đầu trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí
và lợi ích nhóm.
Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm trong công
tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Bảo vệ chính trị nội bộ là công việc thầm lặng, là
nhiệm vụ không chỉ của các cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ, người đứng
đầu cấp ủy mà còn là của mỗi cán bộ, đảng viên. Bảo vệ chính trị nội bộ trong
tình hình mới đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc và nâng cao
nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong
tình hình mới. Nâng cao cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các
thế lực thù địch, phản động núp bóng dưới nhiều chiêu trò khác nhau. Thực hiện
tốt các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là 2 Nghị
quyết Trung ương 4 (khoá XI, khoá XII); ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự
chuyển hoá” trong nội bộ. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng
thuận trong xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi
âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Lấy phòng ngừa,
ngăn chặn, triệt tiêu các nguy cơ từ gốc là nhiệm vụ cơ bản; lấy đấu tranh là
nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Nắm chắc tình hình, nhận diện, phân loại đối
tượng, xác định chiến lược, sách lược, nội dung, hình thức và phương pháp đấu
tranh phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ hiện nay. Sử dụng sức
mạnh tổng hợp, tạo thế cô lập, kiên quyết đấu tranh với các tổ chức phản động
lưu vong, hội, nhóm, phần tử phản động, cơ hội chính trị công khai chống đối và
can thiệp vào công tác chính trị nội bộ Đảng cũng như can thiệp vào công việc nội
bộ của ta. Tăng cường công tác quản lý hoạt động đối với các tổ chức phi chính
phủ nước ngoài, các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện... không để các phần tử xấu lợi
dụng tác động vào công tác chính trị nội bộ của ta. Coi trọng giáo dục, thuyết
phục, đối thoại để lôi kéo, chuyển hoá những người có quan điểm lệch lạc, tư tưởng
bất mãn, suy thoái, hoặc bị lợi dụng, mua chuộc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét