Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu có nguyên nhân sâu xa từ thất bại của mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp. Vậy có phải ngay từ đầu mô hình này đã thất bại và đã xa rời chủ nghĩa Mác? Cần thấy rõ, trong nhiều thập kỷ mô hình này đã đạt được những thành quả phát triển vĩ đại, đưa Liên Xô từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành siêu cường thế giới với mức sống, phúc lợi, công bằng và bình đẳng xã hội được bảo đảm ở mức độ tương đối cao. Mô hình này cũng được áp dụng thành công ở các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và một số nước thuộc địa mới giành độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hình thành phe xã hội chủ nghĩa thế giới.
Vậy từ khi nào, tại sao mô hình này
lại thất bại? Thực tế, từ thập kỷ 1970, lực lượng sản xuất thế giới bước vào
giai đoạn phát triển tăng tốc với hai động lực chính là cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ ba và quá trình toàn cầu hóa. Mà khi đó Liên Xô và các nước xã hội
chủ nghĩa theo mô hình Xôviết lại trở nên xơ cứng, trì trệ, không bắt kịp với
những thay đổi của thời đại, ngày càng chệch hướng khỏi các nguyên lý mácxít -
lêninnít. Các đảng cộng sản cầm quyền ngày càng xa rời thực tiễn, rơi vào tình
trạng giáo điều về tư tưởng, sa sút về tinh thần, suy thoái về tổ chức, tha hóa
về đạo đức, đánh mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa bị xói mòn bởi tình trạng tập trung quyền lực và tệ sùng bái cá nhân ngày
càng trở nên chuyên chế, quan liêu, độc đoán, duy ý chí, khiến cho các mâu
thuẫn xã hội tích tụ không được giải quyết, bức xúc xã hội gia tăng. Nền kinh
tế kế hoạch hóa tập trung mất dần tính hiệu quả và động lực phát triển do các
quan hệ sản xuất trở nên xơ cứng, coi nhẹ lợi ích cá nhân, triệt tiêu tính chủ
động, sáng tạo của con người, cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất,
hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng giảm sút.
Những sai lầm nghiêm trọng của ban
lãnh đạo Liên Xô, đứng đầu là Gorbachev trong quá trình cải tổ chính là nguyên
nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và
Đông Âu. Đổ vỡ đã có thể không xảy ra nếu công cuộc cải tổ được tiến hành từng
bước thận trọng chứ không ồ ạt trên cả bốn phương diện: Tự do hóa kinh tế, dân
chủ hóa chính trị, phi ý thức hệ tư tưởng và mở cửa ra bên ngoài. Vì vậy, đã
làm bùng nổ và tràn lan không thể kiểm soát được các mâu thuẫn chính trị, kinh
tế, xã hội, tôn giáo, sắc tộc, các xu hướng ly tâm, cấp tiến hóa, cực đoan hóa.
Cải tổ bắt đầu bằng chính sách
“tăng tốc” nhằm nâng cao năng suất lao động thông qua cắt giảm chi phí, thắt
chặt kỷ luật lao động và bước đầu áp dụng một số nhân tố thị trường vào mô hình
kinh tế kế hoạch của Liên Xô. Sau một vài thành công ban đầu, các rối loạn về
giá cả, khan hiếm hàng tiêu dùng bùng phát, khủng hoảng kinh tế bắt đầu. Để duy
trì quyền lực của mình trước sự phản đối trong Đảng và ngoài xã hội Gorbachev
phát động chính sách công khai hóa và dân chủ hóa mà thực chất là kích động dư
luận công kích, bôi nhọ Đảng Cộng sản, phủ nhận thành tựu của 70 năm xây dựng
chủ nghĩa xã hội, tiến tới xóa bỏ quyền kiểm soát của Đảng đối với lĩnh vực
truyền thông, bật đèn xanh cho quá trình tư nhân hóa ồ ạt các xí nghiệp quốc
doanh, làm mất chỗ dựa kinh tế của quyền lực lãnh đạo của Đảng. Gorbachev đã phá
vỡ nguyên tắc tổ chức tập trung dân chủ trong Đảng, tùy tiện khởi động cải cách
chính trị nhằm hạn chế tiến tới xóa bỏ quyền lực của Đảng Cộng sản, phi chính
trị hóa quân đội và công an, tước bỏ chức năng bảo vệ Đảng của các lực lượng vũ
trang.
Vào tháng 6 năm 1988 tại Hội nghị
đại biều lần thứ 19 của Đảng, Gorbachev đã áp đặt “tư duy mới” về “chủ nghĩa xã
hội mới dân chủ và nhân đạo” thực chất là chuyển hướng sang các giá trị tư sản
phương Tây, thay thế nguyên tắc tập trung dân chủ bằng dân chủ bầu cử hình
thức, giải tán 23 ban trung ương của Đảng thực chất là tước bỏ các công cụ cầm
quyền của Đảng, thực hiện đa nguyên hóa chính trị thông qua cái gọi là “phân
chia lại quan hệ quyền lực giữa Đảng và các xôviết” thực chất là xóa bỏ vai trò
của Đảng như đội tiền phong của giai cấp công nhân, chuyển trung tâm quyền lực
nhà nước từ tay Đảng Cộng sản sang các xôviết. Đây là một trong những nguyên
nhân dẫn đến đổ vỡ hệ thống chính trị ở Liên Xô. Với nhiều thủ đoạn chính trị
tinh vi, quyền lực của Đảng đã bị chuyển sang tay Xôviết tối cao, sau đó việc
sửa đổi Hiến pháp đã giúp Gorbachev thâu tóm được chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch
Xôviết tối cao vào năm 1989 và trở thành tổng thống đầu tiên của Liên Xô vào
năm 1990. Điều 6 Hiến pháp Liên Xô bị sửa đổi, bãi bỏ quyền lãnh đạo duy nhất
của Đảng Cộng sản, quy định đa nguyên chính trị và hệ thống đa đảng.
Uy tín của Đảng Cộng sản bị hủy
hoại, làm mất phương hướng dư luận xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối
với những giá trị xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, thổi bùng chủ nghĩa dân tộc, chủ
nghĩa chống cộng, chủ nghĩa ly khai tại các nước cộng hòa tự trị và các nước xã
hội chủ nghĩa anh em, tạo điều kiện cho các phần tử bất đồng chính kiến, những
kẻ cơ hội chính trị đủ mọi phe phái trỗi dậy, tập hợp thành các phong trào
chống đối.
Cùng với những sai lầm trong chính
sách đối nội, ban lãnh đạo do Gorbachev cầm đầu thi hành chính sách đối ngoại
phản động theo hướng từng bước nhượng bộ, thỏa hiệp với phương Tây. Chủ trương
hòa dịu, chấm dứt chạy đua vũ trang, tiến hành giải trừ quân bị, ban lãnh đạo
Liên Xô còn chủ động rút quân khỏi Ápganixtan và các nước Đông Âu, mất quyền
kiểm soát tình hình chính trị tại các nước này. “Tư duy đối ngoại mới” còn kêu
gọi mở cửa về văn hóa - tư tưởng, cấp tập “nhập khẩu” các giá trị tự do, dân
chủ, nhân quyền kiểu phương Tây. Từ đó đã tiếp tay cho các thế lực thù địch bên
ngoài lợi dụng những khó khăn trong nước, đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, kích
động tâm lý bất bình, bức xúc trong dân chúng, hỗ trợ tập hợp lực lượng, hình
thành các phong trào đối lập, phản kháng, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.
Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết
diễn ra đồng thời với sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Năm 1989,
chế độ xã hội chủ nghĩa tại 5 nước Đông Âu: Ba Lan, Hunggary, Cộng hòa dân chủ
Đức, Bungary và Rumani sụp đổ. Năm 1990 các nước cộng hòa vùng Bantích tuyên bố
độc lập, rút khỏi Liên Xô. Ngày 20/8/1991 các thế lực chống đối lên nắm quyền
tại 3 nước cộng hòa chủ chốt là Nga, Ucraina và Bêlarút cũng tuyên bố độc lập.
Tháng 12 năm 1991 Liên Xô chính thức giải thể. Năm 1992 các chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Anbani và Nam Tư cũng bị lật đổ.
Như vậy, sự sụp đổ của hệ thống xã
hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu bắt nguồn từ việc xa rời các nguyên tắc của
chủ nghĩa Mác - Lênin, bắt đầu từ việc giáo điều, xơ cứng hóa học thuyết này và
kết thúc bằng việc xuyên tạc, phá bỏ các nguyên lý mácxít - lêninnít cơ bản./.
N.T.L - H2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét