Các thế lực thù địch chống phá, xuyên tạc lịch sử nước ta cho rằng “Sự hao tổn xương máu của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là do Đảng Cộng sản gây ra”(!) Phải chăng họ không có kiến thức về lịch sử? Chắc hẳn không phải như vậy, có chăng là sự hiểu biết và cách nhìn nhận về lịch sử của họ đã bị thiên lệch, cố tình bỏ qua những vấn đề căn bản trong xem xét, đánh giá lịch sử. Để làm sáng tỏ vấn đề này, trước hết, phải làm rõ ranh giới giữa kẻ xâm lược với người bị xâm lược, giữa phi nghĩa và chính nghĩa. Đặt vấn đề “sự hao tổn xương máu của dân tộc” một cách chung chung là một kiểu lập lờ về sự không cần thiết của hai cuộc kháng chiến chống xâm lược. Đất nước này, dân tộc này đã từng tồn tại hàng ngàn năm. Sự tồn tại và vị thế có được của cả dân tộc, đem lại tư cách chủ nhân thật sự của từng con người Việt Nam là nhờ có mồ hôi và máu của bao thế hệ đã đổ xuống. Sự cống hiến, hy sinh ấy trở thành lẽ sống của người dân Việt, cần được tôn vinh và ghi nhận. Những cuộc khởi nghĩa, những cuộc kháng chiến chống xâm lược trong lịch sử dân tộc trước kia và gần đây hơn là hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là hành động tự vệ chính nghĩa của một dân tộc độc lập. Nếu không có những kẻ xâm lược, tất không cần phải đặt ra vấn đề chống xâm lược, và đương nhiên sẽ không có vấn đề hao tổn xương máu của dân tộc ta. Kẻ lãnh trách nhiệm về sự hao tổn xương máu ấy phải là quân xâm lược và tay sai của chúng. Về phía chúng ta, độc lập, tự do là lẽ sống. Độc lập, tự do thật sự - độc lập, tự do trong đó nhân dân là người làm chủ đất nước. Đó tuyệt nhiên không phải là thứ độc lập, tự do giả hiệu do kẻ xâm lược nặn ra, ban phát như một thứ bánh vẽ. Độc lập, tự do của dân tộc ta, nhân dân ta chỉ có được bằng cuộc đấu tranh với kẻ thù xâm lược và những kẻ cam tâm làm tay sai cấu kết với chúng. Sự hy sinh xương máu để có được độc lập, tự do của dân tộc cũng là lẽ đương nhiên mà mọi người Việt Nam yêu nước đều tự ý thức được, tự giác dâng hiến. Trong đội ngũ ấy, những người cộng sản Việt Nam luôn là lực lượng tiên phong. Đó thật sự là những người yêu nước nhất của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ. Vấn đề tiếp theo cần khẳng định là: giữa chiến tranh và hòa bình, dân tộc ta, nhân dân ta luôn lựa chọn hòa bình. Đó là mục tiêu, là con đường đỡ hao tổn xương máu nhất, nếu có thể sử dụng được. Những người cộng sản Việt Nam luôn mong muốn tìm kiếm con đường hòa bình để giành và giữ độc lập, thống nhất dân tộc. Nhưng kẻ thù của dân tộc, của nhân dân ta lại muốn cai trị nước ta bằng mọi giá, không chịu thừa nhận một nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Do đó, mọi cơ hội giải quyết sự đối đầu bằng hòa bình đều bị chối bỏ. Trước khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã từng gửi đến Hội nghị Vécxay bản yêu sách 8 điểm với nội dung cốt lõi là Việt Nam được độc lập. Các nước đế quốc tham dự Hội nghị này đã chối bỏ những yêu sách đó. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam giành độc lập, song quân xâm lược Pháp đã gây hấn trở lại. Lịch sử ghi nhận Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chìa bàn tay hòa bình với Pháp, nhưng người Pháp không chấp nhận, bởi lẽ họ ưa dùng vũ lực để khuất phục hơn là đối thoại hòa bình. Thời chống Mỹ cũng vậy, chính Mỹ đã không chịu ký vào Hiệp định Giơnevơ (1954) để dễ bề phá vỡ nội dung Hiệp định đó. Trong quá trình chiến tranh, đặc biệt là suốt cả thời gian diễn ra Hội nghị Pari về Việt Nam, Mỹ luôn giữ lập trường ngoan cố không chịu thừa nhận một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự quyết định vận mệnh của mình. Chỉ đến khi đã leo thang chiến tranh đến đỉnh điểm và thất bại cay đắng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ mới chịu ký Hiệp định Pari. Như vậy, lịch sử cho thấy nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, mong chấm dứt sự hao tổn xương máu không những của người Việt Nam, mà của cả nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ. Nhưng một khi nền độc lập, tự do của dân tộc bị kẻ xâm lược chà đạp, nhân dân Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giành lại và bảo vệ nền độc lập, tự do ấy. Điều đó chẳng lẽ ai đó lại không hiểu, lại cố tình “quên” hoặc làm ngơ! Không! Chắc hẳn những điều đó họ đã biết, nhưng cố tình lãng quên sự thật lịch sử, cố tình đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Việt Nam, làm như chính họ mới là người công tâm, đau xót trước sự “hao tổn xương máu của dân tộc”. Đó cũng là cách để họ không những đạt mục đích “hạ bệ” vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo hai cuộc chiến tranh, hơn thế nữa muốn kết tội những người cộng sản. Để bảo vệ cho sự “đánh tráo” lịch sử của mình, họ còn viện dẫn rằng “nhiều nước không cần đến Đảng Cộng sản vẫn giành được độc lập”. Đến đây thì mọi việc đã rõ: cái mấu chốt là ai đó muốn loại Đảng Cộng sản ra khỏi đời sống xã hội hiện tại, bằng cách bôi nhọ, hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản trong lịch sử. Mỗi dân tộc đều tự viết nên lịch sử, có quyền tự quyết định hiện tại và tương lai của dân tộc mình. Nền độc lập của mỗi dân tộc tuy có những điểm chung nhất định, nhưng cũng có những điểm khác biệt, mà cái cơ bản nhất là nền độc lập ấy có thuộc về đa số nhân dân hay không; quyền lực của đất nước có thật sự thuộc về nhân dân hay không. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi nhận rằng, chính nhân dân Việt Nam đã thừa nhận và tôn vinh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tự giác đi theo Đảng, tự giác chấp nhận gian khổ, hy sinh để giành và giữ độc lập dân tộc, giành tự do thật sự cho chính mình. Mọi luận điệu muốn đổ lỗi, thậm chí muốn kết tội Đảng Cộng sản Việt Nam, thực chất là đi ngược lại ý chí của nhân dân, đồng lõa với kẻ thù của dân tộc - những kẻ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về sự hao tổn xương máu của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược.
ĐXT-H3
bài viết rất ý nghĩa!
Trả lờiXóa