Pages - Menu

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

CHẶN ĐỨNG NHỮNG “ÂM THANH LẠC ĐIỆU” VỀ NGÀY HỘI TOÀN DÂN ĐI BẦU CỬ

Chủ nhật ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân. 

Cử tri cả nước tham gia bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, thực thi quyền làm chủ trước vận mệnh, tương lai của đất nước. Thành công của cuộc bầu cử góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu có đủ đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Hướng về sự kiện trọng đại này, cùng với các cơ quan tổ chức bầu cử, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, công khai, minh bạch, đạt kết quả tốt đẹp. 

Thế nhưng, đi ngược lại với quyết tâm và mục tiêu chung ấy, càng gần đến ngày bầu cử, các phần tử cơ hội chính trị, thù địch, phản động, lại càng ráo riết tiến hành các hoạt động chống phá, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phá hoại cuộc bầu cử. Chúng tìm mọi cách, tung lên các trang mạng xã hội đủ loại thông tin sai lệch, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta, Đảng ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; bịa đặt, tung tin sai sự thật về công tác bầu cử để gây nhiễu loạn, hoang mang, hoài nghi trong nhân dân; kích động, kêu gọi người dân không tham gia bầu cử; lợi dụng quyền tự ứng cử đại biểu Quốc hội để gây rối... Với nhiều chiêu trò, thủ đoạn khác nhau, chúng đều hướng tới mục tiêu phá hoại cuộc bầu cử, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. 

Việc cố tình phát tán những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt để chống phá Đảng, Nhà nước, đã đi ngược mong muốn, nguyện vọng của cử tri và đông đảo nhân dân. Đó chỉ là những âm thanh nhỏ nhoi, lạc điệu, không thể làm thay đổi âm điệu hùng tráng của cả một bản nhạc vui, không thể ảnh hưởng đến niềm tin tưởng và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân hướng về Ngày bầu cử. 

Quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chỉ thông qua bầu cử, công dân mới thực hiện quyền của mình để bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Đây không chỉ là quyền thiêng liêng của mỗi cử tri mà còn là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.  

Để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử, ngay từ rất sớm, ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm. 

Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đã đề ra. 

Trước những diễn phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã liên tục có các văn bản chỉ đạo để đảm bảo việc triển khai các bước trong công tác chuẩn bị bầu cử không bị gián đoạn khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có Văn bản 234 gửi Ủy ban Bầu cử ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh; Văn bản số 640 gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; Văn bản 214 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Hội đồng tới Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu rà soát, cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19... 

Và thực tế, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, qua 3 vòng tổ chức hội nghị hiệp thương, tại Trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, tổ chức các Hội nghị hiệp thương đúng tiến độ, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, góp phần hoàn thành trọng trách của Mặt trận Tổ quốc đã được Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân giao phó. 

Đến nay, cả nước có 868 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, có 6.201 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 để bầu 3.727 đại biểu; 37.463 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện để bầu 22.953 đại biểu; 405.110 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã bầu 246.510 người. 

Ngay sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Ủy ban Bầu cử các cấp công bố danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tới thời điểm này, các ứng cử viên đang tiến hành hoạt động vận động bầu cử. 

Đây là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu khi được bầu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử. Trên cơ sở đó, cử tri cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. 

Có thể nói, các hoạt động tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên thực sự là đợt sát hạch cuối cùng để cử tri, nhân dân cả nước gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng qua những lá phiếu bầu trong Ngày bầu cử 23/5 tới đây. 

Tới thời điểm này, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nhiều tới công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, nhưng vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các cấp chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, để Ngày bầu cử 23/5/2021 diễn ra dân chủ, công khai, minh bạch, đúng trình tự pháp luật nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân và thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân./. 

 Tia chớp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét